“Ông chủ” tuổi 24 khởi nghiệp từ 1 triệu đồng
(Dân trí) - Mở trung tâm dạy tiếng Anh gồm 50 lớp, “ông chủ” 24 tuổi Nguyễn Văn Hiệp khiến tất cả bạn bè cùng trang lứa phải ngỡ ngàng, nể phục. Đặc biệt, khi biết rằng, Hiệp đã khởi nghiệp từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, với chỉ 1 triệu đồng “vốn liếng”.
Thông tin cá nhân
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Nguyễn Văn Hiệp
Ngày sinh: 3/4/1989
Hiện đang là giám đốc một trung tâm tiếng Anh
Từng tham dự hội trại khởi nghiệm Start-Up của giáo sư Tom Kosnik (Đại học Stanford), các chuyên gia khởi nghiệp, các doanh nhân Việt Nam, Singapore và Mỹ. |
“Dày mặt” làm “con buôn”
Đỗ một lúc hai khối của hai trường đại học hàng đầu: Trường ĐH Ngoại thương (28 điểm) và trường ĐH Y Hà Nội (26,5 điểm) nhưng Hiệp đã chọn học về Kinh tế.
Ngay từ đầu năm thứ nhất, Hiệp đã nảy ra ý tưởng bán đĩa tiếng Anh. Hiệp chia sẻ: “Xác định phải dũng cảm nhưng lúc đứng trước mặt bạn bè cùng khóa, mình thực sự thấy rất khó “mở lời” chào bán sản phẩm. Cảm giác của mình đó là rất xấu hổ, ngại ngùng vì sợ các bạn nhìn mình như đối với một “con buôn”. Nhưng rồi, bán hàng một thời gian, mình cũng trở nên “dày mặt” hơn và quen dần với part-time đầu đời ấy”.
Nhờ có cô giáo tiếng Anh giới thiệu nên việc bán đĩa của Hiệp khá thuận lợi. Hiệp cho biết, trừ các chi phí, cậu đã lãi được 2 triệu đồng. Số tiền ấy, Hiệp mua một chiếc ổ cứng để lưu trữ tài liệu học tiếng Anh, với quyết tâm rất lớn. Hết học kỳ I của năm thứ hai, kết quả thi TOEIC của Hiệp vượt lên, trở thành một “hiện tượng” trong lớp, khiến bạn bè vây quanh, hỏi han bí quyết học tập.
Hết năm thứ hai, hiểu rõ niềm đam mê của mình là kinh doanh, Hiệp bắt đầu có những hoạch định. Với suy nghĩ “không ít bạn cũng muốn kinh doanh như mình”, Hiệp đăng tin tuyển dụng bằng vài dòng đơn giản trên Yahoo.
Có 9 bạn nộp hồ sơ và Hiệp nhận hết với suy nghĩ ngây ngô: “Càng đông sẽ càng mạnh!”. Nhóm Hiệp tiếp tục bán đĩa tiếng Anh như vẫn làm trước đây nhưng quy mô lớn hơn, với số vốn chia đều: Mỗi người góp 1 triệu đồng.
Dù phải bỏ đi 200 chiếc đĩa lỗi nhưng trong hai tháng, nhóm Hiệp vẫn đạt doanh thu trên 60 triệu đồng. Hiệp cho biết: “Kỹ năng quản lý của mình còn chưa tốt, hoạt động thiếu chuyên nghiệp nên lãi chưa nhiều. Tuy vậy, mình rất vui, hãnh diện vì đó là những hình dung và cọ xát đầu tiên của mình với công việc”.
Không ngại hỏi
Sau hai tháng làm chung với nhóm bán đĩa, Hiệp có cơ hội học hỏi cùng một chuyên gia về kỹ năng mềm. Suốt khoảng thời gian đó, Hiệp làm “xe ôm” cho thầy, có cơ hội gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo ở các công ty, tập đoàn lớn, học hỏi được rất nhiều.
Hiệp thấy rằng: “Mỗi chúng ta đều có cơ hội gặp được những người như thế, vấn đề là mình có chớp được thời cơ hay không. Khi mở trung tâm tiếng Anh, mình cũng tìm đến các doanh nhân cùng lĩnh vực để học hỏi.
Theo mình, muốn trở thành ai đó thì phải biết con đường người đó trở thành là thế nào. Gặp họ, được giải đáp rất nhiều câu hỏi nhờ vậy, “bản đồ” của mình ngày càng rõ ràng nên cứ thế mà đi thôi!”.
Thời gian đó, Hiệp biết thêm nhiều kỹ năng: Quản lý, điều hành, tuyển dụng, quản trị… Và ngay mùa sau, việc kinh doanh của Hiệp khác hẳn. Các sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn nên sản lượng đĩa tiêu thụ cũng tăng cao, số nhân viên có lúc lên tới 20 người.
Không chịu chùn bước
Chuẩn bị ra trường, Hiệp bắt đầu xác định một công việc thực sự để phát triển hướng đi sau này: Mở trung tâm dạy tiếng Anh. Hiệp nói: “Khi còn trẻ mình phải luôn nỗ lực hết sức, trắng tay thì bắt đầu lại, rồi sẽ có lúc thành công! Thế nhưng hiểu biết của mình về ngành này quá ít, không có nhiều mối quan hệ, không biết ai dạy tiếng Anh giỏi, không biết tuyển sinh thế nào. Đây lại là cuộc lần mò lần thứ hai”.
Chỉ có hơn 20 triệu đồng để xoay sở mọi thứ, Hiệp đắn đo từng khoản một. Lớp đầu tiên, Hiệp thất bại vì chất lượng giáo viên chưa tốt, năng lực học viên không đồng đều.
Hiệp mời người bạn cùng khóa, rất giỏi, đến dạy nhưng lại chỉ lên lớp được buổi chiều, trong khi học viên lại thích học tiếng Anh ban đêm nên Hiệp thất bại lần thứ hai. Rồi thì Hiệp cũng mở được 4 lớp.
Tham gia các talkshow dành cho bạn trẻ.
“Châm ngòi” cho sự đột phá trong quá trình kinh doanh của Hiệp là mùa nhập học năm 2012. Hiểu được tâm lý tân sinh viên, Hiệp viết hai ghi chú trên Facebook về “Những điều sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Ngoại thương cần” và “Bí quyết học tiếng Anh thành tài mà không cần học thêm”, được rất đông bạn bè, sinh viên khóa dưới yêu thích, chia sẻ.
Nhờ đó, nhiều người biết đến và đăng ký học ở trung tâm của Hiệp. Để mở rộng trung tâm, cậu thuê địa điểm mới khá đẹp với giá 31 triệu đồng/tháng. Hiệp cho biết: “Ban đầu, mình dạy 4 lớp, có lúc lên 16 – 18 lớp, số tiền ấy sẽ dành để tuyển người làm quảng cáo, tìm giáo viên giỏi, làm web, tuyển sinh…
Trực tiếp đứng lớp còn giúp mình hiểu tâm lý học viên hơn. Mình rất hạnh phúc khi đã được các học viên phản hồi rất tốt!”. Từ tháng 9/2012 đến nay, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, học viên cứ thế tăng dần đều.
Ra Tết, Hiệp không còn đứng lớp nữa mà chỉ tập trung quản lý. Mỗi tháng, trung tâm của Hiệp mở được 15 – 20 lớp, mỗi lớp 15 học viên. Hiện tại, trung tâm có 50 lớp, gần 20 nhân viên, trợ giảng và gần 20 giáo viên. Mục tiêu trong 5 – 7 năm tới của Hiệp là mở được 100 cơ sở đào tạo tiếng Anh khác trên khắp cả nước.
Hoàng Dung