Nữ sinh mang bầu - Hãnh diện và tủi thân
(Dân trí) - “Lấy chồng và sinh con, lại được nhận học bổng”, là những tâm sự rất hồ hởi của H, lớp trưởng lớp XHH 24, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sinh con được 15 ngày, H lại sách vở đến lớp. Nhưng không vì thế mà bà mẹ trẻ này sao nhãng cả 2 trách nhiệm nặng nề, làm mẹ và làm sinh viên.
Không phải “bác sĩ bảo cưới”
Dạo một vòng quanh khuôn viên một vài trường đại học trong Hà Nội, có thể nhận thấy khá nhiều bóng dáng của các bà bầu. Có thể đó là giảng viên của trường, nhưng cũng không ít trong số đó là những sinh viên. Họ là những sinh viên chuẩn bị làm mẹ
Cưới chồng và mang bầu khi còn là sinh viên, có lẽ nhiều người sẽ tặc lưỡi “chắc lại bác sĩ bảo cưới”. Việc “ăn cơm trước kẻng” trong giới trẻ hiện nay không còn là chuyện xa lạ đối với tất cả mọi người.
Khi lâm vào tình trạng đó, đa số bạn trẻ chọn cho mình con đường nạo phá thai, một hành động vô cùng nguy hiểm cho bạn nữ. Không phải bạn trẻ nào cũng đủ dũng cảm và điều kiện để giữ cái thai lại và sinh ra những đứa trẻ. Chính vì thế, khi một nữ sinh viên mang bầu đến trường, họ luôn nhận được những ánh mắt vừa tò mò, vừa… nể của mọi người.
Nhưng không vì thế mà đánh đồng tất cả các “bà bầu sinh viên” đều trong tình trạng “bác sĩ bảo cưới”. T.H, một sinh viên trường ĐH T.C cũng lấy chồng khi đang học kì cuối của đời sinh viên. Nhiều bạn bè khuyên nhủ “sao không giữ cho đến khi tốt nghiệp”. Bỏ qua mọi ánh mắt nghi ngờ của mọi người, T.H hãnh diện mang bụng bầu đến trường và cô sinh em bé sau khi cưới 10 tháng.
“Đãi ngộ” đặc biệt
Tất cả các bà mẹ là cán bộ nhân viên của mọi cơ quan khi sinh con đều được hưởng chế độ nghỉ 4 tháng. 4 tháng là khoảng thời gian tối thiểu để đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Thế nhưng với những bạn nữ làm mẹ khi còn là sinh viên, họ có được hưởng chế độ gì từ phía nhà trường?
Câu trả lời đương nhiên là không. Bởi “tất lẽ dĩ ngẫu”, nhiệm vụ của sinh viên là đến trường để học chứ không phải để lấy chồng và đẻ con.
Trong những hoàn cảnh như vậy, các bạn nữ luôn phải cố gắng hết mình. Nếu không muốn nhận những ánh mắt dò xét và những lời cạnh khóe, các bạn thậm chí còn phải chăm chỉ hơn 1 sinh viên bình thường.
“Biết là sẽ rất vất vả nhưng vì anh ấy đã nhiều tuổi, mình buộc phải cưới. Tuy nhiên, mình cũng chọn thời điểm mang bầu, mình sẽ sinh con vào đúng hè, như vậy sẽ có ít nhất 1 tháng hè để kiêng cữ”, K, một nữ sinh mới lập gia đình tâm sự.
Không có quy chế nào dành cho nữ sinh viên mang bầu. Nhưng các thầy cô khoa XHH Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất tâm lý. Biết lớp trưởng lớp XHH 24 mang bầu, các thầy cô luôn hỏi thăm tình hình sức khỏe, một phần trách nhiệm của lớp trưởng cũng đã được san cho bí thư.
Mặc dù lấy chồng nhưng H vẫn chỉ là một cô sinh viên 23 tuổi. H hồn nhiên “con mình sau này chắc học giỏi lắm, nằm trong bụng mẹ đã được nghe toàn giáo sư tiến sĩ nói chuyện”.
Sau khi sinh con, H vẫn đến lớp đều đặn và bạn cũng nhận được “chế độ” của riêng các thầy cô trong khoa đặt ra “do hoàn cảnh, bạn H có thể đến muộn một tiết và về sớm 1 tiết để chăm con nhỏ”.
Nhưng để nhận được những “ưu đãi” đó không đơn giản. H là lớp trưởng suốt 4 năm học và kết thúc học kì vừa mang thai vừa đi học, đi thi, bạn nhận điểm số khá cao và là 1 trong 10 người được nhận học bổng của lớp.
Nhưng không phải ai cũng nhận được những ưu đãi như vậy. P, cựu sinh viên trường N.H cũng mang bầu khi còn là sinh viên. P rất vất vả trong quá trình mang bầu, bởi trường bạn nhiều thầy giáo, mà “dường như chỉ các cô giáo mới dành những ánh mắt đồng cảm cho sinh viên mang bầu. Các thầy chẳng bao giờ quan tâm xem bạn là ai, họ chỉ biết bạn là sinh viên”.
“Khi biết có thai, mình rất lo lắng bởi mình mới chỉ học năm thứ 3. Nhưng vượt qua mọi lời dị nghị, mình vẫn quyết cưới, mặc dù biết sẽ rất vất vả. Nghĩ mà xem, đến khi ra trường, bé con đã 2 tuổi rồi, khi đó mình lại thảnh thơi hơn các bạn nữ lúc đó mới lập gia đình nhiều”. D, sinh viên năm cuối trường B.K rạng rỡ khoe bức ảnh cậu con trai gần 1 tuổi xinh như thiên thần.
Vẫn biết việc mang thai và sinh con khi còn đang là sinh viên là chuyện không mấy hợp lý, nhưng trong nhiều trường hợp không thể gọi là hành động sai lầm. Và ở một khía cạnh nào đó cũng nên “khâm phục” những bạn nữ dám vượt qua khó khăn vất vả, thậm chí cả dư luận xã hội để sinh ra những thiên thần nhỏ bé.
Bảo Trâm