Những sinh viên “tham” học
(Dân trí) - Họ là những sinh viên vừa chăm chỉ học trên giảng đường vừa có lịch học thêm chật cứng vào mối buổi tối. Họ coi việc học là tối thượng, là niềm đam mê duy nhất: học để thành công, học để khám phá ra những chân trời mới.
Vùi đầu vào sự học
Với một sinh viên bình thường, việc học trên lớp 5-6 tiết là một cực hình, một hình thức “tra tấn dã man”. Nhưng với C.T, Tin K49, ĐHBK lại khác. Ngay từ năm thứ nhất, T luôn dành “tình yêu tối thượng” cho việc học. Cho đến giờ năm thứ 3 rồi nhưng tình yêu với việc học vẫn không hề giảm sút.
Trong lúc bàn bè khá nhiều bị “tăng ca” hay chí ít nợ một vài môn thì T liên tục giành học bổng. ĐHBK nổi tiếng là một trường đào thải lượng sinh viên ghê gớm nhất. Mỗi năm có khoảng 500 sinh viên rơi rụng sau mỗi học kì.
Vậy nhưng T không chỉ học hành ngon nghẻ mà còn có số điểm cao ngất trời. Không chỉ đều đều nhận học bổng của trường, T còn được mệnh danh là “dũng sĩ diệt học bổng” khi liên tục giành được học bổng của các tập đoàn nước ngoài. Tổng cộng học bổng T nhận được trong năm vừa qua lên tới 2.200USD.
Mỗi tuần học 3 buổi ở trung tâm tin học, cộng với 3 buổi Tiếng Nhật đã chiếm trọn thời gian trong tuần của T. Chỉ còn sáng thứ 5 và ngày chủ nhật được nghỉ ngơi nhưng chàng cũng không tha. T đang “rắp tâm” đi học thêm tiếng Anh trong sự nể phục của bạn bè.
T cho biết lớp cậu có tới một nửa có lịch học kín đặc như vậy, T cũng không quên nói rằng mình là đứa học “kém nhất” ở lớp. Ai cũng chuẩn bị thật tốt cho ngày ra trường để kiếm một công việc “ngon lành” hoặc sẽ tìm cơ hội đi du học.
Không kém phần long trọng, V.A (ĐH NT) cũng nổi tiếng là người tham công tiếc việc. Sáng học, chiều đi làm thêm cho một công ty nước ngoài, tối đi học tiếng Đức. Công việc ngập đầu nhưng V.A vẫn luôn sắp xếp hai buổi làm thêm không công tại một cán cà phê gần Viện Goeth để nói chuyện với khách người Đức. Công việc của nàng hoàn thành khi kim đồng hồ đã chuyển sang một ngày mới.
Muốn học được hiệu quả trước hết phải có niềm đam mê. Sự đam mê cộng với sự kiên trì đã làm cho Đ.T (khoa Hóa, ĐHKHTN) làm được nhiều việc hơn bạn bè tưởng tượng. Vừa làm thí nghiệm gấp đôi bạn bè, làm nghiên cứu khoa học, tối đi học IELTS. Tối về Đ.T lại cày học đến đêm với mục đích sau khi ra trường sẽ du học bên Úc.
Sự chăm chỉ không phải sinh viên nào cũng có được nhất là đối với sinh viên ngày nay. Những sinh viên tham công tiếc việc là những sinh viên ham hiểu biết. Họ là người đam mê, nhiệt tình và sống có trách nhiệm với tuổi trẻ, với chính cuộc đời của mình. Trong họ luôn mang khát vọng của thanh niên, luôn khát khao được đến những chân trời mới, luôn khát vọng được ra đi và trở về phục vụ cho đất nước.
Chờ ngày hái quả
4 năm đại học của Việt Nam kiến thức sinh viên thu được đa phần là lý thuyết, không có nhiều thực hành. Nếu sinh viên chỉ chăm chăm học trên lớp thôi thì chưa đủ.
T cho rằng “mình còn trẻ, có khả năng sao không sống có mơ ước lớn lao chứ”. Chẳng thế mà sau 3 năm T có trong tay đủ cả chứng chỉ quốc tế về CNTT, vốn Tiếng Nhật kha khá chuẩn bị cho chuyến đông du sắp tới.
Cũng như T, V.A dự định sẽ sang Đức học tập và làm việc. Vì vậy “đầu tư” vốn tiếng Đức là “mục đích tối thượng” của V.A. V.A cũng không quên điểm vào danh sách phải học của mình “món” Tiếng Anh nữa. Việc đi Đức chỉ còn là vấn đề thời gian nữa mà thôi.
Chẳng chịu “thua chị kém em”, Đ.T học nhiều thứ đến nỗi mọi người sợ cậu bị “điên cái đầu”. Với điểm trung bình 8,5 của năm đầu, T đương nhiên lĩnh một suất đi Nga. Nhưng T vẫn đang tiếp tục “dùi mài kinh sử” để mong tìm được một học bổng khác hấp dẫn hơn.
Sinh viên có 4 năm để học nhưng có cả đời để làm việc. Ai cũng có 24 tiếng một ngày nhưng không phải ai cũng biết sử dụng nó một cách hiệu quả. Với những sinh viên “say sự học” họ thực sự biết cách sử dụng thời gian một cách có ý nghĩa. Đó là thời gian của những sinh viên biết ước mơ và dám thực hiện những đam mê, khát vọng của chính mình.
Đỗ Hợp