Nữ lãnh đạo trẻ và ước mơ thành Phó thủ tướng
Với phong thái đĩnh đạc, giọng nói sắc sảo lôi cuốn người nghe cùng vốn kiến thức sâu rộng, Trần Thị Lê Dung vượt qua hàng trăm sinh viên khác để được chọn là một trong 4 nữ tài năng lãnh đạo trẻ Việt Nam. Nữ Đảng viên 23 tuổi này mong muốn trở thành Phó thủ tướng trong tương lai.
Vừa tốt nghiệp khoa Ngữ Anh văn (nghiên cứu văn học Anh), ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, Trần Thị Lê Dung lọt vào danh sách "28 tài năng lãnh đạo trẻ châu Á" được tổ chức tại Hà Nội tháng 1 vừa qua.
Nhờ có kiến thức sâu rộng và tài ăn nói thuyết phục, trong vòng phỏng vấn tuyển chọn tham dự diễn đàn này, Dung là thí sinh có số điểm cao nhất và được ban giám khảo đánh giá có tài năng lãnh đạo. Suốt 4 năm đại học, cô đều được nhận học bổng của trường và nằm trong danh sách 10 sinh viên xuất sắc của trường năm 2006.
Năm 2005, cô sinh viên năng nổ này được nhận giải thưởng thanh niên tiên tiến TPHCM. Gần đây nhất, Hội nghị APEC 14, Dung làm điều phối viên cho cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính.
"Qua diễn đàn tài năng lãnh đạo trẻ vừa rồi, em thấy, sinh viên nước ngoài vẫn nổi trội hơn sinh viên Việt Nam. Các bạn có nhiều cơ hội tham gia vào những diễn đàn nên khả năng bao quát vấn đề và khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ rất tốt", Lê Dung hồ hởi mở đầu câu chuyện bằng giọng nói đặc trưng của vùng nắng gió Lâm Đồng.
"Các bạn lãnh đạo trẻ tham gia diễn đàn thường xuyên trò chuyện với nhau. Có bạn muốn trở thành bộ trưởng, thậm chí có người muốn làm Thủ tướng. Nhưng cũng có bạn lại mong trở thành giám đốc cấp cao của những tập đoàn lớn hay nhiều khi chỉ là một chuyên gia bảo tồn thiên nhiên... Còn về bản thân, em ước mơ trở thành Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng", nữ bí thư Đảng bộ sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM say sưa nói.
Thoáng chút ngập ngừng sau khi nở nụ cười tươi, Dung bật mí, thần tượng lâu này của em chính là nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan và bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nghiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Nhưng mãi đến gần đây, em mới có cơ hội trực tiếp gặp gỡ và nghe hai nhà ngoại giao này nói chuyện. "Mục tiêu trước mắt của em là muốn được thành đạt như cô Ninh", đôi mắt Dung ánh lên vẻ tự hào.
Lê Dung (áo đen) cùng 3 tài năng lãnh đạo trẻ của Việt Nam. Ảnh: HYLI. |
"Ước mơ sẽ là động lực cho mình đi tiếp, đồng thời buộc mình phải nỗ lực và cẩn trọng hơn. Muốn làm lãnh đạo thì cần phải chứng tỏ mình nổi trội hơn người khác ở mặt nào, khả năng thuyết phục ra sao. Em nghĩ, dù chưa biết kết quả thế nào, nhưng hãy cứ ước mơ đi", Dung nói.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Dung đang tự trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc bằng cách tiếp tục học thạc sĩ ngành ứng dụng ngôn ngữ và văn bằng 2 ngành quan hệ quốc tế. Còn về kinh nghiệm thực tế, "thủ lĩnh" của chi bộ đảng sinh viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM tâm sự: "Em nghĩ, việc tham gia vào hoạt động đoàn, đảng của trường chính là bước đi chập chững trên con đường dẫn đến chính trường. Nếu có đủ điều kiện và làm cho người khác tin mình, em sẽ ứng cử đại biểu HĐND thành phố và đại biểu Quốc hội".
Băn khoăn trước thực trạng một bộ phận giới trẻ thờ ơ với những vấn đề thời sự, chính trị, cô sinh viên 8X này cho rằng, giới trẻ nước ngoài thường có cơ hội tập làm chính trị gia như "Một ngày làm thống đốc bang", "Một ngày làm đại sứ"..., nhưng ở nước ta hiện vẫn chưa có hình thức này.
"Ở nhiều nước, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo tỉnh thường đến các trường đối thoại trực tiếp với sinh viên. Được gặp lãnh đạo cao cấp của nhà nước sẽ là động lực để thanh niên say mê tìm hiểu tình hình thời sự", Lê Dung bày tỏ quan điểm.
Diễn đàn "Sáng kiến Tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi" (HYLI) lần thứ 8 diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 22-26/1, với sự tham dự của 28 lãnh đạo trẻ của 7 quốc gia Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia và tổ chức diễn đàn.
Mục tiêu chính của diễn đàn là khuyến khích tài năng lãnh đạo trong thanh niên bằng cách mang đến cho họ những cơ hội tiếp xúc với các diễn giả, các nhà lãnh đạo uy tín trong cộng đồng.
Bốn nữ lãnh đạo trẻ của Việt Nam tham dự diễn đàn lần này gồm: Trần Thị Lê Dung, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM; Phạm Thị Thu Hằng, sinh viên ĐH Ngoại thương; Hà Hồng Hạnh, sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội; Hoàng Hạnh Dung, sinh viên ĐH Ngoại thương. |
Theo Tiến Dũng
Vnexpress