Nữ sinh say mê “trò chuyện” với người khiếm thính
(Dân trí)- Sinh năm 1991, Hoàng Yến theo đuổi ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho những người nghèo. Cô sinh viên năm thứ 2 Học viện Y dược học cổ truyền còn có một niềm đam mê khác: say mê học ngôn ngữ kí hiệu để trò chuyện với người câm điếc.
Hoàng Yến hiện là một trong những gương mặt sáng giá nằm trong top 100 thí sinh của cuộc thi Hoa khôi sinh viên Hà Nội (Imiss Thăng Long) năm 2010.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất núi rừng Tây Nguyên, cô bạn Hoàng Yến chọn học và theo đuổi ngành Y học dân tộc cổ truyền bắt nguồn từ một cơ duyên mà cô bạn cho rằng đó là lần mà mình được sinh ra lần thứ hai. Hoàng Yến kể rằng trong một lần cùng bạn bè đi tình nguyện, Yến bị rắn cắn và được một phụ nữ dân tộc thiểu số cứu sống bằng phương thuốc bí truyền của người dân tộc. Từ niềm và đam mê với những phương thuốc kì diệu của dân tộc, Yến quyết định đến với nghề Y học cổ truyền.
Hiện đang theo học tại lớp TQ1 - Học viện Y dược học Cổ truyền, Hoàng Yến là một phó bí thư lớp năng nổ, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện gắn với chủ đề bảo vệ môi trường. Gần đây nhất, Yến đã tích cực hoàn thành nhiệm vụ của mình với vai trò là tình nguyện viên của chương trình Ngày môi trường thế giới 2010 do Thành Đoàn Hà Đông tổ chức.
Bên cạnh đó, Yến cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của lớp cũng như các phong trào của Đoàn trường. Trong những dịp này, Yến có cơ hội tới những vùng nghèo khó để khám và chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo. Với Yến, việc khám và chữa bệnh cho người nghèo luôn mang lại cho cô bạn cảm giác ấm áp và là người có ích cho cộng đồng.
Trò chuyện với Dân trí, Hoàng Yến “bật mí” là cô có một đam mê rất lớn với ngôn ngữ kí hiệu - ngôn ngữ dấu tay, là thứ ngôn ngữ được cộng đồng những người câm, điếc sử dụng nhằm chuyển tải thông tin qua cử chỉ, điệu bộ của cơ thể và nét mặt thay cho lời nói. Thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Yến lại đến Trung tâm người khuyết tật Hoa Sữa (tại Trường Từ thiện Hoa Sữa ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) để làm công tác từ thiện.
Tại Trung tâm Hoa Sữa, Yến trò truyện với những trẻ em và người khuyết tật, chia sẻ với họ bằng những câu chuyện thông qua ngôn ngữ kí hiệu mà mình học được. Bằng cách trò chuyện đó, Yến phần nào hiểu rõ hơn cuộc sống của những người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng một cách tích cực hơn.
Yến chia sẻ: “Ban đầu khi mới học ngôn ngữ kí hiệu, trao đổi với các em còn rất hạn chế bởi mình biểu đạt ngôn ngữ đó còn chậm, nhiều khi chính bản thân các em nhỏ hay những người khuyết tật trong trung tâm là người dạy cho Yến những ngôn ngữ đó”. Đến nay, Yến có thể giao tiếp được khá trôi chảy với những người khuyết tật tại Trung tâm Hoa Sữa.
“Cảm giác bây giờ khác hoàn toàn với lúc đầu là học ngôn ngữ kí hiệu chỉ vì thích. Những người câm, điếc không may mắn vì mất đi một trong những giác quan cần thiết để cảm nhận cuộc sống. Họ chỉ còn đôi mắt để thay thế cho giác quan bị hỏng đó. Vì vậy bây giờ em muốn học nhiều hơn nữa về ngôn ngữ kí hiệu để có thể giúp họ hòa nhập hơn với cộng đồng bằng việc cảm thấy mình không phải là người khác biệt so với người bình thường. Chính ánh mắt cảm nhận được sự đồng cảm của họ làm em say mê với thứ ngôn ngữ kì diệu này” - Yến chia sẻ.
Không chỉ tham gia hoạt động từ thiện tại Trường từ thiện Hoa Sữa, Yến còn sinh hoạt ở chi hội Người Khuyết tật Hà Nội, dạy trẻ em khiếm thính ở Trường dân lập dạy trẻ điếc Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội)... để hỗ trợ kỹ năng sống cho những người khuyết tật khiếm thính.
Từng đạt danh hiệu học sinh giỏi văn cấp tỉnh của Kon Tum năm 2006, rồi trở thành Á khôi 1 cuộc thi Nữ sinh thanh lịch 2010 của Học viện Y dược học Cổ truyền, năm nay Yến đến với cuộc thi Imiss Thăng Long để thử sức mình.
Cô nữ sinh đến từ núi rừng Tây Nguyên cũng mong muốn từ cuộc thi mình sẽ trải nghiệm được nhiều hơn nữa những điều thú vị của cuộc sống thông qua các hoạt động tình nguyện và từ thiện của cuộc thi.
Huệ Lan