Những “thần đồng” của làng công nghệ thế giới

(Dân trí) - Chưa vượt quá 20, thậm chí đa phần ở lứa tuổi 14 - 15, họ đã được mệnh danh “thần đồng” bởi khả năng thiên bẩm - cùng những sản phẩm có giá trị lớn trong lĩnh vực công nghệ.

Nick D’aloisio (19 tuổi) bán ứng dụng cho Yahoo! với giá 30 triệu USD

 
Những “thần đồng” của làng công nghệ thế giới
 

Từ 12 tuổi, Nick tiếp xúc với công nghệ và viết nhiều ứng dụng: SongStumblr – sử dụng Bluetooth tìm hiểu người xung quanh đang nghe gì, Facemood – theo dõi tình trạng Facebook bạn bè và cho ra kết quả về tâm trạng, cảm xúc của họ.

 

Sau đó, Nick nảy ra ý tưởng viết phần mềm giúp tóm tắt văn bản thay người đọc tên là Summly. Đây là một ý tưởng đột phá, hỗ trợ các thao tác nghiên cứu đơn thuần, giúp ích cho kinh doanh, nhất là với công việc đòi hỏi phải tham khảo nhiều tài liệu như luật hay tài chính.

 

Đầu năm 2013, Summly đã được mua lại với kỳ vọng đây sẽ là bước ngoặt giúp tổng hợp lại hệ thống nội dung của Yahoo! hiện tại trên thiết bị di động. Nick trở thành triệu phú tự lập trẻ nhất thế giới, đồng thời được tạp chí TIME vinh danh trong Top 100 thanh niên có ảnh hưởng nhất thế giới.

 

Ben Pasternak – Thiên tài ứng dụng 15 tuổi

 
Những “thần đồng” của làng công nghệ thế giới
 

Ben Pasternak sinh ra tại Sydney (Úc) đã tạo ra ứng dụng Impossible Rush (trò chơi cũng lấy bối cảnh và cốt truyện giống như game Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông), ra mắt từ cuối tháng 10/2014. Đây là ứng dụng thu hút tới hơn 500.000 lượt tải trên App Store, có thời điểm vượt qua các ứng dụng đình đám như Vine, Twitter và Google Search.

 

Chính vì vậy, chàng trai này đã trở thành “mục tiêu tranh giành” của Facebook và Google. Mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã tặng một chương trình thực tập sinh cho cậu tại trụ sở của hãng ở Thung lũng Silicon. Trong khi đó,  Goolge lại nhờ đến các vị phó chủ tịch cấp cao mời Ben đến thăm trụ sở của mình.

 

Bên cạnh đó, Pasternak cũng là 1 trong 450 doanh nhân trẻ tuổi được Google và MIT mời tham dự sự kiện Hack Generation Y – các học sinh trung học sẽ tìm cách tạo ra các sản phẩm phần mềm trong vòng 36 ngày.

 

Pasternak đã chia sẻ về động lực khi tạo ra các ứng dụng, chính là giúp cuộc sống của người dùng đơn giản, dễ dàng hơn. Hiện tại, chàng trai đang phát triển một ứng dụng có tên One, giúp lọc tất cả các profile trên mạng xã hội để tìm ra người cần tìm.

 

Jordan Casey – Thần đồng công nghệ thành giám đốc tuổi 15

 
Những “thần đồng” của làng công nghệ thế giới
 

Jordan Casey (SN 1999), đến từ Ireland được mệnh danh là thần đồng công nghệ. Jordan đã bắt đầu làm quen, ham mê công nghệ, trò chơi từ năm 9 tuổi. Chỉ sau một thời gian ngắn mày mò, Jordan đã tự thiết kế được ứng dụng mới. Ở tuổi 12, cậu bé tài năng đã sáng tạo ứng dụng trò chơi phổ biến trên các cửa hàng ITunes của Apple.

 

Năm 2012, trò chơi Alien Ball của Jordan đứng đầu các bảng xếp hạng ứng dụng của Apple. Nhìn nhận tài năng của cậu, Apple đã mời đến làm việc, mong muốn cùng hợp tác để cho ra đời nhiều ứng dụng trò chơi mới, nhất là việc phát triển phần tiếp theo cho Alien Ball.

 

Một năm sau, Jordan lại tiếp tục gây ấn tượng khi tạo ra phần mềm khá phức tạp TeachWare, giúp các giáo viên dễ dàng quản lý thông tin của học sinh. Phần mềm đó đang được khá nhiều trường học tại châu Âu, châu Phi và châu Á ưa chuộng sử dụng. Với sáng tạo này, Jordan giành được một giải thưởng tại triển lãm dành cho nhà khoa học trẻ.

 

Mới đây, Jordan đã mở công ty trò chơi của riêng mình, mang tên Casey Games. Hiện tại, cậu đang sống cùng cha mẹ tại Waterford (Ireland), luôn sắp xếp thời gian phù hợp để cân bằng việc học tập, sáng tạo, kinh doanh.

 

Marco Kalasan – kỹ sư nhí tại Microsoft

 
Những “thần đồng” của làng công nghệ thế giới
 

Marco Kalasan sinh năm 2000, đến từ Macedonia, sớm nổi danh trên toàn thế giới bởi khả năng thiên bẩm của mình về công nghệ. Lên 8 tuổi, cậu bé trở thành quản trị viên hệ thống trẻ nhất của Microsoft. Một năm sau, Marco đã được làm kỹ sư hệ thống.

 

Sự phát triển của Marco sớm được kể lại như một truyền kỳ, khi 2 tuổi cậu đã đọc viết thông thạo, sử dụng máy tính. Mới 15 tuổi, Marco đã có 4 bằng chứng nhận tin học của tập đoàn Microsoft, đồng thời là tác giả của cuốn sách về Windows 7.

 

Grant Goodman được Google và Apple “mời chào”

 
Những “thần đồng” của làng công nghệ thế giới
 

Grant Goodman, mới 15 tuổi (đang học tại cấp 3 ở Glen Head, New York (Mỹ) đã viết 2 ứng dụng trên thiết bị di động (miễn phí) của Apple: Prodigu (xem video tốc độ cao) và “iTap That” (trò chơi điện tử). Đây là hai ứng dụng được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

 

Grant sớm được hai “gã khổng lồ” Google và Apple ngỏ ý chiêu mộ, với vai trò lập trình viên, có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Bên cạnh đó, Grant cũng được nhận học bổng hơn 1.600 USD.

 

Ahmed Fathi và những phần mềm có giá trị hàng triệu USD

 
Những “thần đồng” của làng công nghệ thế giới
 

Sinh năm 1999, Ahmed bắt đầu hứng thú, tự học hỏi cách tạo ứng dụng cho điện thoại di động từ các clip trên Youtube và Stack Overflow – website chuyên trả lời câu hỏi cho lập trình viên cách đây hơn 2 năm.

 

Dù biết đến lĩnh vực này chưa lâu nhưng cậu bé đã có nhiều ứng dụng mang giá trị lớn, tới hàng triệu USD. Mới đây, Ahmed cho ra mắt Tweader - ứng dụng giúp đọc to các thông tin trên mạng cho người điều khiển xe đạp trong App Store.

 

Ahmed được nhiều chuyên gia đánh giá có khả năng sáng tạo thiên bẩm. Cậu từng tham gia nhiều hội nghị về công nghệ. Nhận lời mời của Apple, Ahmed hiện tại đang làm việc ở công ty này với vai trò lập trình viên. Tuổi còn nhỏ, nhưng cậu thậm chí còn được mời làm việc tại ĐH Stanford ở San Francisco (Mỹ).

 

Hoài Thư