Phạm Trường Sơn được vinh danh ở Hungary

Dù là thí sinh người nước ngoài duy nhất tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học lần thứ 28 dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh, do Bộ Giáo dục Hungary tổ chức, thế nhưng Phạm Trường Sơn - một du học sinh Việt Nam đã giành được giải đặc biệt...

Đây là một trong những cuộc thi có danh tiếng của Hungary, Phạm Trường Sơn vượt qua 148 thí sinh, thuyết phục được các thành viên Ban giám khảo, giành số điểm tuyệt đối.

Nghiên cứu của Sơn là đề tài trong lĩnh vực hóa học, điều chế loại đồng phân quang học duy nhất của hóa chất afma-amino-phosphonates, 2 dược chất quan trọng này có tác dụng hạ huyết áp và làm thuốc kháng sinh.

Trong căn nhà nhỏ của Sơn ở Đà Nẵng, cô giáo Bùi Thị Trường kể về cậu con trai út của mình: Suốt những năm cấp 1-2, Sơn luôn là học sinh giỏi. Và 3 năm liền học tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm nào Sơn cũng giành được giải Hóa học cấp thành phố.

Năm học lớp 12, Sơn bị đau nặng trước kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, vậy mà vẫn trùm chăn, vừa rên hừ hừ, vừa ôn bài. Năm đó, Sơn đạt giải nhì môn Hóa, có vẻ không vui vì làm bài không như ý muốn. Đến khi thi đại học, Sơn đậu một lúc 3 trường.

Ban đầu, Sơn tính theo học Đại học Bách khoa TPHCM, nhưng nhập học được 1 tuần thì nhớ nhà, vậy là Sơn đón xe về nhà, xin nhập học vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ngay năm đầu đại học, Sơn đã là sinh viên xuất sắc của khoa, được chọn ra Hà Nội học ngoại ngữ để đi du học tại Hungary.

Tại khóa học này, Sơn nhanh chóng hòa nhập và trở thành một trong 2 sinh viên có số điểm cao nhất, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học tại trường Đại học Kỹ thuật - Kinh tế Budapest, Hungary.

Hằng năm Sơn đều được Đại sứ quán Việt Nam trao bằng khen về thành tích học tập xuất sắc. Năm 2006, Sơn cùng một lúc nhận hai bằng thạc sĩ hóa dược và hóa phân tích loại xuất sắc, được nhận học bổng nghiên cứu sinh tại trường.

Cũng năm 2006, luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của Sơn được chọn là luận văn tốt nghiệp xuất sắc toàn khóa do tập đoàn thuốc Sanofi-Aventis trao giải.

Cô Trường còn nhớ như in những ngày Sơn học cấp 2, lại học ngay lớp mẹ dạy. Thay vì có được ưu thế, với Sơn lại trở thành... thiệt thòi. Mọi bài làm môn Hóa của Sơn đều bị "soi" một cách kỹ lưỡng, và sẵn sàng bị trừ điểm vì những lý do nhỏ nhặt nhất.

Có hôm, cô giáo chủ nhiệm kéo cô giáo Trường ra, bảo chị có học sinh đòi kiện vì ép điểm, hỏi ra mới biết học sinh đó chính là Sơn, với lý do: "Tại sao bài làm em cũng có kết quả như các bạn, nhưng điểm lại thấp hơn. Em muốn kiện cô giáo dạy Hóa vì đã chấm điểm không công bằng". Cô giáo Trường cười rớt nước mắt.

Sau này, Sơn viết thư về, tâm sự với mẹ: "Nhờ sự kỹ lưỡng mà mẹ rèn cho con nên mỗi lúc làm bài, con không dám để bất cứ một sai sót nhỏ nhặt nhất nào làm ảnh hưởng đến bài làm của mình...".

Và một người nữa đã truyền cho Sơn niềm đam mê đối với Hóa học - đó là cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy (nay là chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng). Với cô Thúy, hình ảnh của Sơn luôn là "một học sinh hiền lành, nghiêm túc, chăm chỉ và hơi... đạo mạo!".

Sự nghiêm túc trong học tập đó đã giúp cho Sơn vượt qua được những khó khăn ban đầu khi ở Hungary. Và cậu trở thành học trò cưng của vị giáo sư Trưởng khoa Hóa ở ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Budapest, Hungary. Thỉnh thoảng, khi có những hội thảo kỹ thuật lớn ở Ba Lan, Bỉ, Thụy Sĩ..., Sơn lại được khăn gói theo giáo sư tham dự.

"Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là hoàn thành học vị tiến sĩ, trở về nước tham gia giảng dạy. Và về với gia đình, lúc nào tôi cũng cảm thấy nhớ mẹ, nhớ gia đình, thầy cô, bạn bè Việt Nam. Nhớ nhiều lắm!". Qua e-mail, Sơn bộc bạch, chân thành đúng như tính cách của mình.

Theo Diệu Hiền
Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm