Nuôi dế thu lãi 50 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - “Thầy Tuyên dế” là cách bà con thôn Tây An, xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương dùng để gọi thầy giáo Nguyễn Văn Tuyên (SN 1981). Sau ba năm “ăn, ngủ với dế”, đến nay trại dế Phú Khang của thầy Tuyên mỗi tháng cho lãi ít nhất 40 - 50 triệu đồng.

Nuôi dế thu lãi 50 triệu đồng/tháng - 1
Nguyễn Văn Tuyên - ông chủ trại dế Phú Khang. 

Học nuôi dế qua... điện thoại

Nguyễn Văn Tuyên vừa là giáo viên Trường tiểu học Quảng Nghiệp, vừa là chủ trại dế cỏ Phú Khang.

Tuyên tự ví mình “như con nhặng chạy lung tung”. Ngay từ những ngày còn là sinh viên Trường CĐ Sư phạm Hải Dương, Tuyên đã tích cực đi làm thêm như tư vấn bảo hiểm. Sau này Tuyên còn đi bán rượu cần, tiếp thị cám, nuôi gà...

Năm 2006, khi Tuyên cưới vợ (chị Thòa, học dưới Tuyên một khóa ở CĐSP Hải Dương) là lúc cả hai vợ chồng đều chưa có việc. Làm ăn thua lỗ, “Tết còn có người đến đòi nợ”, nhưng hai vợ chồng vẫn không lùi bước.

Đầu năm 2007, khi được bạn bè mách nước, Tuyên nhờ mua được 200 con dế giống về nuôi thử. Do chưa nắm vững kĩ thuật nên 2 triệu đồng mua dế giống mất sạch. Một bên chân đau nhức, khi ngồi không cúi được nhưng Tuyên không nản chí, ra sức học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi dế đã “thành danh”.

“Mình chủ yếu học qua điện thoại. Học anh Tài, anh Tùng... Các anh cho mình biết về điều kiện chăm sóc trong miền Nam. Mình phải biết cái ngược của đất Bắc để thiết kế cho phù hợp” - Tuyên kể.

Sự kiên trì đã giúp Tuyên xây dựng thành công mô hình nuôi dế trong chậu. Hiện nay, trại dế Phú Khang không chỉ phát triển ở Hải Dương mà còn liên kết sản xuất với rất nhiều nơi từ Lào Cai cho đến Gia Lai.
 
Nuôi dế thu lãi 50 triệu đồng/tháng - 2
Nguyễn Văn Tuyên đang cho dế ăn.

Thương hiệu dế Phú Khang

Cái tên Phú Khang của trại dế chính là tên cậu con trai 3 tuổi của hai vợ chồng Tuyên.

"Lúc mang bầu, vợ mình ăn uống rất kham khổ, bữa nào sang thì được được ba cái đậu, thường ngày chỉ được hai cái thôi. Lam lũ là thế nên vợ chồng đặt tên con với biết bao kì vọng. Một người đặt tên Phú, một người đặt tên Khang, kết hợp lại thành Phú Khang” - Tuyên tâm sự về những ngày đầu lập trại dế.

Giờ đây, với mức tiêu thụ dế thịt khoảng gần 4 tạ/tháng, trừ mọi chi phí, trại dế thu về một tháng từ 40 - 50 triệu đồng. Tiền lãi được Tuyên đầu tư ngược vào việc mua thêm đất, mở rộng chuồng trại. Trại dế được thiết kế theo mô hình chữ T với khu trên là 1.000 chậu nhựa nuôi dế, khu dưới chuyển sang nuôi dế trong khung gỗ đóng với nilông.

Khung gỗ giảm chi phí ban đầu tuy nhiên mức độ hao phí nhiều hơn chậu. Việc sử dụng chậu được coi là một bước đệm và sẽ tiến hành nhiều hơn khi có điều kiện.

Trung bình về mùa hè chỉ cần 35 - 40 ngày là có thể xuất dế thương phẩm. Tuy nhiên về mùa đông thời tiết khắc nghiệt hơn nên phải cần đến 3 tháng cho dế con lớn.

Nuôi dế thu lãi 50 triệu đồng/tháng - 3
Một chậu dế con.
 
Nuôi dế thu lãi 50 triệu đồng/tháng - 4
Một chậu dế nhỡ.

Việc nuôi dế không đòi hỏi nhiều nhân công. Tuy nhiên, công đoạn sơ chế lại cần nhiều người. “Sơ chế phải nhanh để tránh ôi. Dế được bỏ cánh, rút bằng phần chấm đuôi, cấu ruột ra hoặc bẻ gáy xong bóp nhẹ lên đến phần ruột. Phương pháp bỏ gáy đẹp mã hơn và giữ được lượng prôtêin, bảo quản dễ” - ông chủ trại dế tiết lộ.

Và những “học trò nuôi dế” 8X

“Đa số những người học nghề nuôi dế ở trại dế Phú Khang là các bạn trẻ 8X. Nuôi dế phải chăm chú thì mới làm được, vì dế không giống như con gà rắc thóc là xong. Bệnh của gà dễ phát hiện nhưng biểu hiện bệnh của dế lại rất khó nhận biết” - Tuyên chia sẻ.

Nói về một trong số những “học trò” của mình, thầy Tuyên kể: “Bạn Ngà sinh năm 1987 giàu lên từ dế rồi mới lấy chồng. Lúc đầu khi bạn ấy đến hỏi mua dế giống, mình bảo nếu lấy chồng bạn không thể vác dế về nhà chồng được đâu nhưng bạn vẫn rất nhiệt tình”.

Hiện tại ngoài nuôi dế, thầy Tuyên đã “lấn sân” sang nuôi bọ cạp, rết, kì đà, sâu super, sâu quy (hai loại sâu làm thức ăn cho chim cảnh, cá cảnh). 

Trong kinh doanh, “thầy Tuyên dế” quan niệm: “Thị trường không để dành chỗ cho ai. Ai nhanh nhạy biết nắm bắt thời cơ người đó sẽ là người kinh doanh có lãi. Ngoài việc nắm chắc kĩ thuật thì đầu ra cho sản phẩm phải được tính toán kỹ lưỡng ngay từ đầu.”

Bài và ảnh: Phương Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm