Phía sau những “nụ cười công nghiệp”
M. Hương (sinh viên năm thứ nhất), PG trong một sự kiện có nhiệm vụ cầm máy ảnh chụp ảnh cho các bé đến tham gia… Oái oăm thay, chiếc váy của cô nàng vừa bó vừa ngắn, thành ra mỗi lần Hương ngồi xuống chụp ảnh cùng các bé thì lại một phen đỏ mặt "hớ hàng".
Vượt qua được những cám dỗ, thử thách, nhiều PG có bản lĩnh, có kiến thức, đã giúp cho các sản phẩm được quảng bá đến với người tiêu dùng tốt nhất. (Hình ảnh chỉ có tính minh họa)
Đòi hỏi “nhập vai” thật tốt
Trong Bỗng dưng muốn khóc, ai cũng phải ấn tượng với hình ảnh anh chàng Lương Mạnh Hải "xốc" nguyên bộ đồ con gà đứng "nhộn" trước cửa hàng fastfood. Công việc này gọi là mascot (mặc đồ các nhân vật như chuột Mickey, vịt Donald, gấu Teddy…). T.Anh (sinh viên năm thứ nhất), từng làm mascot cho nhãn hiệu sữa M., kể lại: "Lúc đầu, mình nhìn tưởng đơn giản, nhưng khi "vác" lên người nguyên bộ đồ dày cui thì mới thấm thía. 12h trưa, mồ hôi vã như tắm nhưng vẫn phải chịu đựng. Làm được một ngày, mình ốm mất 3 ngày!".
Để "hút" khán giả, các công ty quảng cáo đã chọn hình thức "PG (Promotion Girl)" * giả "ma nơ canh" đứng trước các kệ hàng. Nhãn hiệu P., trong một lần promote sản phẩm mới, đã sử dụng 2 ma nơ canh trước quầy hàng. Một "ma" mặc váy hồng, băng đô hồng, trang điểm xinh xắn, đứng mỉm cười. Một "ma" mặc váy trắng, đi giày trắng, tóc tai mặt mũi cũng được rắc bột trắng, quay mặt vào trong. Nhìn xa thì tưởng là tượng, nhưng nhìn gần sẽ thấy các bạn ấy có lúc chớp mắt. Trên đôi giày gót cao 7 phân, trước bao nhiêu ánh mắt săm soi, 2 "ma" phải giữ tư thế "đơ" hàng giờ liền!
Để cho ấn tượng, các công ty tổ chức event thường "sắm sửa" trang phục mát mắt cho các PG. Hãng truyền thông M. vừa tung một sản phẩm cho thiếu nhi nên tổ chức chương trình chụp ảnh cùng poster để nhận quà. M. Hương (sinh viên năm thứ nhất), một PG trong event (sự kiện), có nhiệm vụ cầm máy ảnh chụp ảnh cho các bé đến tham gia. Các bé thì đa số là 5 - 6 tuổi, mà Hương với chiều cao 1m68, lại thêm đôi giày 7 phân, thành ra phải hạ xuống sát sàn để chụp các bé. Oái oăm thay, chiếc váy của cô nàng vừa bó vừa ngắn, thành ra mỗi lần Hương ngồi xuống pose (chụp) ảnh thì lại một phen đỏ mặt "hớ hàng". Nhưng vì đã nhận làm nên Hương vẫn phải cắn răng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thù lao bị cắt xén
Tiền thù lao luôn bị cắt bằng lý do này hoặc lý do khác, một khoản để cho vào "chi phí quản lý" hay "chi phí phát sinh", có khi cắt để chi trả cho tiền hoa hồng đã "bốc show". Gần đây nhất, là tiền thù lao được cắt xén bằng lý do đóng thuế. Có những show bị cắt tới 50% thậm chí 70% thù lao, tùy theo mức độ "lành nghề" của quản lý.
T. Anh cay đắng kể lại: "Bữa đấy, mình được gọi đi làm một chương trình kéo dài 5 ngày, lương mỗi ngày là 200.000 đồng, nhưng đến khi nhận tiền thì chỉ được nhận 500.000 đồng cả thảy, trong đó, được giải thích là 200.000 đồng tiền chi phí quản lý, bao gồm cả tiền hoa hồng gọi đi làm, còn 300.000 đồng thì để đền cho tiền kê khai chi tiêu không đúng theo yêu cầu của công ty. Mình đã xem rõ lại tờ kê khai thì chả có mục nào theo như yêu cầu của công ty cả. Nhưng mà vẫn phải cắn răng mà chịu vì để còn lần sau làm tiếp nữa?".
Làm mascot như thế này cũng chẳng nhàn chút nào! (Ảnh minh họa)
Cạnh tranh khốc liệt
"Số lượng promoter ngày càng đông nên hay bị các công ty ép giá thù lao. "Ma cũ" không làm thì đã có "ma mới" chấp nhận, do đó tiền thù lao ngày càng trở nên rẻ", H. Hải, một PB (Promotion Boy) lâu năm, tâm sự.
Xuất hiện vào phút chót để thay thế cho một người bạn, T. Mai bỗng nổi như cồn trong giới PG với chiều cao 1m72. Cô nàng 19 tuổi nhanh chóng nhận được nhiều show quảng cáo giá "xịn". Tưởng như "sự nghiệp" đang lên thì một lần nọ, đang chạy Piaggio trong một lần roadshow cho hãng điện thoại, Mai bị một đám thanh niên đằng sau rồ ga lạng lách rồi ép té. Một tên trong bọn chúng còn chửi mấy câu thô lỗ trước khi phóng đi. Và Mai càng hoảng hốt khi được một đàn chị trong giới tiết lộ: đó là một tai nạn được dàn dựng. Sự việc Mai nổi lên nhanh chóng khiến các "đàn chị" lâu năm "nóng mặt". Đó là bài học cảnh cáo dành cho "ma mới", nhận việc cũng phải nhìn trước ngó sau.
Cách đây nửa năm, khi đang lang thang trong hội chợ triển lãm (Q. TB) thì T. Tú (sinh viên năm thứ 2) được một anh thanh niên đến bắt chuyện và tự giới thiệu là quản lý của một nhóm PB (Promotion Boy) **. Thấy Tú có ngoại hình, anh ngỏ ý mời bạn tham gia vào show quảng cáo sắp tới. Chưa kịp hí hửng với công việc thì một tuần sau, Tú phải đổi số điện thoại vì liên tục bị anh này "khủng bố". Ban đầu, anh ta gọi điện thoại mời uống cà phê để bàn chuyện công việc. Sau đó đêm đến lại gọi điện tâm sự. Về sau, Tú được các "ma cũ" cảnh báo anh này có vấn đề về giới tính. Từ đó, hễ thấy ai tự xưng là quản lý PB, Tú lại cảnh giác!