Nước mắt đường về quê mẹ

(Dân trí) - Lên được tuyến xe chất lượng cao, Trang nghĩ con đường về quê của mình xem như suôn sẻ. Vậy nhưng, khi còn cách nhà gần trăm cây số nữa thì bị xe bỏ dọc đường. Chẳng còn một đồng xu dính túi, Trang vừa cuốc bộ vừa nức nở…

Khổ từ khi chưa lên xe

Sợ không mua được vé xe về quê, Nguyễn Văn Hùng, ĐH Công Nghiệp lò dò ra bến xe từ tờ mờ sáng. Vừa buồn ngủ, lại vừa lạnh, Hùng tìm một góc tường rồi gác ba lô dựa lưng nằm ngủ. Cậu chỉ tỉnh dậy khi tiếng còi xe inh ỏi bên tai. Giật mình thấy trời đã nhìn rõ mặt người. Vớ vội túi đồ thì lúc này cậu mới hoảng, nó đã “không cánh mà bay”.

Bao nhiêu đồ đạc, số tiền ít ỏi chỉ đủ mua vé về quê thế là chẳng còn. Không khóc nhưng mắt cậu đã rơm rớm nước. Cũng may, chiếc xé tháng xe buýt còn đeo ở cổ nên cậu còn quay lại được xóm trọ. Nì nèo mãi, chủ nhà mới đồng ý cho Hùng vay 100.000 đồng, vừa đúng đủ tiền cho cậu mua vé. Và Hùng về quê ăn Tết với duy nhất một bộ quần áo trên người.

“Chán quá đi mất, được mấy bộ quần áo tử tế thế là mất sạch. Tết về không có quần áo đã đành, ra Tết biết lấy tiền đâu mà mua sắm lại” - Hùng lo lắng.

Thu Thủy, cô sinh viên Học viện Ngân hàng lại bị “mất ghế” khi ngồi đã ấm chỗ, xe đã lăn bánh. Thủy kể: “Mình chiếm được ngay chiếc ghế đầu tiên. Khi xe chạy, lơ xe đến thu tiền mình mới biết túi đồ bị rạch, chiếc ví nhét tận dưới túi biến mất”.

Nghĩ đến cách đưa tạm chiếc điện thoại cho nhà xe cầm, rồi về nhà khi bố ra đón sẽ gửi tiền thì Thùy lại phát hiện… “chú dế” trong trong túi quần cũng đã bị móc. Thủy bật khóc nức nở ngay trên xe, nhưng hình như Tết mọi người đều tất bật, nên chẳng ai bận tâm. Lơ xe nhất quyết đuổi Thủy xuống. Một bác đang không có chỗ ngồi, nói nhanh: “Cháu xuống nhanh nhanh để bác chen chân vào không là mất chỗ”.

Đến hôm nay, Thủy vẫn còn ở Hà Nội, đang chờ bố mẹ gửi tiền ra thì mới về được.

“Thượng đế” nhọc nhằn

Khổ nhất vẫn là chuyện làm “thượng đế” trên các tuyến xe khách những ngày giáp Tết. Những sinh viên xa nhà, nhất là ở những vùng heo hút, hiếm xe, thật sự thấm mùi “cực hình”.

Ở các bến xe những ngày giáp Tết, từ sáng tinh mơ hay đến tận 9-10 giờ tối, nhiều sinh viên vẫn đứng co ro, ngơ ngác để chờ xe.

Rút kinh nghiệm nhiều năm bị lỡ xe, năm ngoái Phan Nguyên, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội ra bến xe thật sớm. Thế mà cũng phải đến lần thứ tư cậu mới mua được vé xe vì tuyến nào người ra cũng đã đặt kín chỗ.

Nhưng nghĩ đến cảnh lên xe, Nguyên mới rùng mình: “Ngồi chồng lên đầu nhau, thậm chí là đứng co một chân hàng trăm cây số. Năm ngoái, tớ xuống bến gần nhà là đổ vật ra luôn vì chân tê cứng. Nghĩ đến cảnh lại chuẩn bị hành trình “hành xác” là tớ nao cả óc”.

Thu Hoài, ĐH Sư phạm cũng sợ xanh mặt cảnh chen chúc trên xe ngày Tết nhưng không chỉ mệt mà vì: “Năm trước, xe đông khách quá nên nhà xe xếp ghế bắt mọi người cùng đứng. Đứng cũng phải chen, lâu lâu mình lại bị cánh tay nào đó đằng sau thò vào áo. Mình chỉ biết đứng cắn răng khóc”. Rút kinh nghiệm năm nay, nếu tiếp tục phải đứng trên xe, Hoài sẽ chen bằng được vào giữa các bà, các cô.

Năm ngoái, Quỳnh Trang ở lại bán hàng đến tận 29 Tết mới về, nên cô tự thưởng cho mình chuyến xe dán mác “chất lượng cao” với giá gấp rưỡi xe thường. Vậy mà, còn cách nhà gần cả trăm cây số nữa thì xe bỏ khách với lý do: “Chỉ còn ít khách về cuối bến nên xe phải quay lại đi tuyến mới”.

Trang bơ vơ ở nơi xa lạ, trong túi chẳng còn một đồng nào vì tiền làm thêm ra Tết mới được lĩnh. Trên vai đeo ba lô, tay xách túi, Trang cứ thế cuốc bộ đi về, vừa đi vừa khóc nức nở. May cho Trang, khi cô đi bộ đã gần 20 cây số, sắp lả người thì có một bác đi xe máy về huyện cho cô đi nhờ.

Cực nhọc đến thế nên mới có chuyện trước niềm vui về sum họp cùng gia đình nhiều cô cậu sinh viên vẫn phải khóc.

Hoài Nam