Những ý tưởng xuất sắc từ cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên kinh tế
(Dân trí) - Với nhiệt huyết, bản lĩnh của các đội thi, các dự án sáng tạo đã mang đến những màu sắc mới trong việc khởi tạo và tổ chức các sân chơi trí tuệ dành cho sinh viên trong khối ngành kinh tế.
Vòng chung kết cuộc thi Thách thức kinh doanh mùa 5 (Business Challenges season 5) do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp Viện Friedrich Naumann Việt Nam tổ chức qua hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Khởi động từ tháng 10/2020, Business Challenges mùa 5 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên trên toàn quốc, trải dài từ Bắc đến Nam.
Với sứ mệnh nâng tầm tri thức, khơi dậy đam mê, thúc đẩy sự tiến bộ, rèn luyện bản lĩnh của mỗi cá nhân và tập thể tham gia nhằm góp phần hình thành thế hệ doanh nhân kế tiếp có đủ tầm và tài trong thời đại công nghệ số, cuộc thi Business Challenges đã thu hút 736 thí sinh thuộc 156 đội đăng ký tham gia dự thi.
Các đội thi đến từ 24 trường đại học trên địa bàn TP.Hà Nội có sinh viên tham gia, trong đó các trường có đông sinh viên dự thi như: trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH FPT, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông… Đặc biệt, cuộc thi còn thu hút sinh viên thuộc 6 trường đại học ngoài Hà Nội như ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, ĐH Hoa Sen, ĐH Hùng Vương...
Trải qua các vòng sơ loại và bán kết, 12 đội thi xuất sắc thuộc 2 nhánh thi với những ý tưởng sáng tạo, mang tính khả thi cao đã tiếp tục thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ cũng như sự chuẩn bị công phu từ khâu xây dựng ý tưởng, lập dự án, quản trị rủi ro và triển khai.
Nhánh 1 - Khởi nghiệp và Start up gồm các đội: Mix and Match, Salework, ADGAME, TEA TEA, Sli, TITANA. Nhánh 2 - Giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp gồm các đội: Queens of BC, Bang Bang Mafia, RBG, CHIEF, DYLE, 3AC.
Điểm nổi bật của các đề tài tham dự cuộc thi mùa này chính là tính thực tiễn cao và đã được triển khai trong thực tế khởi nghiệp của sinh viên, trong đó đã có những dự án mang lại những khoản doanh thu đầu tiên. Các giải pháp kinh doanh của cuộc thi được thực hiện trên các nền tảng công nghệ mới và đa dạng ở nhiều lĩnh vực như kinh doanh giáo dục, nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản trị nhân lực, quản trị marketing... Tính sáng tạo và nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường của các sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá rất cao.
Dự án của nhóm Salework cung cấp giải pháp quản lý dành cho doanh nghiệp, các hộ kinh doanh online nhằm thích ứng với sự thay đổi lên tục về thuật toán của các sàn thương mại điện tử, tự động hóa các quy trình với chatbot chăm sóc khách hàng tự động, tự động tạo chiến dịch quảng cáo, sản phẩm ưu tiên, chi phí sử dụng tối ưu.
Trước xu thế công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về tổ chức sự kiện từ cá nhân đến các doanh nghiệp ngày càng lớn nên việc kết nối được nhu cầu tìm kiếm các nghệ sĩ cho các chiến dịch, sự kiện của doanh nghiệp và tìm kiếm sân khấu cho các nghệ sĩ tài năng nhưng chưa được phát huy hết năng lực của mình là sự cần thiết.
Thấu hiểu điều đó, đội thi TITANA cho ra đời nền tảng tiên phong kết nối các nghệ sĩ bán chuyên từ đa dạng lĩnh vực: MC, Vũ đạo, Ca hát, Model,... với các cá nhân, đơn vị cần tổ chức sự kiện. Đây là nền tảng dành cho các nghệ sĩ bán chuyên, giúp nghệ sĩ tìm kiếm hợp đồng hợp tác trên thị trường giải trí. Nền tảng booking nhân sự nghệ thuật của TITANA đã gọi vốn thành công của công ty tổ chức sự kiện, hợp tác với một số nhãn hàng, thu hút 50 nghệ sĩ tham gia cộng đồng.
Với mục đích tạo ra nơi gặp gỡ giữa ý tưởng và những nhà sáng tạo nội dung, đội thi Yellowbee mang đến cuộc thi năm nay nền tảng kết nối giữa content creator và doanh nghiệp nhằm tối ưu chi phí và hiệu suất lao động. Với những tính năng, giải pháp dành cho cả content creator và doanh nghiệp, nền tảng này được mong đợi sẽ cung cấp giải pháp sáng tạo và toàn diện, nhất là trong thời điểm nhiều doanh nghiệp đang thực hiện làm việc online do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, dự án Smart Green - Giáo dục thông minh xanh của đội thi Greedu (thuộc Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) đã được hiện thực hóa bằng sản phẩm Bộ trò chơi Thủ lĩnh môi trường và các bộ tài liệu và chương trình ngoại khóa liên quan đến môi trường, được nhiều trường học đón nhận và sử dụng.
Đội Tea-tea gây ấn tượng với các sản phẩm túi thơm được sản xuất từ bã chè phục vụ cho đa dạng nhu cầu và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, giá thành sản phẩm rẻ hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường, do đó tính cạnh tranh rất cao. Sản phẩm của đội thi đã được thương mại hóa và mang lại doanh thu nhất định.
Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đơn vị đăng cai tổ chức Business Challenges, với triết lý giáo dục đào tạo theo hướng quốc tế hóa, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mong muốn phát triển cuộc thi Business Challenges trở thành sân chơi bổ ích, ngang tầm quốc gia và quốc tế cho sinh viên khối ngành kinh tế.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Khởi nghiệp là chủ trương lớn của Chính phủ trong thời gian vừa qua. Việc Trường Đại học Kinh tế tổ chức cuộc thi Business Challenges đã góp phần thực hiện sứ mệnh quan trọng của ĐHQGHN trong việc kết hợp giữa giảng dạy và thực tiễn trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trở thành nơi ươm mầm và vun trồng tinh thần khởi nghiệp của các thế hệ sinh viên. Tôi tin rằng các em sinh viên sau khi tham gia cuộc thi, với sự hướng dẫn của các thầy cô, các doanh nhân, sẽ trở thành những nhà khởi nghiệp thành công trong tương lai".
Ông Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia FNF Việt Nam - nhà đồng tổ chức cuộc thi cho biết: "Cuộc thi Business Challenges được tổ chức hàng năm đã mang đến cho các bạn sinh viên khối ngành kinh tế có thể phát triển các ý tưởng kinh doanh sáng tạo mở ra các cơ hội để phát triển sự nghiệp cho tương lai".