Quả Cầu Vàng 2019: Chưa đủ thất bại thì chưa thể thành công trong khoa học
(Dân trí) - “Thành công trong khoa học thường phản ánh số lần thất bại ta đã từng trải qua khi thí nghiệm. Nếu chưa thành công, có lẽ do chưa đủ số lần thử nghiệm thất bại”, Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạnh nói.
Tiến sĩ công nghệ thông tin (CNTT) 8x có nhiều thành tích nổi bật trong và ngoài nước
Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạnh (SN 1987) hiện đang là Giáo sư tập sự, Khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông, Đại học Soongsil, Seoul, Hàn Quốc.
Anh có nhiều thành tích nổi bật trong lĩnh vực của mình, trong đó ấn tượng nhất là 19 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế: trong đó 13 bài báo thuộc danh mục Q1.
Anh đồng thời là tác giả chính 1 bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi US Patent 2014 và đồng tác giả sáng chế khác được công nhận năm 2015.
Mặt khác, Tiến sĩ Thạnh là thành viên chính của 3 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia và 2 đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu; có công trình đăng trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019.
Tiến sĩ Thạnh cũng là nhà khoa học thỉnh giảng, Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và phản biện cho 7 tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.
Mới đây nhất, Tiến sĩ Thạnh được tôn vinh là 1 trong 10 Quả Cầu Vàng Khoa học công nghệ thanh niên năm 2019. Đây là giải thưởng của Bộ Khoa học công nghệ và Trung ương Đoàn trao tặng cho các cá nhân trẻ tuổi có thành tích và cống hiến trong khoa học và công nghệ.
Điều đáng tiếc là do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên anh Thạnh không thể trực tiếp nhận giải thưởng. Từ Hàn Quốc, Tiến sĩ 8x bày tỏ niềm tự hào khi nhận được giải thưởng Quả Cầu Vàng.
Anh cho rằng đây là một khích lệ lớn, giúp anh có thêm động lực để học tập, làm việc, cũng như hướng về và đóng góp cho Tổ quốc nhiều hơn.
Tiến sĩ Thạnh tâm sự: “Hồi nhỏ, ngoài ước mơ trở thành một nhà khoa học, mình còn có mong muốn một ngày nào đó trở thành đại biểu quốc hội, để giúp đưa những tiếng nói của người dân tới Chính phủ và hỗ trợ chính phủ hoàn thiện thể chế giúp đất nước ngày càng phát triển và xã hội ngày càng văn minh.
Ước mơ số 1, trở thành nhà khoa học, mình đã chạm được một chút tới. Còn ước mơ số 2, mình đang nghĩ xem sẽ chạm tới như thế nào (cười). Có thể sắp tới, mình sẽ thử sức ở nhiều lĩnh vực mới để thực hiện ước mơ số 2 này”.
Dấu mốc đầu tiên đưa Tiến sĩ Thạnh tới với việc nghiên cứu khoa học là học bổng của tập đoàn viễn thông Hàn Quốc lúc năm thứ ba đại học. Anh Thạnh cũng được học bổng tiến sĩ toàn phần của viện công nghệ Hoàng Gia Melbourne cùng lúc nhận học bổng của của trung tâm nghiên cứu CNTT xuất sắc NICTA, Úc.
“Cùng lúc nhận học bổng ở Hàn Quốc, mình cũng nhận được học bổng ở các nước khác, nhưng mình chọn Hàn Quốc vì đây là một nước có nền công nghệ thông tin rất phát triển, mọi công nghệ được áp dụng rất nhanh vào cuộc sống.
Mãi sau này, mình mới biết thêm một lí do nữa là tới Hàn Quốc mình sẽ được gặp vợ mình, nên quyết định chọn Hàn Quốc với mình càng đúng (cười)”, Tiến sĩ trẻ tuổi chia sẻ.
Năm 2015 đánh dấu sự quay trở lại Hàn Quốc của anh Thạnh để đồng hành cùng vợ học tiến sĩ. Cũng trong năm này, anh nhận được giải bài báo xuất sắc nhất tại một trong những hội nghị uy tín nhất trong chuyên ngành tại California, Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, anh Thạnh chính thức được tuyển dụng làm việc ở trường Soongsil. Đầu năm 2019, anh nhận được vị trí thỉnh giảng tại Viện đại học MIT, Mỹ.
Phát triển công nghệ và giáo dục là điều then chốt trong hướng đi tương lai
Hướng nghiên cứu của TS. Đinh Ngọc Thạnh tập trung về Internet vạn vật và các thế hệ mạng tương lai.
Anh lí giải: “Internet hiện tại chủ yếu kết nối mạng máy tính và điện thoại truyền thông với nhau.
Trong tương lai Internet vạn vật sẽ kết nối vạn vật từ các thiết bị trong nhà cho tới xe, và thậm chí cả cơ thể của chúng ta vào Internet. Từ đó, Internet vạn vật sẽ giúp số hóa và tự động hóa nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, cho tới y tế…
Thử tưởng tượng, trong tương lai chúng ta không còn phải tới bệnh viện để khám bệnh, mà sức khỏe của chúng ta có thể được dõi 24/7 bởi những thiết bị chúng ta đeo và mặc trên người, nhờ đó, giúp chúng ta phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh hay các vấn đề về sức khỏe theo thời gian thực”.
Anh Thạnh chọn Internet vạn vật làm hướng nghiên cứu vì đó là tương lai của mạng máy tính, số hóa, và tự động hóa. Internet vạn vật cũng là cốt lõi của nền công nghiệp 4.0, và sẽ được ứng dụng vào mọi mặt trong cuộc sống từ y tế, nông nghiệp, cho tới công nghiệp và giải trí.
Mặc dù vị trí của khoa học công nghệ và CNTT ở nước ta còn nhiều hạn chế so với các nước, nhưng tốc độ phát triển khoa học CNTT ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều bước tiến đáng kể. Nhất là với dự đầu tư về công nghệ và đầu tư vào nghiên cứu từ các tập đoàn tư nhân gần đây.
Theo anh Thạnh nhận định, phát triển công nghệ và giáo dục là điều then chốt trong hướng đi tương lai.
“Hướng đi công nghệ phù hợp với chúng ta trong thời gian tới là số hóa, hoàn thiện công nghiệp và tự động hóa trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Đối với lĩnh vực công thì chúng ta cần tiếp tục số hóa và xây dựng chính phủ điện tử toàn diện để minh bạch hóa và tăng hiệu quả quản lý cũng như chất lượng của các dịch vụ công.
Điều này rất quan trọng để loại bỏ những gánh nặng không cần thiết đối với nền kinh tế do việc quản lý công chưa hiệu quả và tạo cơ sở hạ tầng giúp các doanh nghiệp phát triển cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Song song với đó là chú trọng vào giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp và đầu tư nghiên cứu trong trường đại học để đảm bảo chúng ta luôn bắt kịp những công nghệ mới nhất, xa hơn nữa là góp phần tiên phong sáng chế ra những công nghệ mới”, anh nói.
Mọi thứ đều khó trước khi chúng trở nên dễ dàng
Ở góc độ cá nhân, anh Thạnh dành nhiều sự quan tâm tới thế hệ trẻ. Mỗi học kỳ, anh thường hỗ trợ nhiều bạn trẻ xin học bổng du học ở các nước. Về khoa học kĩ thuật, anh cũng đang tham gia ban kĩ thuật của nhiều hội nghị ở Việt Nam.
Anh Thạnh và vợ cũng tham gia nhiều dự án chính phủ Hàn Quốc tài trợ đào tạo cho các bộ ngành, các trường đại học, chương trình hỗ trợ đào tạo cho thanh niên thất nghiệp ở các tỉnh của Việt Nam. Ở một khía cạnh khác, gia đình anh cũng tham gia giới thiệu và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc mở chi nhánh ở Việt Nam.
Ngoài ra, anh Thạnh cũng làm đại sứ cho chương trình Teach For Vietnam để phát triển giáo dục toàn diện và chương trình STEM tại Việt Nam.
Sau Diễn đàn tri thức trẻ toàn cầu 2019, anh tham gia Mạng lưới Trí thức trẻ phát Triển Kinh Tế Số Tại Việt Nam, gồm tập hợp các tri thức trẻ Việt Nam cả trong nước và khắp nơi trên thế giới, cùng cộng hưởng để tìm các giải pháp số hóa giúp giải quyết những vấn đề cụ thể của Việt Nam.
Anh Ngọc Thạnh và gia đình đang lên kế hoạch hồi hương trong thời gian khoảng 2 năm nữa. Theo anh, đây là khoảng thời gian vừa đủ để vợ anh thực hiện một số kế hoạch đang là. Chị đã hi sinh ở nhà sinh và chăm con, nên có nhiều thiệt thòi.
“Hi vọng khi về nước, mình và vợ mình sẽ làm được nhiều việc cụ thể hơn góp phần phát triển khoa học công nghệ và giáo dục cho quê hương”, anh Thạnh ấp ủ.
Nhân dịp đoạt giải thưởng Quả Cầu Vàng, Tiến sĩ Thạnh chia sẻ đôi lời để truyền cảm hứng tới cộng đồng các nhà khoa học trẻ và thế hệ làm khoa học kế cận: “Theo mình, vượt qua giới hạn của bản thân mình chính là thành công lớn nhất, vì thế chúng ta đừng tự giới hạn bản thân mình.
Mọi thứ đều khó trước khi chúng trở nên dễ dàng, vì thế khi làm nghiên cứu, chúng ta cứ bắt tay vào làm rồi mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn”.
Với một người làm khoa học trẻ tuổi, Tiến sĩ Thạnh nhận ra: “Thành công đầu tiên trong khoa học thường phản ánh số lần thất bại chúng ta đã từng trải qua khi làm thí nghiệm.
Nếu chưa thành công hãy đừng lo lắng, có lẽ do chúng ta chưa đủ số lần thử nghiệm thất bại.
Bí quyết để để thành công trong một nghiên cứu là hãy nhân đôi số lần thất bại của mình!”.
Mai Châm
Ảnh: NVCC