Nồng nàn tình yêu Hà Nội

Trong cái nắng bỏng rát của mùa hè, các bạn tình nguyện viên đội hình “Tuyên truyền văn hóa, lịch sử Thăng Long- Hà Nội” vẫn miệt mài hướng dẫn du khách, hỗ trợ nghiệp vụ du lịch.

Họ tình nguyện là những tuyên truyền viên quảng bá lịch sử, văn hóa của mảnh đất kinh kì tới du khách bốn phương đến thăm, tìm hiểu về Thủ đô Hà Nội. 

Tự hào về lịch sử dân tộc

 

Vừa bước vào kì nghỉ hè, Phùng Thị Thúy (sinh viên trường Đại học Thủ đô) đã đăng kí tham gia vào đội Tuyên truyền văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Thúy quyết tâm dành trọn những ngày hè của mình để “học thực tế”. Cô gái mang hiểu biết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám phổ biến cho những người đến đây tham quan, du lịch.

 

Thúy chia sẻ: “Tham gia tuyên truyền văn hóa, lịch sử, mình có cơ hội trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm, kĩ năng chuyên ngành, đồng thời, cũng là cơ hội phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ.

 

Ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mình không chỉ giới thiệu về quần thể di tích đa dạng, phong phú, lịch sử phát triển, kiến trúc di tích… mà còn tuyên truyền cho mọi người bảo vệ di tích, không sờ hay xoa đầu rùa, các hiện vật và giữ gìn vệ sinh môi trường”.

 
Đội Tuyên truyền văn hóa, lịch sử Thăng Long Hà Nội tại chùa Trấn Quốc.
Đội Tuyên truyền văn hóa, lịch sử Thăng Long Hà Nội tại chùa Trấn Quốc.
 

Dịp này, Đại học Thủ đô có 2 đội hình sinh viên tình nguyện tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Để làm tốt hoạt động tuyên truyền quảng bá về Thủ đô, các bạn sinh viên tình nguyện đã có 5 buổi tập huấn do Thành Đoàn Hà Nội, Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Đoàn trường tổ chức.

 

Phạm Phương Thảo, tình nguyện viên tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Từ bé, cô đã quen với khu di tích này vì nhà Thảo ở gần bảo tàng. Đấy cũng là động lực để Thảo thi vào khoa lịch sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

 

Kì nghỉ hè năm thứ nhất đại học, cô gái được thỏa sức thực hiện niềm đam mê, mang kiến thức, hiểu biết về Thủ đô kết hợp với kĩ năng nghiệp vụ trau dồi được tuyên truyền tinh hoa văn hóa của chính mảnh đất quê hương mình tới đông đảo du khách, bạn bè năm châu.

 

 “Mình đã tham gia vào Câu lạc bộ Tuyên truyền lịch sử, văn hóa ở trường. Trong năm học, cứ cuối tuần, chúng mình mới có thời gian để thực hành tại các khu di tích. Nghỉ hè, mình có toàn thời gian để làm điều đó.

 

Tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, lịch sử của Thủ đô khiến mình càng cảm thấy tự hào về lịch sử dân tộc và thêm yêu Hà Nội”, Phạm Phương Thảo chia sẻ.

 

Tình nguyện viên của hỗ trợ nghiệp vụ du lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tình nguyện viên của hỗ trợ nghiệp vụ du lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

Rèn luyện kĩ năng chuyên ngành

 

Khi được Đoàn thanh niên nhà trường phổ biến về việc tình nguyện tại các địa điểm du lịch, Nguyễn Thị Huệ (sinh viên lớp Việt Nam học, trường Đại học Thủ đô) đã đăng kí tham gia ngay.

 

Huệ là sinh viên năm thứ 3. Cô gái vốn rất quen thuộc với các hoạt động tình nguyện từ khi mới lên đại học. Những năm trước, Huệ tham gia vào các câu lạc bộ tình nguyện, chiến dịch mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi. Năm nay, cô gái mạnh dạn thử sức làm “hướng dẫn viên”, hỗ trợ du lịch tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám cùng với 15 “đồng đội” nữa.

 

Huệ chia sẻ: “Mình học chuyên ngành Việt Nam học nên rất liên quan đến hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ du lịch. Từ vốn kiến thức đã thu thập được trong học tập trên lớp, sách vở, những buổi tập huấn, dã ngoại…mình đã có thể thực hành.

 

Làm tình nguyện viên tuyên truyền văn hóa, lịch sử Thăng Long, mình có cơ hội để tiếp tục rèn luyện tri thức, kĩ năng để tạo hành trang tốt cho mai sau lập nghiệp”.

 

Trong cái nắng oi ả 40 độ C, Nguyễn Bích Ngọc (tình nguyện viên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám) vẫn nhanh nhẹn phối hợp nhịp nhàng với các sinh viên tình nguyện của Đại học Bách Khoa Hà Nội có mặt tại Văn Miếu để hướng dẫn người dân đến tham quan và thu bớt hương đốt để tránh cháy nổ.

 

Bích Ngọc cho biết: “Đây là năm đầu tiên được tham gia hoạt động này, tuy vất vả một chút nhưng mình cảm thấy rất vui vì đã được người dân không bở ngỡ khi đến khu di tích. Việc làm này cũng giúp mình có thêm những kinh nghiệm thực tế trong hoạt động tình nguyện, cũng như học tập những năm tiếp theo”.

 

Tại chùa Trấn Quốc và đền Ngọc Sơn có 20 sinh viên tình nguyện đến từ Viện Đại học Mở Hà Nội luôn túc trực. Các bạn trẻ vừa hiểu biết về khu di tích này vừa sử dụng tốt tiếng Anh.

 

Được trang bị kĩ năng qua hai buổi tập huấn do Thành đoàn Hà Nội và Đoàn trường tổ chức, trong buổi ra quân hoạt động, tình nguyện viên tại đây còn được đích thân Hòa thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc tập huấn.

 

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ Thủ đô trong việc tuyên truyền về văn hóa, lịch sử Thăng Long –Hà Nội gắn với phong trào Tôi yêu Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã chủ động phối hợp với các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng tổ chức 8 đội hình tình nguyện “Tuyên truyền văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội” cấp thành phố .

 

Mỗi đội bao gồm 10 - 15 đoàn viên, sinh viên, bố trí tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội như:  Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đền Quán Thánh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam…

 

Lực lượng tham gia là sinh viên các trường đại học: Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; Văn hóa Hà Nội; Viện Đại học Mở Hà Nội; Đại học Thủ đô. Các đội hình chính thức hoạt động từ ngày 1/7 đến hết tháng 8/2015.

 

 

Theo Lê Dung

Tuổi trẻ thủ đô