Quốc hội “trẻ em”

(Dân trí) - Nếu có một Quốc hội cho trẻ em, chắc rằng các “nghị viên” sẽ không bao giờ ngủ gật, ngược lại sẽ làm nghị trường nóng “hôi hổi”.

“Chúng em phải học hành cả ngày lẫn đêm”, “em muốn trở thành hoạ sĩ nhưng bố mẹ không cho em vẽ”, “em muốn đá bóng nhưng bị doạ chặt chân”, “người lớn viển vông quá”, “người lớn cứ ra lệnh, truyền đạt và chúng em chỉ còn mỗi việc lĩnh hội”, “nếu được làm lãnh đạo em sẽ giải quyết nhiều vấn đề của xã hội chứ không riêng các vấn đề của trẻ em”... Đó là những ý kiến rất chân thật của các cô cậu học trò.

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều em nhỏ và thật bất ngờ trước khát vọng, mong muốn của các em...

Quốc hội “trẻ em” - 1

Nguyễn Trường Giang, học sinh lớp 9 trường THCS Mai Động: Em sẽ quyết định thành lập ngay cơ quan chuyên trách chống tham nhũng

Ôi! Chúng em phải đi học thêm cả tuần, không còn thời gian để chơi nữa. Trong giờ học, cô giáo dạy thế nào chúng em chỉ biết tăm tắp theo thế chứ làm gì được trao đổi. Nếu có hỏi cô giáo về một vấn đề gì đó, cô giáo sẽ nói “cái đó các em chưa cần quan tâm”.

Hình như chẳng ai muốn cho chúng em quyền chủ động cả. Có thầy cô cứ xuất hiện là chúng em thấy căng thẳng, nhất là cô chủ nhiệm rất ít cười mà hay mắng... Nếu em được làm thành viên của Quốc hội, chắc sẽ có nhiều việc phải làm lắm.

Trước khi hội nghị G8 khai mạc đã có hai hội nghị thượng đỉnh J8 và C8 với 100% đại biểu là trẻ em nhằm gây tác động lên nghị trình của G8. Tại nước Pháp hàng năm luôn có một cuộc họp Quốc hội của trẻ em để các em nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình, từ đó nhà nước xem xét và có những cải cách phù hợp. ở nước ta trong thời gian gần đây đã tổ chức một số diễn đàn cho trẻ em nhưng tiếng nói ở đó vẫn còn mờ nhạt.

Em sẽ giải quyết tham nhũng bằng cách thành lập ngay cơ quan chuyên giám sát, tìm hiểu những cán bộ có chức quyền, thực hiện điều tra sâu sát và xử lý thật nghiêm những người có tội. Người ta hay nói làm cảnh sát giao thông thì giàu” - em không muốn nghe như vậy nữa. Chúng ta nên học tập nước ngoài, người vi phạm giao thông phải đứng tại chỗ học luật chứ phạt tiền nhiều người giàu không hề tiếc tiền phạt, lại còn dễ làm cảnh sát dính vào tiêu cực...

Quốc hội “trẻ em” - 2

Trần Trọng Đạt, lớp 7 Pháp 2 trường THCS Giảng Võ: Bố mẹ hãy thử một lần tin chúng con!

Em có một thằng bạn rất mê bóng đá, thế nhưng bố nó cấm tiệt, còn doạ là nếu đá bóng sẽ chặt chân nó. Bác ấy muốn nó dành mọi thời gian cho việc học. Bạn ấy nói với em, nếu bố cứ để cho nó được đá bóng, nó vẫn có thể học tốt được.

Bố mẹ cũng một thời thích chơi đùa, nghịch ngợm như chúng em bây giờ, thế mà bố mẹ vẫn trưởng thành đấy thôi. Những lần được bố mẹ ủng hộ suy nghĩ, ý tưởng của mình em thích lắm, thấy phấn chấn hẳn lên và tự tin mình sẽ làm được điều đó tốt nhất. Em cũng cảm thấy mình người nhớn” hơn một chút, thấy hãnh diện hơn với cả nhà.

Quốc hội “trẻ em” - 3

 Đỗ Thị Hương, lớp 11 A trường THPT Lương Văn Can: Em sẽ không để học sinh nghỉ hè quá nhiều như hiện nay

Em ước mình có thể quyết định được những điều liên quan đến chúng em. Được thế, em sẽ không cho học sinh nghỉ hè nhiều như vậy để rồi lại phải học dồn dập trong năm.

Nghỉ hè nhiều quá đến phát chán, chơi điện tử suốt ngày, trong khi đó vào năm học lại phải học đến tối tăm mặt mũi. Em sẽ cho học sinh nghỉ làm nhiều kỳ (mỗi kỳ nghỉ khoảng một tuần), như thế chúng em sẽ được thư giãn đầu óc, việc học tập chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Quốc hội “trẻ em” - 4

 Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh: Bớt xây tượng đài đi mà hãy  xây khu giải trí cho thanh niên

Theo em, lứa tuổi học sinh THPT chính là lứa tuổi rất quan trọng- lứa tuổi dễ thay đổi, dễ bị lôi cuốn. Hiện, phần lớn những chỗ vui chơi của thành phố chỉ dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng còn rất hiếm những nơi hoạt động cho thanh niên.

Giới trẻ chúng em chỉ có một vài quán cà phê mà ngồi lâu rồi cũng... chán. Nếu hỏi có chỗ nào cho chúng em đề đạt ý kiến của mình hay không thì em chẳng biết chỗ nào cả.

Hiện nay, em thấy thành phố có quá nhiều tượng đài mà tại sao không bớt đi để xây dựng những chỗ vui chơi cho giới trẻ. Em cũng không hiểu sao khi xây dựng các công trình, người ta không có cái nhìn xa hơn về qui hoạch về độ bền vững mà chỉ đẩy nhanh tốc độ chào mừng các ngày lễ lớn. Người ta hay nói đến tham ô tham nhũng nhưng sao lại không giám sát thu nhập của người có chức quyền bằng cách nào đó. Thật khó hiểu!

Người lớn nói thế nào về “Quyền trẻ em”

Đôi khi phải “thoả hiệp” với con cái

Sự bao bọc của gia đình đã dường như đã biến một bộ phận giới trẻ thành những con ốc thu mình trong vỏ. Thế nhưng chúng ta không thể đổ lỗi cho các em, khi mà các ông bố bà mẹ lúc nào cũng nhất nhất rằng mọi cư xử của mình với con cái đều là đúng và buộc con làm theo sự sắp đặt của mình. Vì thế, cha mẹ cần lắng nghe con nói, đôi khi phải thoả hiệp với con, để cho con thấy được tôn trọng, được lắng nghe. (Bà Khuất Thị Hải Oanh - Viện nghiên cứu phát triển xã hội)

Đừng làm trẻ trì trệ

Giáo dục là phải định hướng. Tuy nhiên, nếu các em bị áp đặt sẽ có tâm lí nghe người khác nói rồi làm theo, từ đó hình thành nên sự trì trệ, quen bị áp đặt. Chưa kể phương pháp giáo dục hà khắc, buộc trẻ phải tuân theo còn gây ra trạng thái căng thẳng, lo lắng, sợ sệt. Cho nên phương pháp giáo dục mới cho phép trẻ được chủ động hơn, được nói, được làm, đồng tình hay phản đối, được tạo ra cái gì đó theo quan điểm của mình rồi sau đó thầy cô có đánh giá, hoặc thảo luận trong lớp... (PGS. TS Phạm Viết Vượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm)

M.Cường - H.Hải