Nữ chủ nhiệm CLB sinh viên H'Mông mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí
(Dân trí) - Thông qua các hoạt động của câu lạc bộ, cô sinh viên năm 3 - Lồ Thị Sáy mong muốn có thể thay đổi nhận thức của người dân quê hương, thúc đẩy họ cho con em mình đi học để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Cô sinh viên hết mình vì công tác tình nguyện
Lồ Thị Sáy đang là sinh viên năm 3 ngành Sư phạm tiếng Anh của trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. Hiện tại, Sáy đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên H'Mông tình nguyện tại Hà Nội.
Sáy tuy có ngoại hình nhỏ bé nhưng luôn tràn đầy năng lượng. Hình ảnh cô chủ nhiệm với nụ cười luôn thường trực trên môi, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh đã quá quen thuộc với các thành viên CLB.
Trò chuyện cùng Sáy, cô nữ sinh quê Sa Pa (Lào Cai) hào hứng kể về những ngày bén duyên với công tác tình nguyện của mình. Vốn là một cô gái có mong muốn được cống hiến nên từ khi còn học phổ thông, Sáy đã tự tổ chức những nhóm tự phát đi vùng sâu, xa của xã mình để làm tình nguyện.
Đến khi lên đại học, vô tình biết đến CLB sinh viên H'Mông thông qua một chương trình lên Sa Pa, Sáy đã mạnh dạn đăng ký tham gia. “Mình quê ở Sa Pa, lại là người Mông nên không có lý do gì để mình không tham gia cả. Sau đó, mình đã cố gắng ứng tuyển và tham gia với tư cách cộng tác viên”, Sáy chia sẻ.
Tiếp đó, cô bạn đã không ngừng cố gắng ứng tuyển để được trở thành một thành viên chính thức của CLB. Sau khoảng thời gian hoạt động, nhờ được các thành viên tín nhiệm nên năm 2019, Lồ Thị Sáy chính thức lên làm chủ nhiệm.
Sáy cho biết các bạn sinh viên người H'Mông học ở Hà Nội không hề ít. Nhưng số lượng không có nhiều ở các trường đại học mà tập trung chủ yếu ở các trường cao đẳng, trung cấp. Vì vậy để liên hệ được với các bạn là điều không hề dễ dàng.
May mắn nhờ có cơ hội tham gia rất nhiều chương trình như Tết H'Mông xuống phố, chương trình gặp mặt hội đồng hương cho các bạn dân tộc nên Sáy đã cố gắng tìm kiếm các thành viên có khả năng, có thể phối hợp cùng cô bạn trong quá trình phát triển hoạt động của CLB sau này.
Vì là dân tộc thiểu số lại có ngôn ngữ nói riêng nên Sáy tâm sự phần lớn các sinh viên H'Mông khá thu mình. Đây là khó khăn chính của CLB. Ngoài ra, trong quá trình gây quỹ, tổ chức sự kiện các bạn đều gặp phải khó khăn do chưa có kinh nghiệm.
Vượt qua những rào cản đó, với tinh thần của tuổi trẻ, Sáy và CLB đặt mục tiêu sẽ tích lũy dần, từ những bước chân đầu tiên. “Bước đầu không cần quan tâm quá nhiều đến kết quả đạt được mà tụi mình sẽ cố gắng hết sức mình, làm tốt nhất có thể”, Sáy nói.
Tự học tiếng Anh từ năm 7 tuổi và mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí
Sinh ra và lớn lên ở Sa Pa nên cô bạn Lồ Thị Sáy có nhiều lợi thế về môi trường giao tiếp với người nước ngoài. Từ năm 7 tuổi, Sáy đã bắt đầu nói chuyện được bằng tiếng Anh.
“Nhà mình nằm trong bản du lịch nên khách đi qua nhà, mình sẽ cố gắng giao tiếp tiếng Anh với khách bằng bất cứ cách nào. Khi đó, chỉ gọi là bập bẹ, bắt đầu nói tiếng Anh bồi”, Sáy kể.
Đến năm học lớp 6, cô bạn cảm thấy tiếng Anh khá thú vị nên học tiếp. Năm lớp 8,9 Sáy thấy rất thích ngôn ngữ này và đến năm lớp 12, cô bạn đã có thể tự đi làm, kiếm tiền bằng tiếng Anh thông qua việc làm hướng dẫn viên.
Lên đại học, nhờ có vốn tiếng Anh sẵn có, Sáy mạnh dạn mở lớp tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ. Lớp được tổ chức vào dịp hè và ban đầu chỉ dạy trong họ hàng, hàng xóm xung quanh.
Nhưng rồi dần dần cả làng biết và đưa con đến xin học. Để đáp ứng được nhu cầu cho tất cả mọi người, Sáy đã xin mượn lớp ở trường để dạy và hiện tại cô bạn có hơn 100 em học sinh.
“Quá trình dạy học tiếng Anh của mình cũng khá là khó vì mình chưa qua trường lớp nào, chưa qua lớp gia sư, thậm chí là chưa từng biết cuộc thi IELTS.
Tuy nhiên mình may mắn sinh ra và lớn lên ở Sa Pa, có cơ hội được tiếp xúc với người nước ngoài từ bé. Vì vậy mình có lợi thế về phát âm, lợi thế vì bản thân mình thích”, Sáy tâm sự.
Cũng nhờ lợi thế này mà khi đi học, Sáy luôn cố gắng sử dụng cách phát âm, ngữ điệu mình học được ở thực tế kết hợp với ngữ pháp học ở trường để tích lũy và dạy cho các em.
Cô sinh viên dân tộc Mông tiêu biểu
Hiện tại, Lồ Thị Sáy là sinh viên dân tộc duy nhất trong lớp Sư phạm tiếng Anh cô bạn đang theo học. Với nhiều bạn đồng môn, việc ôn và thi đỗ vào đại học cần sự cố gắng một thì với Sáy, để thi đỗ được phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều lần.
Sáy kể về cơ duyên đến với trường ĐH Ngoại ngữ: “Mình mong muốn lắm nhưng ban đầu chỉ đăng ký để đấy vì không nghĩ bản thân có thể đủ điểm vào học tại trường. Tuy nhiên may mắn năm mình thi có nhiều lợi thế về cách thức thi, chuyển sang thi trắc nghiệm nên cũng dễ dàng hơn.
Đồng thời mình được cộng điểm từ sự khó khăn nên mình đã kiên trì lựa chọn trường. Mình học Sư phạm vì được miễn một phần học phí, trường lại đặc thù về ngoại ngữ nên sẽ giúp mình thực hiện ước mơ dạy học”.
Ngoài tham gia các hoạt động tình nguyện, Sáy cũng là thành viên của CLB phát triển kỹ năng sư phạm. Năm thứ 2, cô bạn lên làm Phó chủ nhiệm CLB. Về học tập, Sáy cũng có một số thành tích nhất định và vừa qua cô bạn cũng nhận được học bổng Vừ A Dính.
Mong mong muốn lâu dài của Sáy là sau khi tốt nghiệp sẽ trở về quê hương làm việc. Tuy nhiên cô bạn dự định sẽ học hỏi ở đây những kinh nghiệm, tích lũy thêm kiến thức mới có thể về quê nhà để giúp đỡ mọi người được.
Ngoài ra, điều cô gái H'Mông ấp ủ lớn nhất là có thể thay đổi một phần nhận thức của đồng bào người H'Mông. Thông qua các hoạt động của CLB, Sáy muốn lan tỏa thông điệp rằng những bạn trẻ về tình nguyện không chỉ có người Kinh mà còn có người H'Mông, cộng đồng của họ.
Đó sẽ là minh chứng để người dân có thể cho con em mình đi theo, nhìn vào hoạt động của sinh viên H'Mông và thúc đẩy con em họ đi học để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Kim Bảo Ngân