Quan hệ tình dục sớm nhưng ngại kết hôn

Quan hệ tình dục sớm hơn nhưng trì hoãn kết hôn và sinh con đang là lựa chọn của không ít bạn trẻ.

QHTD sớm...

 

Theo số liệu điều tra do Tổng cục Thống kê công bố đầu tuần qua, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở cả nam và nữ thanh niên đều tăng nhẹ (kết hôn muộn hơn) trong 10 năm qua. Tuổi kết hôn trung bình của nam hiện là 26,2 tuổi và 23 tuổi đối với nữ. So với năm 2005, độ tuổi này là 25,4 với nam và 22,8 với nữ.

 

Trong khi đó, quan hệ tình dục lại bắt đầu sớm hơn. Theo kết quả điều tra về sức khỏe sinh sản/tình dục (SAVY 2, công bố năm 2010), quan hệ tình dục (QHTD) lần đầu ở thanh niên VN đã sớm hơn 1,5 tuổi (trung bình 18,1 tuổi), so với 5 năm trước đó tuổi QHTD lần đầu là 19,6. Thanh niên đô thị QHTD lần đầu trung bình 18 tuổi, sớm hơn so với thanh niên nông thôn (18,4 tuổi).

 

Cũng theo SAVY 2 công bố năm 2010, 9,5% thanh niên được điều tra cho biết đã từng có QHTD trước hôn nhân (5 năm trước đó, tỷ lệ này là 7,5%).

 

Theo TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học, thanh niên ngày nay tỏ ra cởi mở hơn về tình dục trước hôn nhân. Trong đó, nam thanh niên đã từng có QHTD trước hôn nhân (kể cả những người hiện đã kết hôn) là 13,6%, cao gấp hơn 2 lần so với nữ (5,2%). Còn một điều tra riêng trong nhóm sinh viên đại học chưa lập gia đình tại TP.HCM cho thấy, tỷ lệ có QHTD ở nam sinh viên là hơn 19% và ở nữ là gần 6%.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo về TD không an toàn trong giới trẻ vì một số điều tra cũng cho thấy, có tới 71% vị thành niên, thanh niên không sử dụng bao cao su khi QHTD lần đầu. Lý do không sử dụng bao cao su trong QHTD lần đầu được đa số cho rằng: Không tính trước được là có “việc đó” xảy ra (57,8%); không có sẵn phương tiện tránh thai (13%).

 

BS Đào Xuân Dũng, thành viên tham gia các điều tra, nghiên cứu về sức khỏe sinh sản cho rằng, việc QHTD sớm hơn nhưng lại chưa sẵn sàng cho áp dụng các biện pháp an toàn dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

 
Quan hệ tình dục sớm nhưng ngại kết hôn - 1
 

...nhưng ngại kết hôn và trì hoãn sinh con

 

Theo Tổng cục Thống kê, các điều tra gần đây cho thấy, mô hình sinh của Việt Nam đang chuyển từ sinh sớm sang sinh muộn hơn, đặc biệt phụ nữ thành thị ngày càng trì hoãn thời gian sinh con và ít con hơn. Trong vòng 10 năm (1999-2009), tỷ suất sinh của nhóm dân số ở độ tuổi 20-29 đã giảm từ 158 con/1.000 phụ nữ xuống 121 con/1.000 phụ nữ trong cùng thời kỳ.

 

Xu hướng trì hoãn sinh con thể hiện khá rõ trong các gia đình trí thức. Lãnh đạo của một công ty dược phẩm cho biết: “Con trai của chúng tôi lập gia đình đã 2 năm nay nhưng vẫn... im lìm. Khi nhà tôi hỏi chuyện hai con về việc “tăng dân số” thì con dâu rất lễ phép nói: “Con xin phép bố mẹ cho chúng con tự quyết định, con muốn học xong thạc sĩ rồi mới tính chuyện sinh con”.

 

Còn ông H., một chuyên gia kinh tế phàn nàn: “Con gái tôi mê học hơn lấy chồng. 27 tuổi, vừa học Úc 2 năm về, bây giờ vẫn chỉ thích kiếm học bổng đi học tiếp. Chỉ yêu thôi chứ không muốn lấy chồng, sinh con”.

 

Bác sĩ Đào Xuân Dũng cho rằng: “Trì hoãn kết hôn, trì hoãn sinh con là lựa chọn của không ít bạn trẻ bởi giới trẻ ngày nay đang chú trọng hơn đến việc phấn đấu có được công việc, thu nhập ổn định.

 

Các bạn trẻ cũng muốn tận hưởng cuộc sống nhiều hơn nên e ngại sinh con sớm có thể ảnh hưởng đến các nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, các vợ chồng trẻ cũng cần lưu ý, không nên có con muộn vì tuổi của mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tốt nhất phụ nữ nên sinh con trước tuổi 30”.

 

Theo Liên Châu

Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm