“Ông chủ rau” trên giảng đường

(Dân trí) - Bước vào Đại học chỉ với 300.000 đồng trong tay, làm đủ nghề để kiếm sống như phụ hồ, giữ xe, bán cà phê… Nhưng nhờ vào những chuyến thực tế của ngành học, Nguyễn Quang Toản đã “bật xa” để trở thành “ông chủ vườn rau xứ Huế”.

 
“Ông chủ rau” trên giảng đường - 1

Nguyễn Quang Toản tại mô giàn rau của mình ở Ký túc xá Tây Lộc

 

Tuổi thơ khốn khó

 

Nguyễn Quang Toản hiện là sinh viên ngành Khoa học Cây trồng - ĐH Nông Lâm Huế. Lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, là con đầu trong ngôi nhà có 5 anh em, kinh tế gia đình chỉ bám vào 5 sào ruộng. Tuổi thơ nhọc nhằn đã khiến cậu quyết tâm bước chân vào đại học những mong cải thiện cuộc sống sau này.

 

Cậu còn nhớ ngày nhập học mẹ phải bán đi đàn heo giống mới đủ tiền cho cậu đi, cộng với 300.000 đồng cho tháng đầu tiên, để cậu có thể thuê phòng trọ.

 

Khi đến Huế mọi người tràn ngập trong nềm vui được vào Đại học, còn cậu phải chạy nơi này nơi khác để kiếm sống. May mắn cậu xin được một chân phụ hồ trên đường Nguyễn Khuyến, rồi tranh thủ cả buổi tối đi bưng cà phê. Ban đầu cũng tạm đủ, nhưng càng về sau mọi thứ sinh hoạt đắt đỏ, lương của cậu vẫn giẫm chân tại chỗ. “Có tháng chỉ được 400.000 đồng, mà học hành ngày càng tốn kém, nên lâu lâu nghỉ học mình lại tranh thủ về quê đi rừng”, Toản kể.

 

Tới năm hai cậu được đi thực tế nhiều nơi, biết được những mô hình kinh tế, cậu mới bắt đầu nảy ra ý tưởng làm ăn. “Có lần mình tiếp xúc với bác nông dân, nghe bác nói: muốn sướng phải vượt qua khó khăn, nhưng cái quan trọng là mình phải vắt óc từ cái nghèo mà vượt lên. Giờ thiếu gì công việc kiếm tiền, như các cháu có thể vận dụng kiến thức để tạo ra đồng tiền cho mình”. Từ câu nói đó, khiến cho mình nhiều đêm phải suy nghĩ, chẳng lẽ với kiến thức vốn có và ngành học mình mà không tận dụng được vào cuộc sống hay sao. Nên mỗi lần vào phòng nghiên cứu cây giống của trường khiến mình nảy ra ý tưởng làm kinh tế, bằng cách ươm giống rau bán cho các cửa hàng, cũng hay”, Toản thành thật chia sẻ.  
 
“Ông chủ rau” trên giảng đường - 2

Sau giờ lên giảng đường, thời gian còn lại Toản dành cho việc trồng và chăm sóc rau

 

Vượt qua chính mình

 

Để bắt tay vào công việc, cậu đã nghiên cứu rất kỹ. Lần đầu tiên cậu ươm thử 4 bồn cây, mặc dù ra đúng thời điểm, nhưng lại không đều, thân nhỏ, lá vàng và héo, nên thất thu. Biết việc mình làm không hề đơn giản, cậu đã tìm đến những người trồng rau ở Phong Điền học hỏi kinh nghiệm, đọc thêm sách và những giờ thực hành ở lớp cậu chăm chú từng chi tết.

 

Đến lần ươm thứ 4 cậu mới thực sự thành công. “Để nghiên cứu trồng được rau xanh tốt, mình cũng phải tìm hiểu rất nhiều, trước thì mình làm đất thô, nhưng sau này mình đã kết hợp một ít xơ dừa xay, tro và đất giàu mùn trộn đều cho vào thùng xốp, rồi gieo hạt cải vào, mỗi ngày phun nước hai lần. Sau 4 ngày rau đã nảy mầm cao khoảng 6-7cm là thu hoạch được”, Toản cho biết.

 

Khi thành công, một việc không dễ đối với cậu là tìm được người mua. Cậu bắt đầu nhờ bạn bè “tìm mối”, còn cậu tìm đến các cửa hàng ăn để chào hàng. “Lúc đầu đi đến quán nào người ta cũng lắc đầu, nhưng mình vẫn kiên trì, hôm nay không mua hôm khác mình lại tới. Thế rồi có một lần mình đến quán của bà chủ Hòe, bà đồng ý mua hàng và sẽ xem tốt sẽ mua nhiều”. Thật may mắn, hôm sau bà chủ Hòe gọi điện và đặt vấn đề cung cấp rau lâu dài cho quán. Sau đó bà còn giới thiệu cho mình nhiều mối khác.

 

Từ đó cậu bắt đầu có tính toán trồng quy mô lớn hơn, từ 20 hộp thành 200 hộp, mỗi  hộp có giá 12.000 đồng, mỗi ngày trung bình cậu cho “ra lò” 7-8 hộp. Sau đó cậu tiếp tục trồng các giống rau như cà chua, dưa chuột, mướt đắng, đậu ve…

 

Nhờ vậy mà cậu sớm trở thành người “nổi tiếng”, với biệt danh “ông rau xứ Huế”, rồi nhiều người tìm đến. “Có lần đang học mình nhận được cú điện thoại của một người lạ xưng là Bửu, muốn nhờ trồng rau trên sân thượng mình đồng ý ngay, rồi ông chỉ số nhà mình đến. Lúc đầu ông yêu cầu trồng cho ông 8 bồn gồm cà chua, dưa chuột với giá mỗi bồn 25.000 đồng. Rồi mình hướng dẫn cho ông cách chăm sóc, 3 ngày sau mình quay lại cây đã xanh tốt. Nghe vậy mấy người xung quanh cũng điện thoại cho mình nhờ đến nhà trồng”.

 
Tự tin với mô hình của mình, cậu đã không dừng ở đó mà thuê thêm hai người học cùng lớp, tiếp tục gửi quảng cáo mô hình rau sạch trên mạng, sách, báo… Chỉ sau một tuần đăng thông tin đã có anh Phúc ở Đà Nẵng thuê cậu vào trồng rau cho bố mẹ anh. Nhận lời cậu đã vào Đà Nẵng trồng cho anh 2 ngày trừ chi phí cậu kiếm được 700.000 đồng.

 

Cũng tìm kiếm trên mạng, cô giáo Thúy ở Khánh Hoà đã thuê cậu vào trồng,  nhưng do trúng vào mùa thi nên cậu không đi được. Để giữ uy tín “thương hiệu” của mình, cậu đã gửi mô hình và hướng dẫn cách làm cho cô miễn phí trên mạng. Một tuần sau cô cũng đã có vườn rau xanh tốt, nên đã gửi tiền công trả cho cậu.

 

Hiện cậu đang thiết lập một trang website để quảng bá cho mô hình này. “Mình muốn mở rộng mô hình. Không chỉ làm kinh tế cho mình mà còn giúp một số bạn cùng lớp có hoàn cảnh khó khăn như mình, kiếm thêm tiền ăn học”. Giờ không chỉ tự nuôi bản thân mà mỗi tháng cậu còn gửi tiền về cho bố mẹ để mua sách vở cho các em đi học.

 

Viết Long - Quốc Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm