Phim ngắn nhân văn chống kì thị người nhiễm HIV

(Dân trí) - Câu chuyện không chỉ nói về những người bị nhiễm HIV mà còn lên tiếng cho những đứa trẻ có cha mẹ bị nhiễm HIV đã phải sống trong sự kì thị của cộng đồng.

Phim ngắn "Cho em mơ" - đấu tranh chống kì thị người nhiễm HIV

Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12), nhóm tứ tấu Độc Cầm và TƯ. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng một số đơn vị thực hiện phim ngắn “Cho em mơ”. Đây là một bộ phim âm nhạc kể chuyện về một cô bé sinh ra trong gia đình ở nông thôn có mẹ bị nhiễm HIV/AIDS.

Bố em là người nghiện ma túy nhiễm HIV, sống trong bệnh tật sau khi đã làm cho gia đình khánh kiệt. Bố em qua đời khi em đang trong bụng mẹ. Vì người mẹ được uống thuốc nên cô bé không bị nhiễm HIV từ mẹ.

Ngay sau khi bố em qua đời, gia đình bên nội hắt hủi hai mẹ con em, đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà. Mẹ em vừa mang bệnh, vừa chạy vạy xin sữa cho em ăn, vừa tranh thủ buôn bán rau ở chợ trong khi thường xuyên phải chịu đựng những câu nói cay nghiệt của gia đình chồng, sự phân biệt đối xử và xa lánh của hàng xóm.

Mặc dù không bị nhiễm HIV nhưng em lớn lên dưới sự kì thị của hàng xóm láng giềng. Có một lần em đi ngang qua lớp học nhạc, thấy thầy giáo đang dạy sáo cho các bạn, em đem lòng yêu âm nhạc và ngày nào đi ngang qua em cũng đứng ở một góc xa để nhìn vào.

Phim ngắn nói về số phận 1 cô bé chịu ảnh hưởng bởi sự kì thị của xã hội đối với người thân của những người nhiễm HIV
Phim ngắn nói về số phận 1 cô bé chịu ảnh hưởng bởi sự kì thị của xã hội đối với người thân của những người nhiễm HIV

Một ngày, thầy giáo đến tìm em và trao cho em một cây sáo tỏ ý muốn nhận em vào lớp học. Người mẹ đi làm về nhìn thấy và trong lòng cảm thấy vừa vui vừa buồn. Buồn vì sức khoẻ không còn đủ chăm sóc em, nhưng vui khi thấy em được thầy nhận vào lớp, trao cho em 1 niềm tin, 1 ước mơ.

Và rồi đến một ngày người mẹ quyết định mang em về bên ngoại gửi vì không đủ sức khỏe để chăm sóc em. Người mẹ đau khổ bỏ lại đứa con với nuôi hi vọng em sẽ được gia đình bên ngoại cưu mang, lớn lên như những đứa trẻ bình thường nếu như có gì bất trắc xẩy ra với chị.

Khi mẹ bỏ đi, cô bé rất đau khổ, luôn nuôi hi vọng được thành công trong con đường nghệ thuật. Em vẫn luôn nghĩ về mẹ em. Mơ ước, sự thành công của em mang cả niềm tin của mẹ…

Đi học nhạc, em cũng không tránh được sự kì thị, trêu ghẹo của bạn bè. Nhưng cô bé rất kiên cường vượt qua và cùng với các bạn trở thành nhóm tứ tấu thành công.

Cuối cùng, chính cô bé khi lớn lên đã tham gia vào các hoạt động xóa bỏ sự kì thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp của HIV/AIDS.

Âm nhạc là một trong những con đường của ước mơ và có khả năng hàn gắn vết thương
Âm nhạc là một trong những con đường của ước mơ và có khả năng hàn gắn vết thương

M.C

Clip: Nhóm Độc Cầm, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh