Những tay môi giới sinh viên

Hiện nay, nhiều sinh viên theo học tại Hà Nội đang lao theo nghề môi giới, trong đó phần lớn là sinh viên ngoại tỉnh. Tuy nhiên, để có được thu nhập, họ phải đánh đổi, thậm chí trả giá rất nhiều.

Môi giới không chuyên

 

Sinh viên theo nghề môi giới phải có óc kinh doanh, tài thuyết phục, sự kiên nhẫn và cả chút... máu liều. Nhiều SV ĐH Giao thông vận tải Hà Nội không còn lạ gì khi Đoàn Hòa kể về những ngày đổ mồ hôi, lặn lội hàng trăm cây số để cầm được trên tay 700.000 đồng, khoản tiền đầu tiên mà cậu kiếm được khi làm môi giới.

 

Nhà Hòa ở thị xã Sơn Tây (Hà Tây), gần khá nhiều trường học, trong đó có tới 4 trường cấp II và 3 trường cấp III. Trong lần về thăm nhà, tìm mỏi mắt mới thấy một quán Internet, Hòa nhanh chóng nảy sinh ý tưởng cho người quen mở quán, còn cậu sẽ đảm nhiệm chân môi giới mua máy tính.

 

Khi tìm được đối tác, cậu nhanh chóng quay trở lại Hà Nội bắt đầu những ngày lùng tìm nguồn hàng, điểm đến là những cửa hàng máy tính cũ trên các phố Lê Thanh Nghị, Lý Nam Đế, Thái Hà... rồi đến cả những hiệu cầm đồ máy tính trên đường Láng.

 

Sau khi khảo sát thị trường máy tính là chuyển sang việc mối lái, ký kết hợp đồng. Thương vụ đầu đời, Hòa được 700.000 đồng từ hoa hồng do hai bên mua - bán chi trả. Công việc khiến cậu SV năm thứ 4 này đi về như con thoi giữa Hà Nội - Sơn Tây tìm mối làm ăn, mối mua máy tính cũ mở internet. Dần dà địa bàn hoạt động không còn bó hẹp quanh thị xã Sơn Tây, Hòa mở rộng ra những huyện lân cận như: Thạch Thất, Ba Vì, Ba Trại, Phú Xuyên...

 

Từ khi “đổ sức” cho nghề, có tháng Hòa ký được 3-4 hợp đồng, tiền kiếm được cũng đã không còn dừng lại ở con số tiền trăm. Giờ đây trong mắt bạn bè, cậu là người năng động hoạt bát, có đầu óc kinh doanh, dám đương đầu với thách thức và dám chịu thất bại.

Khác với Hòa, địa bàn hoạt động của Loan, SV năm cuối khoa Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), lại là các sạp vải lớn ở chợ: Hôm, Đồng Xuân, Hàng Da, Ngã Tư Sở.

 

Sinh ra tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), Loan nhận thấy ngày cũng như đêm, từng đoàn ô tô, xe máy chất đầy vải tấp nập ra vào làng quê đã mang lại những mối lợi không nhỏ.

 

Ý thức được điều này, nên mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội nhập học, cô tân SV đã vội tiếp thị mở rộng thêm nhiều mối làm ăn cho gia đình, cũng như cho chính mình và cả bạn bè. Khoản tiền hoa hồng kiếm được từ những vụ môi giới giúp cho Loan có được cuộc sống SV dễ chịu hơn, cô không còn phải trông chờ vào sự "chi viện" của gia đình.

 

Phía sau lợi nhuận

 

Nói tới Hoàng “Muỗm” hẳn giới SV sống trọ tại khu vực Phùng Khoang không ai lạ gì cái tên này, cậu SV K48 (ĐH Bách khoa Hà Nội) được biết đến nhờ khả năng môi giới đạt tới trình độ “cao thủ”. Bốn năm sống đời SV nhưng đã có tới ba năm rưỡi cậu làm môi giới điện thoại di động.

 

Sinh ra và lớn lên tại cửa khẩu Móng Cái, lâu nay vẫn là điểm nóng về tình trạng buôn lậu, trong đó mặt hàng điện thoại di động luôn chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Về Hà Nội học, Hoàng để ý thấy phần lớn điện thoại được mọi người sử dụng đều là hàng nhái của Trung Quốc, Đài Loan và cũng thật nhanh để Hoàng trở thành một tay môi giới bán điện thoại di động “có hạng” cho các cửa hàng điện thoại nhiều nhan nhản khắp Hà Nội.

 

Và cũng không biết tự khi nào, giảng đường không còn đủ sức lôi cuốn Hoàng bằng những chuyến đi dài ngày để tạo mối làm ăn. Tiền môi giới có được từ những thương vụ làm ăn lập tức biến Hoàng trở thành một SV sành điệu. Thay cho việc ngày ngày cắp sách lên lớp, giờ đây “điểm đến” của cậu là những shop thời trang cao cấp hay những nhà hàng sang trọng để bàn chuyện làm ăn.

 

Tuy nhiên, để có được thu nhập, lợi nhuận những SV theo nghề môi giới đều phải đánh đổi ít nhiều. Ban đầu do không quen biết nhiều nên họ phải bỏ ra khá nhiều thời gian để đi lại và tạo dựng cho mình những mối quan hệ làm ăn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập.

 

Nhiều SV “gắng gượng” tới lớp để đủ điều kiện dự thi. Có người không ngần ngại phát biểu: “Bằng xếp loại gì không quan trọng, miễn sao cầm được tấm bằng khi ra trường”.

 

Riêng đối với Hoàng, thương vụ đầu tiên, cậu thu về 6 triệu đồng, ngoài sức tưởng tượng của một SV. Lần cuối cùng, Hoàng thu gọn chục triệu đồng. Nói là lần cuối bởi trước dạo bước vào mùa World Cup một tháng, Hoàng chuẩn bị cho một “trận đánh lớn”, vốn liếng có được từ trước đến nay không đủ, vay mượn thêm cho đủ 70 triệu đồng.

 

Hoàng muốn làm nốt chuyến này rồi lui về “ở ẩn” xem World Cup, xong xuôi đâu đấy sẽ tái xuất trở lại. Nào ngờ chuyến hàng bị “bể”, bao nhiêu vốn liếng mất hết. Quay lại giảng đường, cũng chính là lúc Hoàng nhận được quyết định dừng học một năm. Đây có lẽ là bài học quý báu không chỉ dành cho Hoàng.

 

Theo Minh Sang
Thanh Niên