Nữ sinh khéo tay “cá kiếm” từ bánh Trung thu
Với đôi tay khéo léo, “giắt túi” thêm vốn kinh nghiệm làm bánh trước đó, nhiều bạn sinh viên đã biến dịp Trung Thu trở thành thời điểm để “cá kiếm” nhờ việc nhận làm các lô bánh Trung Thu hand-made hay mở lớp học dạy làm bánh nướng.
Kinh doanh bánh Trung Thu “siêu nhỏ”
Có sở thích làm bánh, trong nhà cũng đã sắm sửa khá đầy đủ các dụng cụ làm bánh nên năm nay, Nguyễn Phương Anh (năm thứ ba, trường ĐH Luật Hà Nội) bỗng “lóe” lên ý tưởng sẽ tận dụng kinh nghiệm và “đồ nghề” sẵn có để tiến hành kinh doanh bánh Trung Thu hand-made.
Phương Anh tìm mua các loại nguyên liệu cần thiết, dò tìm công thức từ Internet và xin ý kiến của những người quen có kinh nghiệm. Ba ngày đầu tiên, Phương Anh dành thời gian để học cách làm nhân bánh.
“Việc làm nhân bánh tốn rất nhiều thời gian công sức, phải tỉ mỉ từng chút một. Ví như nhân thập cẩm, phải mua rất nhiều nguyên liệu rồi cắt, thái, trộn lẫn. Nhân đậu xanh phải đun nấu, trộn sao cho thành phẩm mịn, không bị vón cục bên trong (vì trong nhân bánh còn có cả bột nếp), lửa phải liên tục điều chỉnh, nếu để quá lửa là nhân sẽ bị khét”, Phương Anh chia sẻ.
Khi đã thành thạo với việc làm các loại nhân, Phương Anh tiến hành nướng mẻ bánh đầu tiên. Ba chục chiếc bánh đầu tiên sau khi ra lò vừa để gia đình thưởng thức, vừa là sản phẩm “demo” để bạn bè, người quen ăn thử và đánh giá chất lượng.
“Mọi người bảo rằng, vỏ bánh Trung Thu của mình vẫn còn hơi cứng so với các loại bánh đang có mặt trên thị trường. Một người quen còn mách nhỏ rằng, nên cho hương bưởi vào thì bánh sẽ thơm và mềm hơn. Mình hý hửng làm theo nhưng thất bại: Vỏ bánh nứt toác, bề mặt không mịn, cứ lỗ cha lỗ chỗ”, Phương Anh kể lại kỷ niệm “đau thương”.
Về sau, với sự tìm hiểu kỹ càng và vốn kinh nghiệm làm bánh ngọt đã “giắt túi” từ nhiều năm trước, Phương Anh cũng tìm ra cách để khắc phục “sự cố” cho những chiếc bánh: Thay vì bôi nước đường vào ngoài vỏ bánh (khi cho vào lò nướng, vỏ bánh thường bị cứng), bạn dùng dầu ăn để bôi ra ngoài vỏ; việc chế biến nhân cũng được chú ý hơn trong từng công đoạn (thái, trộn, canh lửa…).
Và những mẻ bánh tiếp theo của Phương Anh đã thành công: Vỏ bánh vàng, mềm, mịn, độ ngọt vừa phải, nhân bánh thơm, đúng mùi vị của từng loại nhân.
Những chiếc bánh của bạn có khối lượng nhỏ, từ 35 – 50 g, hình thù dễ thương (12 con giáp, hoa lá…), giá bán dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/chiếc, với 7 loại nhân bánh (thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn…), khách hàng có thể chọn lựa hoặc đặt mua loại bánh mình yêu thích.
Ngay khi tung những hình ảnh đầu tiên về bánh Trung Thu hand-made lên Facebook, Phương Anh nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi và sự quan tâm. Những đơn hàng đầu tiên có số lượng không nhiều (chỉ từ 3 – 5 chiếc), thường là do bạn cùng lớp, cùng trường đặt để ăn thử.
Nhân viên kinh doanh kiêm “giáo viên”
Gần đến Trung Thu, Trần Ly Ly (năm thứ tư, trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp – kinh doanh bánh gatô online) bán thêm bánh nướng nhân chay (đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, khoai môn).
Những chiếc bánh nướng thơm ngon được Ly hoàn thành rồi chụp ảnh và đưa lên Facebook cá nhân để giới thiệu. Món mới này nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ bạn bè và những vị khách quen, những cú điện thoại đặt hàng cứ sau mỗi ngày lại tăng dần.
Nếu như Phương Anh kinh doanh bánh nướng có trọng lượng nhỏ và hình thù ngộ nghĩnh thì Ly Ly lại nhận làm các loại bánh phổ thông, trọng lượng chừng 125 g và có vị lạ hơn so với các loại bánh bán trên thị trường.
Ngoài việc là một “nhân viên” kinh doanh bánh nướng online, Ly còn mở các khóa học dạy làm bánh Trung Thu cho những bạn có nhu cầu. Các học viên sẽ tự liên hệ với nhau, khi có đủ số lượng (3 – 4 người) thì sẽ tổ chức thành một lớp, học phí là 150.000 đồng/người.
Công việc mùa vụ này đã đem đến cho Phương Anh và Ly Ly khoản thu nhập kha khá. Riêng Phương Anh, thấy kinh doanh thuận lợi, bạn còn ấp ủ ý định “làm ăn” lớn hơn vào mùa Trung Thu năm sau: “Mình sẽ không bán lẻ nữa mà tập trung bán buôn bánh nướng và nhân bánh cho những đầu mối cụ thể”.
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam