Quần hùng “làm tổ” ở phòng trọ

Vì quá nể nang mà sinh viên, đặc biệt là các sinh viên nam, đã biến nhà trọ của mình thành nơi “quần hùng tụ hội” của bạn bè và người quen... Không ít điều phiền toái xảy ra từ sự tụ tập ấy...

“Đất lành chim đậu”

 

Nói đất lành không sai bởi những nhà trọ này có đủ tiêu chuẩn thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Chủ nhà không ở cùng, không quan tâm đến những người thuê làm gì ở nhà mình. Hoặc nhà trọ nằm cách biệt và người thuê dễ tính, nể nang bạn bè.

 

Những người hay đi xin ở nhờ có hai loại: ngắn hạn và dài hạn. Loại ngắn hạn chỉ ở khoảng một hai ngày, cùng lắm là một tuần rồi... “lượn”. Loại dài hạn ở như một thành viên trong nhà, nhưng khác là không nộp tiền nhà.

 

Nhà của Tiến - Khương - Cường (ĐHKHXH&NV) là một ví dụ cho trường hợp ngắn hạn. Gần trường, cả ba lại sống hết lòng vì bạn bè nên căn nhà chỉ có khoảng mười mét vuông nhưng thường xuyên đón vài đứa bạn đến ở nhờ.

 

Khi thì thằng bạn đánh game khuya quá chủ nhà không cho vào đành gõ cửa nhờ một hôm. Mà đâu phải ít lần, hầu như tuần nào cũng phải vài buổi. Khi thì “mày cho tao nhờ vài buổi, mấy hôm nay trời rét, nhà tao mãi bên Gia Lâm, ngại đi lại”.

 

Có lúc thằng bạn lại xuất hiện với bộ mặt ảo não: “Mày cho tao ở vài ngày. Tao đang chết đói đây. Vừa thua vụ cá độ, mất một “tê” (triệu)”. Cho nên, “phần cứng” là ba người nhưng nhiều khi phát sinh đến tận 7, 8 người. Giường chiếu không đủ nên phải nằm ra cả sàn nhà.

 

Tụ tập dài hạn cũng không hiếm, nhất là khi bạn bè của những người chủ nhà lâm vào những tình huống như: bị chủ nhà đuổi vì không nộp tiền nhà đúng hạn, hoặc vì không đủ tiền thuê nhà.

 

Năm thứ nhất, Hải - sinh viên BK đã được người chú có mảnh đất ở Định Công xây cho một căn nhà nhỏ để yên tâm học tập. Thời gian đầu, chỉ có 3 người nên mọi thứ rất ngăn nắp. Nhưng từ năm thứ hai trở đi, mọi chuyện đã khác.

 

Đầu tiên, một người bạn học cùng cấp hai đang làm công nhân đến xin ở nhờ vài ngày. Hải đồng ý vì muốn giúp đỡ bạn bè. Nhưng hết vài ngày rồi mà bạn vẫn không đi. Cuối cùng người bạn nói thật là không có nhà. Lương thì ba cọc ba đồng, mà chỉ có ở nhà khi ngủ, nên không muốn thuê. Thế là Hải mềm lòng cho bạn ở vì thương bạn.

 

Vài ngày sau, anh của người bạn ở cùng và bạn của anh ta kéo đến. Hai anh đã tốt nghiệp nên mất chỗ trong ký túc, đành đến chỗ người em ở vài ngày. Chưa xin được việc nên suốt ngày hai anh ở nhà. Hết đánh bài bạc lại nằm ườn ra giường, báo hại mấy tên đàn em phải hầu hạ như là hầu... ông tướng.

 

Mọi thứ lộn tùng phèo

 

Thứ nhất là thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tiến - Khương - Cường có một luật lệ rất nghiêm khắc là mọi người đều phải đi ngủ trước 12 giờ để sáng hôm sau dậy sớm và cũng là để bảo vệ sức khoẻ. Nhưng từ khi có bạn đánh game vào ngủ nhờ, không bao giờ nhà Tiến được ngủ trước 3 giờ sáng. Sáng hôm sau phải 10- 11 giờ mới dậy được. Chỉ kịp lồm cồm bò dậy, vệ sinh cá nhân rồi vác cái xác đến lớp học. Sau gần một tháng, ba người gầy đi trông thấy, lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi.

 

Vì ở đông, lại cậy mình là khách, mà khách đến thì chủ nhà phải đón tiếp... “trọng thị” nên những người đến ở nhờ có xu hướng dựa dẫm vào chủ nhà. Màn không ai mắc vì một người chán phải mắc mãi. Chăn màn thì chẳng ai thèm gấp vì dựa dẫm vào nhau. Ngủ thế nào thì khi dậy y như thế. Nhà cửa không thèm quét. Chủ nhà tự ái, cuối cùng tặc lưỡi thôi có thế nào sống thế ấy.

 

Bên cạnh đó là những rắc rồi về mặt tiền nong. Những người đi ở nhờ, có người biết ý, góp tiền cho chủ nhà, nhưng cũng có người không góp, phần vì không có, phần cũng vì không muốn góp. Họ không phải là những người hẹp hòi với bạn bè, nhưng với số tiền chu cấp ít ỏi của bố mẹ, không thể nuôi thêm một vài người nữa được.

 

Và như một lẽ tất nhiên, sau một thời gian ở chung, không ít trường hợp đã phát sinh mâu thuẫn. Đàn em tuy không nói ra nhưng khó chịu ra mặt, lầm lầm lì lì ít nói. Kẻ đàn anh đến ở nhờ thì ngấm ngầm chửi “chủ nhà” mới tí tuổi đầu mà láo lếu, dám mặt nặng mày nhẹ với “đàn anh”...

 

Theo Đoàn Tất Thảo
Giáo Dục và Thời Đại