“Ông đồ trẻ” đắt show giữa Sài Gòn

(Dân trí) - Tình cờ bén duyên. Nhân một lần xem triển lãm thư pháp, những nét chữ “rồng bay phượng múa” đã cuốn hút Nguyễn Hiếu Tín, khi ấy còn là sinh viên năm III Khoa Đông phương học, trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Tín quyết định thử sức trong lĩnh vực này.

Những bước ngoặt thành công

Sau 5 năm kiên trì tập luyện, cố gắng không ngừng, Tín đã thành một gương mặt lão luyện trong làng thư pháp chữ Việt. Tính đến nay, Tín có hàng trăm cuộc triển lãm thư pháp lớn nhỏ và được giới chuyên môn đánh giá cao. Hiện, anh là chủ nhiệm CLB thư pháp Việt thuộc NVH Thanh Niên TPHCM, đồng thời là chủ nhiệm lớp hướng dẫn viết thư pháp chữ Việt.

Để thỏa lòng đam mê, không chỉ luyện chữ, Tín còn sưu tập hàng trăm bài báo, hình ảnh liên quan đến thư pháp, tỉ mỉ, cần mẫn chia theo các chủ đề: người viết thư pháp, phong cảnh, giấy, nghiên, bút, mực…

Thế vẫn chưa thỏa những khát khao khám phá, Tín còn dốc sức làm luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học với đề tài Thư pháp và thư pháp chữ Việt.

“Ông đồ trẻ” đắt show giữa Sài Gòn - 1

Hiếu Tín đang "cho chữ" trên đường phố.

Cũng cần nói thêm rằng, đây là đề tài khó và rất mới. Khó nhất là quan điểm của một số nhà trí thức vẫn chưa chấp nhận thư pháp chữ Việt, chỉ có thư pháp Hán mà thôi. Nhưng với lòng đam mê, kiên trì, quyết tâm và khoa học, anh đi đến khẳng định có thư pháp chữ Việt - hoàn toàn mang những đặc điểm, đặc trưng vốn có của người Việt - và là nét đẹp trong văn hóa Việt. Luận văn đã thực sự thuyết phục hội đồng và đạt kết quả xuất sắc. Cách gọi thân mến “Thạc sĩ thư pháp” cũng từ đó mà ra.

Không dừng lại ở đây, Tín tiếp tục nghiên cứu, khám phá về thư pháp Việt và cho ra đời cuốn sách đầu tay với tên gọi “Thư pháp là gì?” gần 400 trang. Cuốn sách giúp người xem có cái nhìn khái quát, hệ thống về thư pháp từ Đông sang Tây, hiểu thư pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Chọn nghiên cứu sâu về thư pháp, đối với Tín không chỉ là sự đam mê một nghệ thuật gần gũi mà còn là ý thức góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp của văn hóa Việt. 

“Ông đồ trẻ” đắt show

Vốn trầm, Tín càng trầm hơn khi nói về những người xin chữ theo phong trào, về những bức thư pháp “sao y bản chính”, cái mừng cái lo “khi ra ngõ gặp thư pháp”, về cách chơi trong thú tao nhã này… Nhưng cái giọng hồn hậu ấy lại sôi nổi hẳn khi nói về một con chữ “chảy” trên giấy trong vô thức, lúc thăng hoa mà Tín đã “say” gần bảy năm qua.

Hiện, Nguyễn Hiếu Tín đang giảng dạy môn Cơ sở văn hóa Việt Nam tại trường ĐH Tôn Đức Thắng. Phần lớn thời gian tập trung cho việc giảng dạy song đều đặn mỗi năm, Tín vẫn cho ra đời một bộ thư pháp mỗi độ xuân về, Tết đến.

“Ông đồ trẻ” đắt show giữa Sài Gòn - 2

Thư pháp chuột của Nguyễn Hiếu Tín.

Năm Hợi vừa qua, Tín có bộ sưu tập thư pháp khá ấn tượng. Năm Mậu Tý này, những bức thư pháp về chuột chắc chắn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Anh cho biết: “Trong thế giới loài vật, chuột là bậc thầy về đấu tranh sinh tồn. Chuột là con vật nhanh nhẹn, tò mò, lạc quan, vui vẻ, xởi lởi, dễ gần, dễ mến. Nó thích nghi với mọi hoàn cảnh. Người tuổi chuột sống thận trọng và tỉ mỉ. Ẩn giấu sau bề ngoài bình tĩnh và nghiêm túc, người tuổi tý có trái tim sôi nổi, luôn hướng về hành động…”.

Chính vì thế mà anh sử dụng bút pháp khỏe khoắn, phóng túng, nhanh mạnh, đầy ấn tượng. Nét to, đậm chắc; nét mảnh, bay bổng hài hòa. Con chữ với nét bút của anh đã làm sống dậy cảm hứng của giới say mê thưởng thức nghệ thuật, văn thơ, điểm tô làm thăng hoa hồn chữ Việt; tạo nên một âm hưởng cội nguồn, đậm nét văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, hàng năm vào dịp Tết, Tín viết khá nhiều cho khách có nhu cầu, đủ thành phần: cá nhân, công ty, lịch, thiết kế theo yêu cầu, các sự kiện (tham gia lễ hội Sansiul, viết tặng khách tại Hội nghị Aig Asia Allsta, viết lịch độc quyền cho công ty Ngôi sao nhỏ, Nhà sách Thanh Thúy…). Không chỉ trong nước, Tín còn cung cấp thư pháp cho nhiều người Việt xa xứ. Nhiều đơn đặt hàng để trưng bày triển lãm nơi xứ người.

Ngoài ra, anh không ngừng hướng dẫn, đào tạo thư pháp cho các bạn trẻ. Đã có 4 khóa do NVH Thanh niên tổ chức với hàng trăm học viên viết thư pháp khá tốt. Đây là niềm vui lớn đối với anh, vì lần đầu tiên thư pháp chữ Việt được đào tạo một cách chính quy, bài bản và được nhiều người hưởng ứng như vậy.

Trong những ngày Xuân 2008 này, Tín sẽ tổ chức chương trình Ông đồ xuống phố - Xuân Mậu Tý để cho chữ. Cũng trong năm nay, anh sẽ thành lập một công ty chuyên về lĩnh vực thư pháp. Ước mơ của anh là có một trung tâm Nghiên cứu về thư pháp - để thấy rõ hơn cái hay, cái đẹp của thư pháp cũng như có hệ thống lý luận phê bình về nghệ thuật này - nó mới thật sự là bản chất của một ngành nghệ thuật. Ngoài việc tiếp tục học nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ, anh còn ấp ủ thực hiện một tác phẩm thư pháp chữ Việt kỷ lục.

Không chỉ nổi tiếng ở lãnh vực thư pháp, Tín còn được mệnh danh là “chàng trai vàng” của tem Việt Nam với 12 giải thưởng trong và ngoài nước. Năm 2007, anh đã đoạt Huy chương vàng Triển lãm tem Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức tại Khánh Hòa với bộ sưu tập “Bàn tay - kiệt tác của tạo hóa”.

Bộ sưu tập này cũng đã đoạt Huy chương đồng khi tham dự Triển lãm tem Châu Á 2007 tổ chức tại Băngkok (Thái Lan). Đầu tháng 12/2007 vừa qua, cuộc triển lãm tem cá nhân với tên gọi Tri ân cánh tem thư tại NVH Thanh niên được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

Không chọn đề tài thông dụng như hoa lan, hoa hồng Tín thử sức ở những đề tài độc đáo và khó “nuốt” như: bàn tay, mắt, tóc, thư pháp… Ẩn sau từng bộ sưu tập là công sức, kiến thức xã hội sâu sắc và niềm đam mê mãnh liệt. Tem được sưu tầm từ nhiều nguồn, gián tiếp hoặc trực tiếp trao đổi với bạn bè, người thân, mua ở nhiều nơi…

Sưu tập tem 12 con giáp vào mỗi dịp xuân về là sở thích của Tín. Mừng xuân Mậu Tý, nhiều mẫu tem với hình ảnh những chú chuột rất sung túc, vui tươi, màu sắc hài hòa đã tạo ra nét đặc sắc của tem tết Việt Nam.

Nguyễn An Bình
Chuyên san Trí Tri số 26