Nữ sinh làm thơ yêu biển đảo, mê Trường Sa
Nữ sinh Đoàn Thị Ngọc (sinh năm 1994 quê Nam Định, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật) sáng tác được hơn 100 bài thơ về Trường Sa. Cô có tình yêu đặc biệt với đảo, với chiến sỹ.
Nơi tình yêu bắt đầu
Kết thúc năm học thứ nhất, Ngọc tham gia khóa học quân sự. Tại đây Ngọc được nghe Đại úy Nguyễn Ngọc Sơn (từng công tác ở Trường Sa) kể về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngọc chăm chú nghe và mê Trường Sa từ đó.
“Em biết nhiều về Trường Sa, nhưng không nghĩ thời bình các chiến sỹ lại chịu nhiều hy sinh, gian khổ như vậy. Em sáng tác thơ để tri ân lính đảo, dù trước đó, chưa bao giờ em làm thơ”, Ngọc bộc bạch.
Ngọc làm thơ về Trường Sa từ ấy. Bài thơ đầu tay “Gửi cho em”, Ngọc viết tháng 11/2013. Bài thơ mượn tâm tình của người vợ có chồng đang công tác ở Trường Sa: Thôi anh ơi, hãy gửi em giọng nói/ Để an tâm anh nơi ấy yên bình/ Mong anh hãy vững vàng tay chắc súng/ Em sẽ chờ, sẽ đợi những mùa sau.
Ngọc đăng bài thơ này lên facebook cá nhân, được mọi người chia sẻ. Nhờ bài thơ, cô sinh viên mỹ thuật bắt đầu quen và có thêm nhiều người bạn là chiến sỹ. Trong đó, thân thiết nhất, chia sẻ nhiều câu chuyện về Trường Sa với Ngọc nhất là một chiến sỹ công tác ở đảo Sinh Tồn.
Nhờ đó mà Ngọc hiểu về đảo Sinh Tồn, về quần đảo Trường Sa sâu sắc hơn. Hơn chục bài thơ viết riêng cho đảo Sinh Tồn của Ngọc lần lượt ra đời.
Từ khi có cảm hứng về Trường Sa, Ngọc sáng tác nhiều hơn. Có ngày Ngọc viết một mạch được 3-4 bài. Ngọc tâm đắc nhất là bài “Người về từ Trường Sa” gửi tặng một kiểm ngư và được nhạc sỹ Quỳnh Hợp phổ nhạc.
Đặc biệt, qua những bài thơ viết về Trường Sa của Ngọc, Đại tá Nguyễn Đức Chung (người từng 15 năm làm việc ở Trường Sa) giờ đang công tác tại Trường Trung cấp kỹ thuật Tăng thiết giáp cảm động và tìm gặp.
Sau vài lần nói chuyện, Ngọc được Đại tá Chung nhận làm con nuôi. Từ đây, Ngọc được nghe bố nuôi kể nhiều, biết nhiều hơn về Trường Sa.
Vượt ngàn cây số tặng thơ cho chiến sỹ
Ngọc khao khát một lần được đặt chân đến Trường Sa của Tổ quốc. Nữ sinh tuổi hai mươi này mong mỏi đến ngày đó để đọc thơ cho lính đảo nghe. Ngày 5/11 vừa qua, biết tin Hải quân vùng 4 thay quân và đưa hàng Tết ra Trường Sa, Ngọc lập tức rời Sa Pa về Hà Nội bắt xe vào Khánh Hòa gửi quà cho những chiến sỹ ra đảo.
Không kịp chuẩn bị, trên đường đi Ngọc tranh thủ chép tay tập thơ 46 bài để gửi tặng các chiến sỹ. “Lúc ấy, một chiến sỹ tên là Tùng nhận thơ của em. Anh rất xúc động, rồi nói: “Lát nữa tàu đi, em đừng khóc nhé” Đến khi tàu rời đi em bật khóc”, Ngọc nhớ lại.
Sau kỷ niệm khó quên ấy, Ngọc chia sẻ trên facebook: “Em về miền Bắc gió lạnh nhưng không quên cất trong tim mình chút nắng Cam Ranh, cái nắm tay rất lính, những nụ cười rất lính... tất cả sẽ giúp em đi qua mùa đông giá lạnh. Chúc các anh luôn bình an, hẹn một ngày gặp lại các anh”.
Đến nay, Ngọc sáng tác hơn 100 bài thơ về Trường Sa. Nhiều bài thơ của Ngọc được đăng báo. Nhiều người thích bài thơ “Ai đã đặt tên cho Trường Sa”. Điều đặc biệt của bài thơ này là chỉ 6 khổ nhưng nhắc được tên 21 hòn đảo ở Trường Sa cũng như đặc điểm riêng của từng hòn đảo: …Đẹp dịu dàng Tiên Nữ đón bình minh/ Chiều Nam Yết hàng dừa xanh soi bóng/ Thương Đá Đông dập dềnh kê đỉnh song/ Vượt phong ba, Đá Lớn vững chủ quyền/ Ôi Sinh Tồn, sức sống của cái tên/ Và ý chí của người ra giữ biển/ Đảo thân thương, thiêng liêng hồn đất Việt/ Trường Sa ơi, xanh thắm đến muôn đời.
Tuy chưa một lần gặp nhưng với nhiều chiến sỹ Trường Sa, Ngọc trở thành người bạn thân. Ngọc còn được nhiều chiến sỹ Trường Sa gọi bằng cái tên trìu mến là Thỏ. Mỗi khi từ Trường Sa trở về, các chiến sỹ thường tặng Ngọc lọ cát san hô, ốc biển... Đó là những kỷ vật mà Ngọc luôn gìn giữ.
Ngọc đang phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân để in tập thơ đầu tay về Trường Sa. Ngọc bày tỏ: “Em mong ước đến cháy bỏng một ngày được đặt chân đến Trường Sa, để hiểu hơn về cuộc sống, về tâm tình của các anh, được gặp những con người mà ngày ngày vẫn xuất hiện trong từng vần thơ của mình như một nỗi nhớ khắc khoải”.
Theo Duy Ngợi
Tiền Phong