Nụ cười sinh viên Việt ở xứ Phù Tang

(Dân trí) - Với những hoạt động ấn tượng tại ngày hội thể thao văn hóa, các lưu học sinh Việt Nam hiện đang theo học ở các trường đại học thuộc vùng Kansai Nhật Bản và lân cận đã có những niềm vui, nụ cười thật thoải mái.

“Ngày hội thống nhất” của sinh viên Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản chính là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2009. Ngày hội cũng là một sân chơi bổ ích nhằm thúc đẩy sự đoàn kết giao lưu giữa các Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, những người con luôn hướng về Tổ quốc. 

 

“Giải thể thao sinh viên Handai Open 2009” được tổ chức bởi Hội sinh viên Đại học Osaka với sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Osaka, Hội Sinh viên-Thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) và các trường đại học vùng Kyoto, Kobe, Shiga, Gifu, Kyoshinjoho, Toyohashi và Sankyo. Giải thể thao được diễn ra trùng với kỳ nghỉ dài ngày của Nhật (2/5) nên số lượng sinh viên tham dự rất đông. Đến dự và phát biểu trong lễ khai mạc có ông Lê Đức Lưu, Tổng Lãnh sự tại thành phố Osaka. Cũng nhân dịp này, Lãnh sự quán đã phát động phong trào “Bình chọn cho Vịnh Hạ Long”, một kỳ quan thiên nhiên của nước ta trong cuộc bầu chọn “Kỳ quan thiên nhiên Thế giới” do New Open World tổ chức. 

 

Sau lễ khai mạc, các vận động viên bắt đầu bước vào thi đấu. Chỉ trong một ngày, nhiều môn thể thao được tổ chức như: bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông và đặc biệt là môn bóng đá trong nhà đã thu hút được rất nhiều vận động viên tham gia và các cổ động viên cổ vũ cho đội nhà.
 
Nụ cười sinh viên Việt ở xứ Phù Tang - 1

Chuẩn bị trước giờ xung trận

 

Các vận động viên không chuyên được dịp trổ tài, các môn thi với điều luật được đơn giản hóa mang tính chất phong trào với mục đích tăng cường tinh thần luyện tập thể thao và giao lưu nên đã diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, không vì thế mà các trận đấu diễn ra kém phần khốc liệt và căng thẳng. Sau một ngày thi đấu căng thẳng với mật độ khá dày, đoàn thể thao Hội sinh viên Toyohashi và đoàn thể thao Hội sinh viên Kyoto lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai chung cuộc về tất cả các nội dung thi đấu.

 

Chung cuộc có người thắng người thua nhưng với các bạn trẻ thành tích không phải là yếu tố quyết định, quan trọng hơn là các lưu học sinh đã có được một khoảng thời gian giao lưu và trao đổi tình bằng hữu.
 
Nụ cười sinh viên Việt ở xứ Phù Tang - 2

Bóng hồng trên sân cầu lông
 
Nụ cười sinh viên Việt ở xứ Phù Tang - 3

Lao vào cuộc "chiến"

Nụ cười sinh viên Việt ở xứ Phù Tang - 4


Nụ cười sinh viên Việt ở xứ Phù Tang - 5

Phần văn nghệ giao lưu cũng thu hút sự quan tâm của các bạn sinh viên Việt Nam đang theo học ở các trường đại học thuộc vùng Kansai Nhật Bản và lân cận

 

Bạn Ngô Huy Hùng, sinh viên đang theo học tại trường Đại học Kyoto đã tâm sự sau giải đấu: “Giải thể thao sinh viên này diễn ra thường niên nên các sinh viên năm nào cũng háo hức chờ đợi. Đây là một cơ hội để các anh em bạn bè từ khắp mọi miền của Nhật Bản gặp gỡ, trao đổi học hỏi và giao lưu thi đấu thể thao sau những ngày học tập căng thẳng”.

 

Ngày hội giao lưu thể thao đã khép lại với bữa tiệc BBQ ngoài trời và đêm nhạc “Chuyện tháng năm” với những giai điệu đặc sắc. Những giọng ca sinh viên ngọt ngào, đầy cảm xúc với các ca khúc về quê hương, tình yêu, tình bạn để lại ấn tượng sâu sắc và khó quên. Bên cạnh những hoạt động hội thảo khoa học của sinh viên được tổ chức hàng năm như VJSE (Hội thảo giao lưu Khoa học sinh viên Việt Nam - Nhật Bản), giải giao lưu thể thao sinh viên tại đất nước Nhật Bản là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những lưu học sinh đang nghiên cứu và học tập xa Tổ quốc.
 
Bài: Vũ Trung Diện
Ảnh: Lưu Quang Hưng

(Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kyoto, Japan)