Phi công trẻ lái “Hổ mang chúa” Su-30
Làm bạn với Su – 30 (chiếc máy bay được mệnh danh là Hổ mang chúa) ngay từ khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Không quân Nha Trang và đến nay Thượng úy Trần Thanh Luân đã có tổng cộng 450 giờ bay trên các loại máy bay chiến đấu như Iak-52, L-39, Su-30. Luân là một trong những phi công chiến đấu trẻ nhất lái tiêm kích Su-30, thuộc Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 của Quân chủng phòng không không quân.
Tình cờ “trúng” Không quân
Cao 1m80, nụ cười trắng lóa, nước da đen giòn, Thượng úy Trần Thanh Luân trông chững trạc hơn so với tuổi 27 của mình. Ở Luân luôn toát ra sự cương nghị, mạnh mẽ của người lính phi công chiến đấu nhưng khi được hỏi “có người yêu chưa” anh đỏ bừng mặt, bẽn lẽn trà lời: “Mình chưa…”.
Luân tốt nghiệp thủ khoa hệ đào tạo phi công quân sự, trường Sĩ quan Không quân Nha Trang. Anh là một trong 6 phi công ra trường được về đơn vị chiến đấu ngay, được bay thẳng Su-30MK2 mà không phải chuyển loại qua vài máy bay như những người khác.
Đến nay, Luân có tổng cộng 450 giờ bay trên các loại máy bay chiến đấu như Iak-52, L-39, Su-30. Anh cũng có mặt trong tổ bay ngày và đêm, bay vùng sau để đào tạo giáo viên huấn luyện Su -30.
Năm 2015, Luân là đại diện duy nhất của lực lượng Không quân về tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II. Tài năng và sự dày dạn kinh nghiệm trong nghề của Luân khiến nhiều người nể phục.
Tuy nhiên, cơ duyên đưa anh đến với nghiệp phi công lại rất tình cờ. Luân kể: “Hồi đó, mình là học sinh lớp 12 thấy có khám tuyển phi công ở địa phương thì ghé qua kiểm tra xem sao. Không ngờ, cả huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chỉ mỗi mình đủ sức khỏe. Vượt qua hai vòng khám tuyển và vòng thi văn hóa mình được vào trường Không quân”.
Luân cho biết thêm, bố anh là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ còn mẹ là giáo viên. Từ bé, Luân đã quen với tác phong nhanh nhẹn, kỉ luật nghiêm khắc và đôi khi anh cũng được “phiêu lưu” cùng các trận đánh qua kí ức của bố. Vì thế, anh thích nghề bộ đội và ngưỡng mộ phi công nhưng mà chưa dám nghĩ tới. Với Luân, nghiệp đã chọn người, đó có lẽ là cái duyên. Sáu năm rèn luyện trong trường biến anh từ cậu học sinh cấp ba nhút nhát, ngây ngô dần trở thành phi công chiến đấu thực thụ.
“Nhiều người vẫn nhầm tưởng để làm phi công chỉ cần có sức khỏe tốt là đủ. Tuy nhiên, ngoài sức khỏe, bản lĩnh, lòng dũng cảm thì trí tuệ rất quan trọng. Bạn phải học tốt, quan sát tốt mới bay tốt”, Luân tâm sự.
Về đơn vị chiến đấu, Luân "làm bạn" với Su-30 ngay. Anh mất 6 tháng miệt mài học lý thuyết, rồi thực hành bay từ tháng 6/2013 đến giờ. Chuyến đầu tiên cất cánh trên chiếc tiêm kích của Luân là đi kiểm tra địa hình.
Cơm mẹ nấu lúc nào cũng ngon...
Hiện nay, Luân đang công tác tại Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 của Quân chủng phòng không không quân. Đây là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển chủ quyền phía Nam của Tổ quốc, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Nhiệm vụ của Luân cùng các đồng đội là thực hiện các chuyến bay tuần tiễu ngày, đêm bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Trường Sa.
Máy bay tiêm kích Su 30 hùng dũng trên bầu trời
“Dù thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển đảo rất nhiều lần nhưng mỗi lần bay qua Quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, nhìn qua buồng lái, máu trong tim mình như sôi lên. Niềm tự hào dân tộc, kiêu hãnh chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với lá Quốc kỳ đỏ thắm đang tung bay trên đảo… đã thôi thúc mình sống, chiến đấu cống hiến sức trẻ quyết bảo vệ sự bình yên, toàn vẹn lãnh thổ”, Luân chia sẻ.
Đối với Luân và đồng đội, mỗi chuyến bay được xác định tinh thần giống như những "trận đánh” để nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Mỗi chuyến bay đều gắn liền với sinh mệnh. Dù khí tài có hiện đại đến đâu thì bản lĩnh làm chủ của con người mới là yếu tố quan trọng quyết định thành bại.
Đây cũng là một trong những “bí quyết” khiến Luân hoàn thành xuất sắc nhiệm được vụ được giao. Anh cũng rất thích câu nói của thầy: “Bình tĩnh mới làm được thủ lĩnh”. Anh cho hay, đối với nghề phi công, có những người dưới mặt đất học lý thuyết khá tốt nhưng khi lên không trung mức độ phản xạ lại chậm cũng không thành công. Công việc đòi hỏi nhanh nhưng phải chính xác gần như tuyệt đối nên bình tĩnh luôn là chìa khóa vàng trong mọi tình huống để làm chủ bầu trời.
Công tác tại Nha Trang nên một năm Luân mới về nhà một lần. Nhiều cái Tết anh không về mà ở lại đón năm mới cùng đồng đội. Những lời nhắn gửi yêu thương đến bố mẹ đều nhờ cả vào chiếc điện thoại. Vì vậy, mỗi lần về nhà với Luân là thời gian để nghỉ ngơi, để “làm nũng”, dù ngay từ nhỏ Luân đã được bố mẹ rèn tính tự lập.
Thời gian ít ỏi được về nhà ấy anh thường tranh thủ đi thăm ông bà, họ hàng và tận hưởng những món ăn do mẹ nấu. “Mình dễ tính lắm, món gì cũng ăn được. ở đơn vị lúc nào cũng được ăn uống đầy đủ nhưng cơm mẹ nấu bao giờ cũng ngon nhất, dù đó những món đã vô cùng quen thuộc với mình. Bởi trong từng món ăn mẹ còn thêm cả “gia vị” yêu thương, nhớ nhung”, Luân cho biết.
Công việc bận rộn nên đến giờ Luân vẫn đúng “tiêu chuẩn” lính “phòng không”. Chàng thượng úy trẻ cho biết, anh không đòi hỏi người yêu phải xinh đẹp nhưng đó phải là người con gái ngoan hiền, biết chăm lo cho gia đình, đặc biệt, phải hiểu được công việc của chồng.
“Mỗi lần bay qua Trường Sa, được ngắm nhìn trọn vẹn dáng hình Tổ quốc từ buồng lái mình đều vô cùng xúc động. Vì vậy, mình và đồng đội luôn tự nhủ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng mình cũng phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng”, thượng úy Trần Thanh Luân chia sẻ.
Theo Thoa Vũ
Tuổi trẻ thủ đô