Nữ Việt kiều xinh đẹp và ước mơ làm "phi công già" tại quê hương

(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên ở Bỉ nhưng khi trưởng thành lại có ước mơ cháy bỏng là được trở về Việt Nam sống và làm việc, Huỳnh Lý Đông Phương (27 tuổi) hiện là một nữ phi công giỏi trong Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines với 3 năm kinh nghiệm lái Airbus 321.

Lý do nào đưa Đông Phương đến với nghề phi công và trở về Việt Nam làm việc như hiện nay?

Mình sinh ra và lớn lên ở nước Bỉ nhưng quê gốc ba mẹ ở Việt Nam. Từ khi còn nhỏ, mỗi lần theo ba mẹ về thăm ông bà, thăm quê hương là phải đi máy bay, vì thế hình ảnh những phi công, tiếp viên đã gắn bó với mình.

Trong một lần về thăm quê, khi chờ chuyến bay quá cảnh ở Singapore mình đã nhìn ngắm chiếc máy bay tuyệt đẹp của Vietnam Airlines, nụ cười của tiếp viên và sự chuyên nghiệp của các phi công đã làm mình thực sự ngưỡng mộ. Lúc đó, mình đã nói với ba mẹ là một ngày nào đó con sẽ bay trên bầu trời, nhưng không phải là một hành khách mà được tự lái những chuyến bay trở về với quê hương của mình, bay trên bầu trời tổ quốc Việt Nam, bay qua những cánh đồng bát ngát và những dòng sông hiền hòa.

Được biết, trước khi trở thành phi công sẽ phải trải qua thời gian huấn luyện và đào tạo vô cùng vất vả, vậy động lực nào đã giúp người con gái Đông Phương vượt qua những khó khăn để thực hiện ước mơ bay của mình?

Sau khi học xong phổ thông, ước mơ trở thành phi công của mình càng lớn hơn bao giờ hết, nhưng khi đó ba mình mới mất và mẹ đã làm theo ý nguyện của ba là gửi mình vào học trường Đại học Kỹ sư và Kinh doanh. Mình đã phải nghe lời mẹ để học, nhưng hình ảnh người phi công vẫn luôn sống trong tim mình, thấy con gái buồn nhiều nên mẹ đã để mình được làm những gì mình thích và giúp mình thực hiện ước mơ.

Đông Phương hiện đang là cơ phó lái máy bay Airbus 321 của Vietnam Airlines

Đông Phương hiện đang là cơ phó lái máy bay Airbus 321 của Vietnam Airlines

Để lái được máy bay, mình đã phải trải qua một thời gian huấn luyện, học tập hàng không 2,5 năm tại Pháp. Với phi công, yêu cầu đầu tiên là sức khỏe, còn việc huấn luyện đào tạo phi công đối với con trai đã là rất vất vả, trong khi mình lại là con gái. Khi đó, nhiều người nhìn mình lắc đầu bảo sẽ không thể vượt qua được, tuy nhiên mọi người càng không tin mình làm được thì mình lại càng quyết tâm phải làm bằng được và làm tốt hơn người ta. Cuối cùng mình đã hoàn thành khóa huấn luyện xuất sắc. Năm 24 tuổi, mình chính thức trở thành phi công, đến nay mình đã lái máy bay A321 của Vietnam Airlines được 3 năm và mình rất vui, rất hạnh phúc với công việc này.

Đông Phương có thể chia sẻ về công việc và cuộc sống của một phi công, đặc biệt là nữ phi công như thế nào?

Công việc hàng ngày của phi công nữ thì giống hệt như phi công nam, chỉ khác ở việc chăm sóc sắc đẹp của phi công nữ như trang điểm và tô son phấn, còn phi công nam thì không.

Nghề phi công là một trong những nghề nguy hiểm. Trên mỗi chuyến bay, phi công là người có vai trò quan trọng nhất, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hàng trăm hành khách. Người phi công luôn ý thức rằng, những hành khách ngồi sau khoang lái đều là người thân của mình, là anh em bạn bè mình, vì thế lòng can đảm và trách nhiệm của phi công càng cao hơn nữa.

Mỗi tháng mình bay khoảng hơn 80 giờ. Ngày nào không đi bay thì cảm thấy có gì đó rất thiếu thốn, nhưng đôi khi cũng căng thẳng và mệt mỏi khi trên chuyến bay có hành khách không tuân thủ các quy định, khi gặp thời tiết xấu hoặc khi phải xử lý tình huống hạ cánh khẩn cấp tại một sân bay gần nhất trên hành trình.

Mình ước mong sẽ là một phi công già. Trong hàng không, khi đã là phi công, làm đúng bổn phận của mình gọi là phi công giỏi, nhưng người phi công hoàn tất được mọi nhiệm vụ đến khi về hưu thì được gọi là phi công già.

Là phụ nữ, dù đam mê lớn như thế nào cũng sẽ tới lúc phải lập gia đình và thực hiện thiên chức của người vợ, người mẹ. Đông Phương có lo ngại khi ấy ước mơ bay của mình sẽ không trọn vẹn?

Đó là điều trăn trở lớn nhất của tất cả các nữ phi công. Người phụ nữ khi làm vợ, làm mẹ là điều hạnh phúc nhất, nhưng sự thấu hiểu của người chồng đối với vợ theo mình rất quan trọng. Thực tế là trong Đoàn bay cũng có những nữ phi công đã lập gia đình, sinh con và lại tiếp tục đi bay, họ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, vì thế Đông Phương cũng không có gì lo lắng lắm và mình tin là sẽ lo được chu toàn đối với gia đình và công việc.


Cô đã có 3 năm lái những chuyến bay an toàn và phục vụ đồng bào quê hương

Cô đã có 3 năm lái những chuyến bay an toàn và phục vụ đồng bào quê hương

Sinh ra và lớn lên ở Bỉ, nhưng khi trưởng thành lại trở về sống và làm việc ở Việt Nam, từ sự ảnh hưởng của 2 nền văn hóa, Đông Phương đã có những tiếp thu như thế nào cho công việc của mình?

Hai nền văn hóa này vừa khác nhau nhưng cũng giống nhau, mình thấy mình như nhịp cầu để kết nối văn hóa mỗi nước. Sống ở Bỉ nhưng mình lại có tên rất Việt Nam là Đông Phương, cái tên này luôn nhắc nhở mình nhớ về quê hương, cội nguồn và trách nhiệm với đất nước.

Làm phi công của Vietnam Airlines đã 3 năm, mình được bay trên toàn lãnh thổ và đi ra thế giới, mình thấy rằng để quảng bá hình ảnh Việt Nam không có điều gì tuyệt vời hơn tà áo dài thướt tha của đất nước mình, và Đông Phương tin rằng sẽ ngày càng nhiều hành khách quốc tế đến với Việt Nam và thêm yêu mến đất nước, con người Việt Nam!

Cảm ơn Đông Phương về cuộc trò chuyện và chúc bạn luôn thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống!

Đoàn bay 919 tiền thân là Trung đoàn không quân vận tải 919 thuộc Cục Không quân - Bộ Quốc phòng, được thành lập ngày 1/5/1959. Đoàn bay 919 trở thành đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ năm 1995 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Suốt 55 năm qua, Đoàn bay 919 đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ trong kháng chiến và hòa bình, nhiệm vụ chuyên cơ, cứu hộ cứu nạn, giải cứu người lao động Việt Nam ở các khu vực chiến sự trên thế giới, đảm bảo an ninh quốc phòng và khai thác bay thương mại.

Số lượng phi công của Đoàn bay 919 hiện tại là 777 người, trong đó có 558 phi công là người Việt Nam và 219 phi công người nước ngoài, phi công nữ hiện tại của Vietnam Airlines có 10 người (có 92 phi công đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ qua các thời kỳ).

Hiện nay, toàn bộ phi công huấn luyện chuyển loại của Vietnam Airlines hoàn toàn do đội ngũ giáo viên của Đoàn bay 919 độc lập lên lớp về lý thuyết, kiểm tra Simulator, huấn luyện thực hành bay, vì vậy số lượng, chất lượng phi công chuyển loại trên tất cả các loại máy bay. Đơn vị này cũng nhận được rất nhiều Huân chương và các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm