Nỗi buồn chân dài làm PG

“Ghê rợn là cảm giác của em khi phải cười làm hàng để liên tiếp chụp ảnh với những gã đàn ông đang tìm cách choàng tay qua eo mình ở triển lãm”, một PG đã qua tuổi nghề hồi tưởng.


Nỗi buồn chân dài làm PG  - 1

Không được ngồi suốt nhiều
giờ liền là đặc thù của nghề PG.
 
Đối với hàng chục nghìn cô gái đang sinh sống tại những thành phố lớn ở Việt Nam, trở thành PG là một trong những nghề part-time lý tưởng. Thu nhập cao, dễ tìm kiếm được những mối quan hệ, không bị bó hẹp về thời gian, luôn được thay đổi môi trường làm việc, luôn xuất hiện trước đám đông một cách lộng lẫy, xinh đẹp… những yếu tố đó đủ khiến ngày một nhiều nữ sinh vừa đủ 18 tuổi lao vào nghề. Nhưng sự hào quang đó còn ẩn đằng sau khá nhiều câu chuyện…

 

Bị “miệt thị” vì son phấn

 

“Miệt thị” thực chất chỉ là cách dùng lịch sự hơn của từ “chửi”. Hàng ngày, những “cô gái tiếp thị sản phẩm” phải gặp gỡ không biết bao nhiêu lớp người khác nhau, và không phải ai cũng thực sự hiểu những gì họ đang làm.

 

“Mình lên Sài Gòn ở trọ, sáng đi học, chiều nào nhận được điện thoại là lập tức chải đầu, bới tóc, trang điểm… Tối về trong tình trang bơ phờ, mệt rũ rượi. Riết rồi mình bắt đầu nghe thấy những tiếng xì xào ở các phòng kế bên, họ không còn đối xử với mình như một cô bạn sinh viên nữa. Họ bắt đầu nhìn mình theo cái cách họ nhìn các cô gái gọi”, Minh Thư, sinh viên năm thứ 2 đại học Sài Gòn, kể lại những năm tháng mới vào nghề.

 

Tình cảnh của Thư chẳng phải chuyện hiếm trong giới PG, do yêu cầu của công việc, đâu có lúc nào họ được phép để cho mặt mình “không son phấn”. Hơn nữa, đổi lại với những nhọc nhằn của nghề, họ kiếm được khá nhiều tiền, và họ được thoải mái mua sắm trang phục, điện thoại, thậm chí cả xe máy… Khi những cô sinh viên bỗng “lột xác” nhanh chóng như vậy, việc họ bị đàm tiếu là điều có thể hiểu được.

 

Nếu Minh Thư bị “miệt thị” vì luôn tô son, đánh phấn, thì Ánh, cô bạn đã chuyển từ nghề PG sang quản lý của công ty Người mẫu Việt, lại bị dè bỉu vì điều ngược lại trong những ngày mới “vào đời”: “Đợt đó em đi ứng tuyển cho một đợt giới thiệu sản phẩm của hãng X, khi ấy thì em khá tự tin vào ngoại hình cũng như khả năng trả lời phỏng vấn của mình nên đi học về là qua chỗ tuyển luôn mà không trang điểm, thay đồ, chỉ mặc áo thun, quần bò…

 

Người tuyển dụng, một phụ nữ ngoài 30, nhìn em từ đầu đến chân với ánh mắt khinh khỉnh rồi bĩu môi hỏi: Cô có biết chương trình trả cho người mẫu bao nhiêu tiền một show không? Cô có cảm thấy mình xứng đáng với khoản tiền ấy không? Cảm giác của em lúc đó thật sự thất vọng và xấu hổ trước bao nhiêu bạn PG khác”. Rõ ràng, người tuyển dụng có quyền chọn ai, bỏ ai làm người mẫu cho chương trình, nhưng không phải tất cả họ đều có cách hành xử lịch sự, đặc biệt là khi có đến hàng trăm cô gái cùng xếp hàng để mong nhận được công việc chỉ cần vài cô.

 

“Ngày em mới đến với nghề này, em cũng từng đến những nơi casting (tuyển chọn PG cho một chương trình) mà ở đó, người ta dễ liên tưởng đến cảnh hàng chục cô gái ngồi la liệt để chú rể Hàn Quốc chọn vợ vậy, người ta soi từng chi tiết một với những ánh mắt, thái độ dò xét”, Ánh nói tiếp.

 

Bị “chửi” vì cách xưng hô

 

“Nguyên tắc vàng của nghề PG là luôn luôn cười dù có mệt mỏi hay khó chịu đến đâu và đặc biệt là với những người đàn ông từ già đến trẻ đều phải gọi là anh”, một cô PG từng nói với người viết. Đúng là trong nhiều trường hợp, đàn ông thích những cô gái xinh đẹp gọi mình với danh xưng trẻ trung như thế. Nhưng không phải tất cả…

 

Thủy là một PG rất năng động, dù vẫn còn là sinh viên, song gần như chẳng ngày nào điện thoại của Thủy không nhận được những cuộc gọi nhờ đến triển lãm, meeting của các công ty cung cấp người mẫu tiếp thị. Bạn bè đánh giá Thủy là người khéo ăn, khéo nói và giỏi kiếm tiền. Thủy cũng tự tin về điều này. Một lần, trong dịp đi quảng bá cho sản phẩm kem đánh răng C., đại diện của công ty ngồi cùng xe ôtô với Thủy ra quầy triển lãm, cả hai nói chuyện khá rôm rả và Thủy gọi người đàn ông đó, khoảng 50 tuổi, bằng “anh” mà không thấy có trở ngại nào.

 

Ra đến nơi, khi diễn thuyết trước công chúng, cô nàng tiếp tục nhờ “anh” lên trả lời mẫu các câu hỏi, ai ngờ người đàn ông đó nổi cáu: “Con ranh con, tao bằng tuổi bố mày mà mày cứ một điều anh, hai điều anh với tao à”. Sững sờ và chỉ chực khóc, cô PG không còn nói được lời nào nữa và đành rút lui ra phía sau để bạn khác lên thay. Về sau, Thủy mới biết sở dĩ người đàn ông kia thay đổi như vậy vì trong đám đông đứng đó, có cả con gái ông ta, cũng trạc tuổi Thủy.

 

“Thông thường thì khi giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là ở các triển lãm, bọn mình đều xưng anh - em với người xem và họ cũng vui vẻ chấp nhận điều ấy, dù họ chỉ là học sinh hay đã cứng tuổi. Thậm chí nhiều người còn sửa lại khi thấy các PG gọi mình bằng chú, xưng con. Cách xưng hô thân thiện giúp PG mở ra nhiều cơ hội làm việc về sau hơn”, Minh Thư chia sẻ.

 

“Nhưng có một lần mình suýt bị cắt hợp đồng vì chuyện đó. Hôm ấy sau khi nhận lời đi triển lãm, từ nơi ứng tuyển đi ra, mình gặp một người đàn ông ngoài 40, ông này hỏi: Phỏng vấn xong rồi hả?, mình trả lời: vâng, có chi không anh?, ông đó nói: Không có gì, em về nhé. Vài tiếng sau, quản lý gọi mình và nhắc nhở: Lần sau với người lớn tuổi thì em nhớ kêu bằng chú nhé, ông quản lý đó đòi thay em vì không biết phân biệt đó".
 
Nỗi buồn chân dài làm PG  - 2

Ở các hội chợ, triển lãm, hình ảnh các chân dài PG xuất hiện thường xuyên

 

Bị “dè bỉu” chốn đông người

 

Các chương trình làm việc của PG thường kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Những hợp đồng béo bở mà các cô gọi là “kèo thơm” thường là diễn ra ở các triển lãm đồ công nghệ, điện tử, ô tô, hoặc các bữa tiệc lớn với mức thù lao từ 500.000 đến vài triệu đồng một ca (6 tiếng). Nhưng “kèo thơm” chỉ dành cho những cô gái thực sự có ngoại hình đẹp, nụ cười duyên, ứng xử khéo hoặc là… “ghẹ ruột” của quản lý. Còn rất nhiều những hợp đồng “cùi bắp” khác với giá rẻ từ 150.000 đến 200.000 đồng mỗi ngày đang chờ những cô PG ở siêu thị, chợ, chung cư...

 

Mang quầy lưu động, ô che, hàng mẫu và áp phích cho hãng bột gặt T. đến khu vực chợ Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình) để quảng cáo và phát khuyến mại, Ánh trải nghiệm lần đầu “đứng quầy” giữa cái nắng của Sài Gòn, xa xả gào vào micro về công dụng của sản phẩm suốt nhiều giờ liền… Trải nghiệm đó chấm dứt nhờ… một chậu nước hắt thẳng vào người của tiểu thương trong chợ. “Người ta bán hàng mà bọn bây gào ông ổng, nhức cả đầu, lại còn che hết cả lối đi vào quầy”, người hắt nước mặt hằm hè.

 

“Trong tất cả những sản phẩm quảng cáo ngoài đường, sản phẩm đem lại nhiều ‘tiếng chửi’ nhất cho bọn em là băng vệ sinh. Sản phẩm này mang tính nhạy cảm, dù được làm công tác tư tưởng khá kỹ khi training, nhưng nhiều cô PG vẫn lâm vào tình trạng khóc dở, mếu dở”, Thy, đồng nghiệp của Ánh, cũng chia sẻ. “Giữa chốn đông người, mà bọn em toàn những cô gái bận váy ngắn, trên tay giơ băng vệ sinh L. ra khoe, rồi bóc dán, đổ nước, nhấn nhấn, xoa xoa… Không bị trêu mới lạ. Ít thì bị các chú xe ôm vào ‘xin một cái chơi’, hay ‘xem cái nước màu xanh đó là cái gì’, còn thường xuyên hơn là những câu chửi của các bà các cô: ‘Đồ mất nết, những thứ dơ dáy đó mà cũng đem ra khoe’”.

 

Theo Tâm Anh

Zing