Những tuổi hai mươi...

Giữa những tuổi hai mươi lần lượt nhau là một thế hệ, là những biến chuyển không ngừng của lịch sử. Những bạn trẻ tuổi hai mươi hôm nay có vẻ khác xa với bố mẹ ngày xưa, nhưng trong lòng họ, những trăn trở vẫn còn liền mạch với những chặng hai mươi năm trước...

1. Lúc còn bé, tôi hay bị mắng: “Thế này thì lớn lên làm sao mà đi bộ đội được!”. Nào tôi đã biết đi bộ đội là sao, chỉ hiểu đại khái là bộ đội thì khổ.

Khi đó hòa bình đã hơn chục năm nhưng có vẻ như câu chuyện chiến tranh còn hiện diện trong đời sống thường nhật: mẹ tôi làm công nhân may xí nghiệp quốc phòng, chị em tôi làm hàng gia công cho xí nghiệp, trong nhà toàn vải xanh chéo cỏ úa, tôi bé nhất cũng được giao nhiệm vụ mỗi ngày đạp máy khâu chạy đủ 500 dây dải rút quần đùi bộ đội.

Bát ăn cơm lẫn cái bằng sắt tây tráng men của quân nhu, cái cặp lồng cũng sơn xanh, cái tấm vải dù, cái mũ cối của bố… có gì tự nhiên như là hít thở khí trời vậy. Những ngày hội diễn lại nghe suốt những bài như “năm xưa anh phá núi em mở đường... năm nay cũng những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống…”. Bên hồ Trúc Bạch tôi nhớ còn trận địa pháo phòng không giữa vườn chuối, mà khi bắt đầu học vẽ tôi đã tập vẽ cảnh ấy.

2. Mở đầu cuốn sách Căn nhà trên phố mơ của Dana Sachs, một hồi ký của một phụ nữ Mỹ ở Việt Nam in lần đầu năm 2000, là dòng chữ: “Đây là một câu chuyện về Việt Nam, nhưng không phải về chiến tranh ở đó. Một câu chuyện về Việt Nam gần đây hơn nhiều… Một câu chuyện về một cuộc tình dành cho một miền đất, một cuộc tình tôi không hề dự đoán trước”. Sự thay đổi trong những gì Dana đã thu nhận được từ một Việt Nam hôm nay có lẽ cũng là tiêu biểu cho hình ảnh Việt Nam đang cố gắng chuyển gam màu từ xanh cỏ úa sang những phổ màu phong phú hơn.

Trên trang tìm kiếm Google có đến 13,6 triệu kết quả của từ khóa “Vietnam War” (chiến tranh Việt Nam) so với 151 triệu kết quả của từ “Vietnam”. Như vậy là cứ 11 từ Việt Nam lại có một từ về chiến tranh Việt Nam. Trên kho dữ liệu ảnh lớn nhất thế giới Corbis, những hình ảnh chiến tranh Việt Nam, bom đạn, chết chóc của một thời quá khứ đặt cạnh những bức ảnh đẹp mê hồn về Hạ Long.

Những tấm ảnh Hà Nội thời chiến mọi người mặc áo bông, đào bới đống đổ nát bên hầm hố cá nhân, với những tấm ảnh Hà Nội thời mới mở cửa, những cô gái mặc áo cánh dơi đỏ chót, tóc cặp nơ kiểu Vi Thị Đông, quần thụng đi dép rọ đạp Mifa trước cửa những kiến trúc Pháp rêu phong. Không thể nói hết những cảm xúc ngổn ngang trước những khác nhau quá đỗi ấy. Việt Nam là một hình ảnh nào, nhiều khi chính mình phải chờ đến khi gặp lại những điều đọng lại trong tâm trí người ngoài, mới giật mình ngạc nhiên, ừ nhỉ, đã có Việt Nam như thế!

3. Hai mươi tuổi, ông tôi đã có hai bà vợ và một đàn con đông đúc. Hai mươi tuổi, bố tôi đã thoát ly đi chiến khu làm anh “Vệ quốc quân một lần ra đi”. Hai mươi tuổi, mẹ tôi đã vừa đổ bêtông trên công trường Cao Bằng, vừa khóc nhớ nhà sưng cả mắt. Hai mươi tuổi, chị tôi đã đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức, viết thư kêu ở đây buồn lắm mẹ ơi, chỗ nào cũng chỉ thấy rừng là rừng. Đấy là tuổi hai mươi của những thế hệ nhà tôi mà tôi được nghe kể lại.

Trong khoảng trống giữa những tuổi hai mươi lần lượt đó là chiến tranh. Có người anh họ đã hi sinh năm 17 tuổi. Có ông chú họ thương binh tai điếc. Tuổi hai mươi của người Việt suốt mấy chục năm có lẽ chưa bao giờ là tuổi sung sướng, và họ cũng chẳng cho phép mình được sung sướng.

Bước vào đời chưa đến tuổi hai mươi nhưng họ đã được đặt trong những hoàn cảnh không có lựa chọn nào khác, và tự họ cũng xác định rõ ngay từ đầu: có thể là khát vọng canh tân đất nước, có thể là nhiệm vụ giải phóng dân tộc, có thể là cầm súng bảo vệ lý tưởng, có thể là gắng sức tìm cơ hội đổi đời báo đáp cha mẹ. Những tuổi hai mươi dường như không có mấy phút được bình yên.

4. Có vẻ như nói về chiến tranh đã quá nhiều, nhưng mà hình như vẫn khó hiểu lắm. Làm sao mà hiểu cho được khi thấy thanh niên các nước rầm rập đến các di tích chiến tranh ở Việt Nam, mỗi cô cậu chất một lưng balô như quân giải phóng năm xưa, tay cầm Lonely Planet, miệng bình luận vanh vách về Việt Nam năm 1968. Còn người hai mươi tuổi ở đây tưởng chiến tranh quen thuộc quá, ấy thế mà nhìn thấy tấm ảnh bố mẹ ngày xưa đội mũ sắt đứng cạnh chiến hào: “Ơ, thế bố mẹ cũng…”. Và ông bố cựu chiến binh lại cau mày : “Thế này thì làm sao mà đi bộ đội được!”.

Theo Nguyễn Trương Quý
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm