“Nông dân teen” tuổi 17

Có cái tên đẹp như diễn viên điện ảnh Đài Loan nhưng Hạ Chí Hợp (lớp 11A5 trường Sương Nguyệt Anh, Ba Tri, Bến Tre) lại là một “nông dân teen” chính hiệu với công việc chính là... nuôi bò.

 

“Nông dân teen” tuổi 17 - 1

Hợp và một trong số 4 con bò mình đang sở hữu
 
Con bò “làm vốn” của ông nội

 

Năm 2007, Hợp được ông nội cho một con bò cái “làm vốn” và “chính thức” trở thành người nuôi bò “chuyên nghiệp” từ đó. Thực ra thì nuôi bò không phải là việc xa lạ với những bạn teen ở Ba Tri, nhưng đó chỉ được xem là công việc phụ giúp gia đình mà thôi. Còn chuyện “sở hữu” một con bò trị giá hơn chục triệu đồng với một cậu học trò mới học xong lớp 9 như Hợp lại là một việc khác, vừa sướng nhưng cũng vừa… lo. Nhất là khi bạn phải tự xoay xở một mình sau khi ông bà nội lần lượt qua đời (ba mẹ chia tay, từ nhỏ Hợp phải sống với ông bà nội). Bởi vậy, khi nhận bò, cậu bạn không dám nghĩ gì nhiều. Nhưng khi vào cấp 3 và xác định sẽ phải vào đại học, Hợp quyết chí “tăng dân số” cho chuồng bò của mình để sau này bán lấy tiền tự lo cho việc học.

 

Từ 1 con rồi 2 con, và bây giờ, sau 2 năm, bạn đã có 4 con bò trong chuồng! Không chỉ nuôi, Hợp còn mua bò con về “vỗ béo” sau đó bán lại. “Cũng được 6 con rồi”, Hợp khoe.

 

“Nắm chắc” 40 triệu đồng tiền bán bò, sau khi trả chi phí thức ăn, còn dư bao nhiêu, Hợp đều gửi bác giữ giùm. Với đàn bò trong chuồng cộng với tiền để dành được, tính sơ sơ, bạn đang có trong tay khoảng 40 triệu đồng, có thể đủ lo cho 4 năm học ở trường. Biết “lo xa” như vậy nên sáng nào Hợp cũng dậy sớm hì hụi làm vệ sinh chuồng trại rồi mới cắp sách đến trường. Tan học, bạn lại tất tả chạy về rút rơm cho bò ăn rồi ra ruộng lo việc đồng áng (Hợp còn làm khoảng 2.000m2 ruộng 3 vụ/năm) hoặc đi cắt cỏ. Công việc cuối cùng trong ngày của bạn là cho bò ăn, uống nước rồi mắc mùng, xông muỗi. Sau đó là thời gian dành cho sách vở.

 

Cả ngày bận bịu với đàn bò nhưng lúc nào Hợp cũng lạc quan, vui vẻ, đúng “chất” của một người nông dân. “Nhiều khi căng thẳng quá, mình bèn... đi cho bò ăn, công việc này giúp mình xả stress được phần nào!”. Không chỉ giúp Hợp an tâm lo chuyện tương lai, bò cũng mang đến thu nhập hằng tuần cho bạn. “Mỗi tuần mình bán phân bò được vài chục ngàn, đủ xài”, Hợp thật thà cho biết.
 
“Nông dân teen” tuổi 17 - 2

Cả ngày bận bịu với đàn bò nhưng lúc nào Hợp cũng lạc quan, vui vẻ...

 

Không chỉ nuôi bò, làm ruộng...

 

Với Hợp, nuôi bò, làm ruộng chính là cách để bạn chuẩn bị chu đáo cho việc thực hiện ước mơ trở thành giáo viên thể dục của mình. Cao 1m7, anh chàng đang là thành viên bộ môn chạy cự li dài và trung bình của đội tuyển điền kinh học sinh huyện Ba Tri. “Thực ra, hồi trước, mình cũng được đề nghị tham gia đội tuyển năng khiếu xe đạp của tỉnh nhưng đã từ chối”, anh chàng kể.

 

Theo giải thích của Hợp, bạn không thích môn xe đạp cho lắm, nhưng quan trọng hơn, anh chàng muốn học hành đến nơi đến chốn, trở thành sinh viên đại học trước khi nghĩ đến chuyện gì khác. Chính vì là vận động viên năng khiếu nên Hợp cũng thường xa nhà để tập luyện và thi đấu. “Những lúc như vậy, dù đã gửi bò cho bác nuôi nhưng mình cũng bồn chồn, lo lắng và nhớ chúng lắm. Về tới nhà là chạy ra chuồng thăm chúng ngay hà!”, Hợp vừa nói vừa... khoe mười cái răng. Cũng phải thôi, khi gắn bò với ruộng đồng, ai mà không có cùng tâm trạng như vậy. Và tình cảm đó đang giúp ước mơ của những “nông dân teen” xứ dừa như Hợp lớn dần...

 

Theo Thanh Truyền

Mực Tím