Ở những nơi thiếu vắng tổ chức Đoàn - Bài 1:

Nỗi buồn khó tỏ của những công nhân tuổi thanh xuân

Đang tuổi thanh xuân, nhưng cuộc sống của công nhân tại không ít khu công nghiệp thường rơi vào cảnh tẻ nhạt, nhàm chán. Hết giờ làm, ngày cũng như đêm, họ lăn ra ngủ. Cuộc sống của họ cứ lặng lẽ trôi trong một tập thể không có tổ chức Đoàn thanh niên.

Ồn ào và vắng vẻ

 

Hai giờ chiều, giữa cái nắng oi nồng hiếm hoi cuối thu, các dãy nhà KTX công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nằm ở thôn Tây Bầu, xã Kim Chung (Hà Nội) người vào ra hối hả.

 

Họ là công nhân giao ca, người tan ca sáng, người vội kịp ca chiều. Nhưng, chỉ mươi phút sau, những tòa nhà cao tầng đã nuốt trọn từng tốp công nhân, không gian im vắng lạ thường.

 

Nhìn qua, không ai biết đây là KTX của công nhân mà nghĩ đó là khu chung cư dành cho các hộ gia đình công chức hạng trung ở Hà Nội. Phía dưới tầng 1, các điểm bán hàng dịch vụ, quán cà phê mở dày đặc nhưng vắng vẻ.

 

Chúng tôi hỏi thăm lên khu KTX nữ, chị lao công đang quét dọn dưới sảnh, nói: "Trừ chủ nhật, còn lại các ngày trong tuần khách không được lên phòng trọ công nhân, mà có lên thì cũng không gặp ai, vì cứ đi làm về là họ lăn ra ngủ đến chiều tối. Không ai ra ngoài đâu”.

 
B.T.Huyền (trái) tốt nghiệp ĐH đi làm công nhân lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

B.T.Huyền (trái) tốt nghiệp ĐH đi làm công nhân lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

 

Gặp Bùi Thị Mạnh sinh năm 1990, quê huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, là công nhân đang trên đường đi làm về. Với vẻ mặt mệt mỏi, Mạnh cho biết đã xa nhà đi làm công nhân hơn một năm mà vẫn chưa quen được nhịp sống tẻ nhạt này. Ngoài những giờ trên nhà máy, công nhân lủi thủi về nhà trọ, ít khi Mạnh được xem một bộ phim hoặc đọc một cuốn truyện.

 

Khi được hỏi, nhà máy và khu ký túc có các hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên không? Mạnh nhanh nhảu: "Không có đâu chị ơi”.

 

Gần đó, những khu xóm trọ trong các ngõ ngách của xã Kim Chung, nơi chủ yếu cho công nhân thuê cũng im ắng như thế. Đã 4 giờ chiều mà tịnh không thấy một bóng người.

 

Từng dãy nhà trọ san sát, im lìm như không có người ở. Ngó qua khung cửa sắt, một xóm trọ có phòng khép hờ, chúng tôi vào gọi cửa. Phòng của chị em Bùi Thanh Huyền ở huyện Tam Nông (Phú Thọ).

 

Chị làm ca ba, em vừa tan ca một nên hai chị em đang ríu rít kể chuyện. Căn phòng khoảng 6m2, lợp tôn treo chằng chịt quần áo. Huyền tốt nghiệp khoa kế toán, ĐH Công nghiệp Hà Nội nhưng sau nhiều lần lận đận đi xin việc không được đã nộp đơn vào làm công nhân với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

 

Không báo, không đài, không mạng internet, cuộc sống sôi động thời sinh viên của Huyền trước đó được thay bằng vòng luẩn quẩn ăn, ngủ và đến nhà máy. Huyền cho biết, xóm trọ có 12 phòng, mọi người cũng không chơi với nhau mấy vì trái ca hoặc chủ yếu thời gian tranh thủ ngủ bù sau giờ làm kiệt sức.

 

Huyền cũng có người yêu, nhưng ở Tuyên Quang. Những lần gom góp lương để đi xe đò về thăm nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 

Hỏi Huyền có buồn không khi cuộc sống tù túng sau 4 bức tường ẩm thấp, Huyền nói: “Cũng buồn nhưng, ra đường ở đây sợ lắm, mình từng bị bọn nó sàm sỡ. Dạo trước, khi nghe tin, nữ công nhân tan ca 2 lúc 10 giờ đêm đi qua gầm cầu bị các nhóm thanh niên chặn đường sàm sỡ, có người còn bị hiếp".

 

Huyền cho hay, biết ở khu vực này có nhiều nữ, thanh niên lạ mặt lượn lờ bằng xe máy hoặc đứng tụ thành từng nhóm chực chờ chị em đi qua chặn đường sàm sỡ rồi rú ga bỏ chạy.

 
Bên cạnh nỗi lo tài chính, sợ ế chồng cũng là vấn đề đối với những nữ công nhân khu công nghiệp.

Bên cạnh nỗi lo tài chính, "sợ ế chồng" cũng là vấn đề đối với những nữ công nhân khu công nghiệp.
 

Sợ ế chồng

 

Phòng trọ của công nhân Trần Thị Hải ở huyện Phúc Bình (Thái Nguyên) và Lê Thị Lan (Thanh Hóa) thuê với giá 600.000 đồng. Căn phòng có vẻ ấm cúng hơn bởi bức tường được dán chi chít những công thức toán và những câu thơ được viết rất nắn nót.

 

Hải kể, bố mẹ đều làm nông, học hết cấp 3, suy nghĩ đầu tiên là xuống Hà Nội xin đi làm công nhân để thoát khỏi cảnh ruộng đồng. Khi hỏi đùa, xinh như thế chắc nhiều người yêu lắm nhỉ? Hải cười giòn tan: "Lấy đâu ra chị. Đàn ông ở đây hiếm lắm. Mấy công ty trong khu công nghiệp Thăng Long chủ yếu sử dụng lao động nữ. Chắc bọn em ế mất. Ở quê, bằng tuổi em các bạn đã dập dìu lấy chồng con gần hết".

 

Ở xóm công nhân nhiều nữ, thiếu nam, không ít cô gái phải chịu cảnh thiệt thòi về chuyện yêu đương. Nguyễn Thị Huyền, xóm Tây Bầu kể rằng, có chị tên Lương, người Nam Định, năm 19 tuổi thì lục đục rời quê lên Hà Nội đi làm công nhân, tích cóp tiền gửi về cho mẹ nuôi em.

 

Khi 25 tuổi, chị được người công nhân xóm cạnh tỏ tình, anh chị chuyển về sống cạnh nhau. Gọi là sống cạnh phòng nhưng chị phục vụ anh ăn uống, giặt giũ.

 

Rồi anh vui bạn, nợ nần quán xá, chị bán xém cái dây chuyền tích cóp làm của riêng bấy lâu cho anh trả nợ. Năm 29 tuổi, chị giục cưới, anh bảo từ từ. Năm chị 30 tuổi, cả nhà chị giục cưới, anh hứa như đinh đóng cột là tháng 2 sang năm.

 

Ra tết, anh cưới thật, nhưng về cưới người con gái khác ở quê. Ngày cưới anh, người bà con ở quê gọi điện báo, chị sấp ngửa tìm về quê anh, mới tin là sự thật. Đau khổ, chị lại lục đục khăn gói rời Hà Nội về quê, mang theo hy vọng sẽ kiếm được tấm chồng. Nhưng tuổi chị ở quê, đa phần người ta con đã lớn. Chị chịu cảnh quá lứa, lỡ thì.

 

Những trường hợp mà chúng tôi tiếp xúc nói trên chỉ là vài trong hàng vạn thanh niên, là công nhân đang làm việc cho các công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp ở các thành phố.

 

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội, số doanh nghiệp có tổ chức Đoàn có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 

Cụ thể, với gần 1.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tổng số đoàn viên lên con số 8.500 và hơn 11.000 hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp nhưng, đến nay mới có chỉ có 27 doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập tổ chức Đoàn.

 

Những buổi sinh hoạt Đoàn hiếm hoi của công nhân chính là những buổi văn nghệ, bán quần áo giá rẻ được Thành Đoàn Hà Nội tổ chức năm một vài lần. Với họ, đó thực sự là ngày hội.

 

Tại TPHCM, hiện có 1.324 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với số lượng công nhân hơn 350 nghìn người, phần lớn là thanh niên, nhưng đến nay, tổ chức Đoàn chỉ mới được thành lập tại hơn 230 doanh nghiệp với gần 5.000 đoàn viên.

 

Theo Quỳnh Lam - Nguyễn Hà

Tiền Phong