Quen miệng... chửi thề
“Em bị sốc khi nghe đứa em trai... chửi thề. Hỏi thì nó bảo “học” từ bạn bè, mấy anh trong xóm. Chửi thề có gì mà nhiều người sính nói quá nhỉ?” - một dân teen bày tỏ bức xúc.
Chửi thề, một hiện tượng không mới xưa nay ở nhiều người, nhiều vùng miền, thời đại... có lẽ là vấn đề thuộc xã hội học nhiều hơn nhưng để ý kỹ ta có thể tìm thấy vài yếu tố “bệnh lý”.
Trong ngôn ngữ nói, việc sử dụng trọng âm rất phổ biến nhưng dùng chúng với nội dung nghe... êm tai hay không tùy thuộc mỗi người. Ngoài ra nếu thử xóa hết những tiếng đệm này ra khỏi câu nói của một bạn trẻ quen chửi thề ta sẽ thấy phần còn lại khá lủng củng.
Điều này chứng tỏ nếu không đệm, chủ nhân rất khó hoàn thành câu nói trơn tru (khá giống một số người khi phát âm phải cứu viện bằng những từ “hoãn binh”như cái, thì, mà, là…).
Về tâm lý, chửi thề đôi khi là liệu pháp chống đỡ, một hình thức “ngầu hóa” nhằm khỏa lấp sự thiếu tự tin.
Với trẻ con, việc bén duyên kiểu nói này thường do bắt chước một cách vô ý thức, vì vậy không hiếm thiên thần nhỏ tỉnh bơ chửi thề nhưng cũng không hiểu rõ mình đang nói gì bởi trẻ con khó phân biệt được đèn hay mực khi tiếp thu ngôn ngữ nói, thậm chí còn thích thú như một khám phá.
Nghe bạn chửi thề, có lẽ phải chịu khó dành nhiều thời gian “delete” (xóa) chúng ra khỏi đầu cậu bạn, đồng thời chú ý cắt “đầu vào” để tránh quen miệng, khó sửa về sau.
Theo BS Ðỗ Minh Tuấn
Tuổi Trẻ