Những vị “quan xã” tuổi đôi mươi

Ngày 28/2, những trí thức trẻ (TTT) đầu tiên trong dự án 600 TTT làm phó Chủ tịch xã nghèo sẽ chính thức lên vùng cao đảm nhận trọng trách mới với hành trang là sức trẻ và kiến thức.

Bóng hồng trên rẻo cao

 

Vừa tốt nghiệp ĐH Nông Lâm (Thái Nguyên), nữ sinh Vi Thị Xuân Hồng, SN 1989 xung phong lên vùng rừng núi Cao Bằng để được thử thách trong vai trò phó Chủ tịch xã.

 

“Ban đầu mình lo lắm. Ngày lên lớp học, đi thực tế, tối lọ mọ tìm tài liệu đọc, nhiều đêm mất ngủ. Sau hơn một tháng đi thực tế tiếp xúc với bà con, được các thế hệ đi trước tận tình chỉ bảo, mình đã hoàn toàn tự tin”, Xuân Hồng tâm sự.

 

Hồng được bầu làm phó chủ tịch UBND xã Sĩ Hai (Hà Quảng), một trong những xã khó nhất của tỉnh Cao Bằng. Xã có 9 thôn, đa số dân tộc Nùng, giao thông khó khăn, nhiều thôn chỉ có thể đi bộ vào.

 
Những vị “quan xã” tuổi đôi mươi - 1
Tri thức trẻ trao đổi kỹ năng làm quan xã. 
 

Ngấp nghé tuổi 30, nhưng Bế Thị Liên vẫn chưa màng đến chuyện chồng con. Liên đang háo hức chờ ngày chính thức đảm nhận ghế phó chủ tịch xã Phúc Lộc (Ba Bể, Bắc Kạn). Liên tâm sự, mấy hôm nay bố mẹ sụt sùi thương con gái xông pha nơi nghèo khó biết bao giờ mới yên bề gia thất.

 

“Mình chỉ lo không cống hiến được nhiều cho bà con, còn mọi chuyện khác không bận tâm lắm. Nếu có duyên mình sẽ gắn bó với vùng đất này luôn”, Liên bộc bạch. Xã chưa kịp bố trí chỗ ở nên mấy hôm nay Liên tự lùng sục tìm được một phòng nhỏ, điện có nhưng nước thường xuyên mất.

 

Xã Phúc Lộc có nhiều đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông...Đã thạo tiếng Tày, Liên đang lên kế hoạch học tiếng Mông và Dao để tiện giao tiếp với bà con. Liên đặt mục tiêu phải vận động được bà con dân tộc Mông từ bỏ tập tục du canh du cư.
 

Kiến thức, sức trẻ

 

Đang trong thời gian xả hơi sau 3 tháng học lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, nhưng chàng kỹ sư lâm nghiệp Hoàng Thăng Quân, SN 1983 vẫn thường xuyên đến xã Thượng Giáo (Ba Bể, Bắc Kạn), nơi mình sẽ đến làm “quan xã” để làm quen, học hỏi.

 

Từng có 2 năm tham gia dự án giảm nghèo, tiếp xúc nhiều với bà con dân tộc thiểu số nhưng khi bắt tay vào nhiệm vụ mới Quân vẫn còn nhiều băn khoăn. Những kỹ năng đơn giản hằng ngày như đi đứng, nói năng, chào hỏi…với bà con cũng phải học.

 

Điều khiến Quân trăn trở nhất là thói quen làm việc theo tính phong trào của bà con. “Xã có nhiều dự án hỗ trợ như mô hình trồng rau sạch, trồng đỗ tương, gieo sạ, nhưng sau khi hết dự án, bà còn lại trở về lối sản xuất xưa cũ, không vận dụng vào sản xuất dài lâu”, Quân chia sẻ. Phó Chủ tịch xã đặt mục tiêu, sẽ vận động bà con sản xuất theo hướng bền vững để đạt được hiệu quả kinh tế cao, giúp xóa đói giảm nghèo.

 
Những vị “quan xã” tuổi đôi mươi - 2
Các tri thức trẻ Cao Bằng trong buổi học kiến thức quản lý nhà nước. 
 

Đang là Bí thư Đoàn, giảng viên của một trường CĐ ở Đồng Nai với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, Nguyễn Đức Hùng, SN 1984 (Hồng Dụ, Ninh Giang, Hải Dương) rẽ ngang khăn gói lên Bắc Kạn dấn thân vào xã nghèo trong sự ngỡ ngàng của người thân, đồng nghiệp. Hùng cho biết, dù đã sẵn sàng đón nhận khó khăn, thách thức, nhưng khi bước vào thực tế cũng không khỏi bỡ ngỡ.

 

Trong 3 tháng học kiến thức quản lý nhà nước, Hùng được bố trí về thực tập tại xã Địa Linh (huyện Địa Linh, Bắc Kạn). Tân phó Chủ tịch xã vừa tìm thuê được một căn phòng nhỏ không có nhà vệ sinh.

 

Đường vào thôn bản chủ yếu đang làm nên khi trời mưa lầy lội, chỉ có thể đi ủng, xe máy chào thua. Có những nơi như thôn Cốc Pái ở trên độ cao chót vót, muốn lên xe máy phải cài số 1 để leo dốc. Do chưa quen với cái rét khắc nghiệt của vùng cao, tay chân Hùng bị nứt toác, tứa máu.

 

“Đến giờ những vết nứt đó vẫn để lại sẹo, nhưng là một trong những trải nghiệm giúp em trưởng thành và gắn bó với bà con dân tộc hơn”, Hùng tâm sự. Thiếu thốn đủ bề nhưng bù lại, người dân xã Địa Linh rất quý mến vị cán bộ dưới xuôi lên. Hùng chủ động phóng xe máy đi về các thôn bản để trực tiếp nói chuyện và tìm hiểu cuộc sống bà con.

 

Hùng đã đến trực tiếp tìm hiểu, nói chuyện với 5/9 thôn bản của xã Địa Linh. Ấp ủ nhiều hoài bão, khát khao của tuổi trẻ để mong đổi thay vùng đất khó nhưng với Hùng việc đầu tiên khi về làm phó chủ tịch xã Địa Linh là phổ biến kiến thức công nghệ thông tin, Internet trong toàn xã. “Hầu hết người dân không biết Internet là gì, thậm chí cả cán bộ trong xã cũng chưa biết tận dụng sức mạnh của Internet”, Hùng tâm sự.

 

Hồi đầu mới về xã Địa Linh thực tế, có bác nông dân đến nhờ Hùng tư vấn công thức làm phân bón từ vỏ trấu kiểu Nhật. Hùng lọ mọ lên mạng và tìm được đoạn video dạy hướng dẫn cách làm.

 

Ngoài ra, Hùng đang xây dựng dự án trồng cây dong riềng, một trong những loại cây được huyện ưu tiên phát triển xóa đói giảm nghèo. Hùng cũng đang hướng đến việc kết nối, kêu gọi sự hỗ trợ từ các dự án xã hội của các tổ chức phi lợi nhuận, hay các nhóm, tổ chức từ thiện để bà con được hưởng lợi.

 

Hầu hết các TTT đều được lãnh đạo xã đánh giá cao về ý thức học hỏi, tinh thần làm việc. Đến nay, TTT của 11 tỉnh trong cả nước đã hoàn thành xong lớp đào tạo kiến thức quản lý nhà nước.

 

Trong đó, 8 tỉnh đã tiến hành bầu chức danh, phân bổ nhiệm vụ cho các phó Chủ tịch xã tương lai. Theo kế hoạch, ngày 28/2 tới, những đội viên đầu tiên của dự án sẽ chính thức lên đường nhận nhiệm vụ tại Cao Bằng.

 

T.Ư Đoàn sẽ xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, website, bản tin TTT đồng hành cùng xã khó để 600 TTT trên cả nước có thể liên lạc, nắm bắt thông tin, cùng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng của một Phó chủ tịch xã nghèo.

 

Theo kế hoạch, dịp 26/3 tới, T.Ư Đoàn sẽ mời 600 TTT trên cả nước về Hà Nội gặp gỡ lãnh đạo Đảng, nhà nước để cùng trao đổi tâm tư, nguyện vọng; tổ chức diễn đàn để sẻ chia cảm xúc những ngày đầu nhận nhiệm vụ.

 

Theo Lưu Trinh

Tiền phong