Nữ sinh lớp 10 bị khán giả vây kín vì ca cải lương quá xuất thần
(Dân trí) - Sau khi vở diễn kết thúc, khán giả ùa lên sân khấu để chụp hình, hỏi han bằng được các diễn viên. Và mọi người càng bất ngờ hơn khi biết người thủ vai chính không phải là một diễn viên cải lương chuyên nghiệp mà là cô học trò... vừa kết thúc lớp 10.
Tác phẩm "Vai diễn đầu đời", cải lương cách tân với bối cảnh học đường vừa được công diễn tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.
Câu chuyện xoay quanh lớp 11A2, khi lớp có thêm người bạn mới Ngọc Hân, ở nước ngoài về. Một cô gái xinh đẹp, lễ phép, học giỏi...
Đúng lúc đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin có một con robot nhân tạo xuất hiện tại TPHCM trà trộn vào trường học để đánh cắp dữ liệu giống y như người thật, chưa có cách nào để phân biệt được.
Từ sự ghen tỵ, suy diễn, Minh Loan và những người bạn trong lớp suy đoán, robot đó chính là Ngọc Hân. Các bạn bắt đầu suy xét, tìm hiểu và chơi trò thách đố Ngọc Hân làm thơ, rồi thách cô ca cải lương... - một môn nghệ thuật truyền thống của người Việt Nam.
Nữ chính Ngọc Hân do cô học trò Bảo Ngọc vừa kết thúc lớp 10 ca và diễn xuất thần trên sâu khấu
Thời điểm đố, Ngọc Hân đang chăm sóc người mẹ bị bệnh ung thư, bị mẹ ngăn cản theo nghiệp cầm ca như bà trước đây. Từ sự thách đố của bạn bè, được sự hỗ trợ của người bạn Xuân Triết và được mẹ ủng hộ vào phút cuối, Ngọc Hân đã vào vai diễn một cách xuất sắc.
Sân khấu hàng trăm người là nghệ sĩ, giáo viên và học sinh ở TPHCM vỡ òa khi vở diễn kết thúc với những cảm xúc thăng trầm, có cả những giọt nước mắt, sự trầm trồ, khen ngợi.
Ngay sau vở diễn, khán giả ùa lên sâu khấu vây kín cô nữ sinh hát cải lương
Ngay sau đó, khán giả ào lên sâu khấu để chụp ảnh, hỏi chuyện, bày tỏ sự ngưỡng mộ với các bạn trẻ đã đưa đến một vở diễn sống động, cảm xúc. Nhất là "vây quanh" nhân vật chính Ngọc Hân.
Điều bất ngờ hơn, khi họ được biết, các bạn trẻ đã xuất thần trên sâu khấu đều là các bạn học sinh, sinh viên nghiệp dư.
Vai chính trong vở diễn, cô học trò Ngọc Hân do em Nguyễn Bảo Ngọc, cô nữ sinh vừa kết thúc lớp 10, Trường THPT Phạm Ngũ Lão, TPHCM thủ vai, Minh Loan là cô học trò Khánh Linh, chỉ mới học lớp 7.
Lê Nhung - người vào vai mẹ của Ngọc Hân - diễn trên sâu khấu không một ai biết em là người khiếm thị
Hay như người vào vai mẹ Ngọc Hân là bạn Lê Nhung, một cô gái khiếm thị theo học tại Khoa giáo dục đặc biệt của ĐH Sư phạm TPHCM. Trên sâu khấu, không một ai hay biết em như vậy.
Em Nguyễn Bảo Ngọc, chia sẻ, em mê cải lương từ bé. Hàng ngày em hay xem và nghe rất nhiều nghệ sĩ ca cải lương chứ không hay nghe... nhạc trẻ như bạn bè trang lứa.
Em thần tượng nghệ sĩ Bạch Tuyết trong từng lời ca, động tác, gương mặt thần thái của cô luôn trên sâu khấu làm em mê mẩn.
Dự định sau này em sẽ ôn thi vào Nhạc viện TPHCM. Được biết, hiện tại Ngọc đang tham gia giải Bông lúa vàng, cuộc thi sáng tác tài năng cải lương 2019 TPHCM.
Mê và theo đuổi sâu khấu cải lương, ngoài đời Nguyễn Bảo Ngọc là một cô gái năng động, dễ thương
Vở diễn "Vai diễn đầu đời" nằm trong dự án truyền dạy nghệ thuật sâu khấu cải lương "Tiếp bước trăm năm" cho trẻ em và thanh thiếu nhi Việt Nam.
Vở diễn được viết mới hoàn toàn dành cho người trẻ, là tiếng nói của người trẻ về những vấn đề của chính thời đại họ đang đang sống.
Hồn dân tộc trong người trẻ
TS Đào Lê Na, chủ nhiệm dự án và cũng là người viết kịch bản vỡ diễn trên cùng với tác giả Bùi Thiên Huân chia sẻ, ngay lúc đang và sau khi xem vở cải lương, chị nhận được nhiều tin nhắn khen ngợi, nhiều tràng vỗ tay, nhiều lời nhắn nhủ người mẹ gửi đến con, nhiều người ngạc nhiên vì "không ngờ cải lương lại giản dị và gần gũi đến vậy"
Vở diễn kết thúc nhưng không ai muốn đi về, nán lại ngắm nhìn các bạn, những con người rất trẻ, rất yêu cải lương và đang muốn truyền tình yêu ấy đến với mọi người.
Các bạn trẻ đang đưa luồng không khí mới về cải lương
Theo tác giả, có được thành công này là bởi người trẻ làm cho người trẻ nên mọi cảm xúc rất thật, chân thành và đầy năng lượng.
Trên sân khấu, các bạn nhường mic cho nhau khi có người gặp sự cố, các bạn chỉnh cho nhau từng chiếc cúc áo sau cánh gà, các bạn nhắc thoại cho nhau khi phát hiện bạn mình bị quên. Các bạn luôn để ý đến Nhung, cô bé khiếm thị đóng vai người mẹ để Nhung hoà đồng và đi lại hoặc đọc kịch bản cải lương được dễ dàng nhất.
Và không chỉ trước ánh hào quang sân khấu, tình cảm đó còn ở sau cánh gà. Sau khi diễn, các bạn được khán giả gửi tặng một khoản tiền khá lớn để đi ăn tối, các bạn đã trích gần nửa số tiền đó cho những nhạc công đã tự nguyện đến giúp đỡ các bạn trong thời gian các bạn học và tập vở.
Chưa hết, sau buổi diễn đêm đó, các bạn còn đến nhà một bạn để mở Tô Ánh Nguyệt lên xem dù lúc ra về đã gần 12 giờ đêm.
"NSND.TS Bạch Tuyết từng nói với tụi mình rằng, những người thực sự yêu văn hoá dân tộc sẽ luôn là những người rất trong sáng và thánh thiện. Hồn dân tộc sẽ luôn giúp họ trở thành những con người giàu tình cảm", TS Đào Lê Na bộc bạch và cho biết chị cảm nhận thấy rõ điều này khi làm việc với các bạn trẻ.
Hoài Nam