Phong Kađơn trở lại Sài Gòn

Thời ấy, Phong đã “bỏ phố lên rừng” bằng một dự án dấn thân lãng tử: mang công nghệ thông tin về cho những đứa trẻ miền quê nghèo khó. Sau hai năm, bất ngờ gặp Phong tại Sài Gòn với một sự trải nghiệm: Các em cần nhiều hơn thế nữa…

1. Cách đây một năm, Nguyễn Trần Huy Phong nhận danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” với một câu chuyện lãng tử: rời bỏ thị thành và công việc với mức lương vài trăm USD, mang những chiếc máy tính về vùng rừng núi Kađơn dạy cho trẻ con - những đứa trẻ lam lũ biết thế nào là máy tính. "

 

Xã Kađơn (Đơn Dương, Lâm Đồng) nằm lùi trong hẻm núi, cách đường xe chạy hơn 10km nhưng nhịp sống thì tụt lại phía sau với nhịp thời gian tính bằng thập kỷ. Phong đi ra từ mảnh đất Kađơn và một ngày, cậu khám phá ra thế giới diệu kỳ từ chiếc máy gọi là vi tính.

 

Phong quyết định không thi đại học mà đi theo con đường của ẩn số phía trong bàn phím và trên màn hình. Vào Sài Gòn đi làm thuê. Học tin học “ngoài giờ” nhờ cái máy của một anh bạn sinh viên trường Bách khoa. Thế mà lập trình, thiết kế website, lập công ty ngon lành…

 

Rồi trục trặc, bỏ đi làm cho một công ty ở khu công nghiệp phần mềm Quang Trung lương vài trăm USD một tháng. Đùng cái bỏ về quê, có bao nhiêu tiền gom hết mua mấy cái máy tính, kêu gọi thêm bạn bè rồi mở tại nhà một phòng máy con con cho lũ trẻ miền sơn cước biết thế nào là tin học.

 

Có người từng đặt câu hỏi khó: “Sao không mua máy cũ rẻ tiền cho tụi nhỏ?”. Trả lời: “Tụi nhỏ không đáng được đối xử như thế, chúng xứng đáng được những gì tốt nhất!” Phong Kađơn là vậy!

 

2. Câu chuyện của chàng hiệp sĩ thông tin tưởng dừng lại đó. Thỉnh thoảng những thông tin từ Lâm Đồng cho hay “Hiệp sĩ Phong” đang làm việc cho một công ty phần mềm. Và anh chàng chỉ tốt nghiệp tú tài, có bằng A vi tính thế mà có thể đứng lớp trước những kỹ sư tin học nói thao thao bất tuyệt những kinh nghiệm quản lý hệ thống của mình.

 

Phong Kađơn trở lại Sài Gòn  - 1

Khi những đứa trẻ biết gõ cả mười ngón tay hai kiểu telex và VNI hỏi Phong: “Em sẽ làm gì với kỹ năng này?”. Phong lại quày quả về Sài Gòn…

Lâu quá, bặt tin chàng hiệp sĩ. Chắc lẫn đâu đó giữa rừng dã quỳ nơi xóm nhỏ Kađơn, anh ta vẫn theo đuổi những dự tính của mình. Nhưng rồi mới hôm qua, lại gặp Phong giữa đất Sài Gòn. Thì ra hơn tháng nay, anh chàng hiệp sĩ xứ Kađơn đã gửi căn phòng nhỏ, tủ sách con và những bài học vi tính cho cha mình rồi khăn gói vào Sài Gòn lần thứ hai.

 

Tụi nhỏ cần nhiều thứ hơn là những bài học trên máy tính. Mình sẽ phải làm ra tiền rồi tính tiếp. Giả sử như chúng muốn đi học một cái nghề, có một công việc sống ở đời… muốn thay đổi cuộc đời của lũ trẻ Kađơn, nào phải đâu chỉ là cảm giác không còn bỡ ngỡ với tiện nghi hiện đại nữa?

 

Trở lại Sài Gòn, bắt đầu một câu chuyện mới: những người bạn đã từng ủng hộ cho ước mơ Kađơn của mình lại tiếp tục chìa bàn tay để cùng đi tiếp những giấc mơ chung.

 

Bận là vậy, nhưng Phong vẫn cố làm thêm điều gì đó. Những ý tưởng cho cộng đồng, như đã ngấm vào máu mất rồi. Những ngày về Kađơn, Phong lập trang web hoa Đà Lạt (www.dalatrose.com) và biến nó thành nơi hội tụ lớn nhất của cộng đồng chơi hoa và phong lan ở Việt Nam. Cộng đồng ảo đã cực kì khoái chí những bức hình gần như “trực tuyến” của mỗi ngày lễ hội hoa ở Đà Lạt.

 

Và mới đây, website www.nganhangmau.com đã bật ra trong đầu khi biết rằng có rất nhiều người đã không qua khỏi bệnh tật chỉ vì thiếu máu. Nganhangmau.com sẽ là nơi để mọi người, nhất là các cơ sở y tế chia sẻ danh sách những người thuộc nhóm máu hiếm...

 

Vậy đó, cuộc sống không có nhiều cho những dự tính, mỗi ngày là một cố gắng…

 

Và có gì đâu, khi một ngày truy cập www.noivenhadat.com, bạn sẽ không bất ngờ đâu, khi biết Phong lại đang bắt đầu cuộc hành trình mới của mình: tìm chỗ trọ cho sinh viên nghèo, tìm một chỗ nương thân cho những công nhân xa quê...

 

Theo Nguyễn Tiến Đông Bình
Sài Gòn Tiếp Thị