Nữ sinh mê đỏ đen
Nam sinh viên đánh bạc, chơi lô, đánh đề đã là điều khó chấp nhận. Nhưng bây giờ, nữ sinh viên cũng chẳng chịu đứng ngoài cuộc “đỏ đen”.
"Mỗi ngày em chỉ ghi đề có 10 nghìn thôi", H., nữ sinh viên ĐH Dân lập Quản trị Kinh doanh Hà Nội thú nhận. H. vốn chơi đề chẳng phải vì túng thiếu tiền tiêu. Ngày ngày "cưỡi" trên chiếc LX 125 tới trường, tiêu tiền chẳng bao giờ cần phải suy nghĩ nên việc cô đều đặn ghi đề mỗi ngày khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên.
H. giải thích lý do khiến cô trở thành khách quen của bà hàng nước kiêm thư ký ghi đề đầu ngõ là bởi cô thích cảm giác được tiêu tiền do mình tự kiếm. Lý do có vẻ rất buồn cười nhưng lại trở nên hợp lý trong suy nghĩ của H.
Theo lời bạn bè, hầu như ngày nào H. cũng ghi một "con đề". Mà lạ ở chỗ là mỗi ngày cô chỉ "đánh" 10 nghìn đồng không hơn. Cũng theo lời nhiều người thì H. rất "đỏ" vì một tuần 7 ngày, H. trúng ít nhất 3 lần. Chả biết thực hư chuyện trúng của H. thế nào, hỏi thì H. chỉ cười cười: "Đủ để mình nuôi đam mê".
A. (sinh viên ĐH Thương mại) lại có kiểu giải thích khác cho nỗi "đam mê" đỏ đen của mình. Theo lời A. kể, ngày mới chân ướt, chân ráo lên thủ đô học, cô chưa hề biết tới "đề đóm” hay "bài bạc" gì cả, nhưng do "hoàn cảnh xô đẩy", khu nhà trọ của A. tụ tập rất nhiều thành phần, dân lao động đứng chợ có, các cô cắt tóc, gội đầu cũng có.
Buổi tối, cả khu trọ nhộn lên, trò "tập hợp" nhiều người tham gia nhất là chơi "phỏm" ăn tiền, phòng A. trọ vừa đủ để lập thành "một chiếu". Ban đầu họ chỉ là đánh bài để xem ai rửa bát, nấu cơm quét nhà, sau chuyển dần sang đánh bài ăn tiền. Một trăm, hai trăm giá trị mỗi ván bài cứ tăng dần lên.
Bây giờ, A. có thể ngồi say sưa cả ngày để sát phạt ở bất cứ "chiếu" nào. Theo quan điểm của nhóm bạn cùng phòng A., nếu đã chơi, phải chơi với người ngoài để "cá kiếm" thêm chút thu nhập, chứ "ăn quẩn" trong nhà vừa không đáng bao nhiêu lại vừa không... nỡ.
Trong hàng trăm lý do khiến nhiều nữ sinh viên "thử sức" với "sự nghiệp"đỏ đen", có những lý do rất ngộ nghĩnh. Chẳng hạn như với L., sinh viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. L. còn nhớ lần đầu tiên ghi đề là 2 ngày sau sinh nhật cô tròn 20 tuổi. Chả là sinh nhật năm ấy, L. nhận được món quà khá độc đáo, một bộ vé xổ số.
Mà cũng không biết có phải "cờ bạc chiều tay kẻ mới" hay vì số L. "son" mà hôm sau cô bàng hoàng biết tin mình trúng thưởng gần chục triệu từ bộ vé số đó.
Sau bữa "đập phá" thỏa sức, còn lại bao nhiêu tiền, L. đi ghi đề bằng hết vì cho rằng đó là tiền "lộc", mà "lộc bất tận hưởng". Run rủi thế nào, cô lại trúng tiếp. Sau hai lần "may mắn", L. tin rằng mình có "quý nhân phù trợ" để chơi bạc nên từ đó đến nay, gần hai năm, ngày nào cô cũng "chơi" vài "nháy".
Nhưng nếu chơi chỉ để mà chơi như thế thì chẳng có gì đáng nói, có chăng chỉ là một chút "duyên con gái" bị hao tổn. Đáng tiếc, hầu như ai đã dính tới "đỏ đen" đều phải nhận hậu quả buồn. Thiếu thốn, vay mượn, cắm đồ dù sao cũng vẫn được coi là "tổn thất nhẹ nhàng", đã có trường hợp bị đuổi học vì quá ham mê cờ bạc hay thậm chí có cô còn sẵn sàng đem đồ người khác đi cắm, lấy tiền "chơi".
Dù chưa có thống kê cho thấy đối tượng nào dễ sa vào thú ham mê đỏ đen. Song thực tế cho thấy phần lớn nữ sinh viên thích chơi bạc, đánh đề, đánh lô, cá cược là người ngoại tỉnh. Có người cho rằng bởi những sinh viên này muốn "tăng nguồn thu" nhưng thực tế thì khác hoàn toàn với cánh con trai, phe tóc dài thích "đỏ đen", thích "may rủi" không phải vì túng thiếu.
Trường hợp của N. chẳng hạn, là con nhà khá giả, N. chưa bao giờ phải băn khoăn về vấn đề tiền bạc. Nhưng N. lại rất thích cá cược bóng đá.
Ban đầu N. chẳng hiểu gì về những "thuật ngữ chuyên môn" như là "cửa trên, cửa dưới", thế nào tỷ lệ cá cược. Sau một thời gian theo chân người yêu đến các quán cà - phê bóng đá, N. bắt đầu có nhu cầu tham gia cá cược. Dù là con gái nhưng N. lại là đệ tử của "túc cầu giáo", thế nên cô khá am hiểu về bóng đá. Theo N., sự hiểu biết này giúp cô "bắt kèo" chính xác.
Chẳng biết mỗi lần "được bóng" thì N. thu về được bao nhiêu chứ gương mặt cô thì ngày càng hốc hác đi theo từng trận đấu. Hỏi N. có phải vì tiền mà ham thế, cô cười cười: "Có cá cược, xem bóng đá có lửa hơn".
Chuyện chơi bạc đến mức bị đuổi học tưởng như chỉ xảy ra với cánh mày râu, nhưng thực tế cho thấy cũng có những nữ sinh vì quá ham mê chiếu bạc mà bị đuổi học.
Đến tận bây giờ, khi đã an phận làm một nhân viên bán hàng ở phố huyện buồn tênh, Đ. không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại quãng đời sinh viên. Đ. bị đuổi học khi đang là sinh viên năm thứ 3 ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Lý do cô bị buộc thôi học là bởi Đ. nợ quá nhiều môn học, bỏ học triền miên vì thích ngồi chiếu bạc hơn đến lớp.
Theo Đ.Hoà
Phụ Nữ Việt Nam