Những sinh viên “cho thầy nghỉ dạy”

“Hôm nay thầy cho nghỉ học à?” - “Đâu có, tao cho thầy nghỉ dạy đấy chứ!” Đó là mẩu đối thoại tôi nghe được tại một quán cà phê gần trường. “Cho thầy nghỉ dạy” là cách nói đầy “khẩu khí” của nhiều sinh viên khi nói về hiện tượng trốn học của mình.

Đi học bằng đường vòng

 

Ngày nào cũng cắp sách đi học, nhưng ai dám chắc rằng tất cả SV đều đến lớp? Rất nhiều người mang sách vở đi nhưng điểm dừng không phải là trường học. Đó có thể là một quán cà phê, một quán net hay một nơi "hấp dẫn" nào khác. Cũng có thể họ lợi dụng việc đi học để gặp gỡ những người "tri kỷ", cùng nhau đến một nơi nào đó để chơi bời.

 

Xem phim, nhậu nhẹt, chơi bài... nói chung có muôn vàn thứ hấp dẫn SV hơn rất nhiều những bài học hóc búa trên giảng đường. T.Hà - SV khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Huế) không giấu giếm: "Mỗi tuần bọn mình xem hết gần cả chục bộ phim, trở thành khách sộp của mấy cửa hàng cho thuê băng đĩa".

 

Con đường vòng đến lớp của những SV này được vẽ ra với đủ các kiểu. Có thể là họ xuất phát từ nhà đến các tụ điểm vui chơi, sau đó mới vòng đến lớp để "kiểm tra tình hình". Cũng có thể là ưu tiên lên lớp trước để làm "nhiệm vụ cao cả" là điểm danh, sau đó ung dung đến những... chân trời mới!

 

Quen biết Vinh đã lâu nhưng tôi thật sự bị choáng khi nghe cậu ta than thở: "Chán quá đi mất, hôm qua ngồi học 5 tiết, thầy không mở sổ Nam Tào. Hôm nay mới ra ngoài một tý đã bị tóm rồi". Nhiều SV bây giờ có những nỗi niềm thật khó mà thông cảm nổi. Nhiều lúc đi học mà thấy tiếc công sức chỉ vì... thầy không điểm danh (!).

 

Tinh thần “tương thân tương ái”

 

Hiện tượng "chuồn" học trong giới SV thì thầy cô nào mà chẳng biết. "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn", các thầy cô có một vũ khí  để chống nạn "chuồn" học, đó là điểm danh. Nhưng nhiều lúc "móng tay nhọn" cũng gặp không ít khó khăn trước "vỏ quýt" vốn đã dày giờ lại được bao bọc thêm bởi "tinh thần tương ái".

 

Do đặc thù của môi trường đại học nên cô thầy khó có điều kiện "nhớ mặt đặt tên" từng SV. Bộ đã có quy định SV nghỉ quá 20% số tiết sẽ không được thi, thế nhưng nhiều SV nghỉ quá con số đó mà vẫn thoát tội vì đằng sau họ là cả một mạng lưới... điểm danh thay!

 

Phải gọi là mạng lưới vì nó được tổ chức khoa học với "tinh thần đoàn kết" cao. Những người không nghỉ thì điểm danh thay cho người nghỉ ít, người nghỉ ít thì điểm danh thay cho người nghỉ nhiều. Họ tính toán làm sao để cho ai cũng có thể bị đánh vắng nhưng không ai quá 20% số tiết. Tình trạng này khá phổ biến ở những nhóm "cùng hội cùng thuyền".

 

Có người coi "chuồn" học là một nghệ thuật... thưởng thức. Trong khi bạn bè mình đang vật lộn với từng con số, con chữ thì mình lại ngồi khoan khoái bên một ly cà phê nóng hay lang thang ở một quán bi da nào đó. T.V.H giãi bày: "Trước đây mình cũng chăm học lắm nhưng nghỉ nhiều thành quen. Bây giờ mà đi học liên tục một tuần là thấy khang khác thế nào ấy".

 

Dẫu có sự bao bọc nhau của những người "cùng hội cùng thuyền" nhưng những kẻ "chuồn" học không biết sợ vẫn có nguy cơ cao được... miễn thi. Những người may mắn trốn thoát vẫn được thi, nhưng nguy cơ thi lại, học lại...

 

Không đến lớp vì “khó, khô, khổ”

 

Hiện tượng "chuồn" học đa dạng như thế nào thì nguyên nhân của nó cũng phong phú chừng ấy. Một số bạn giải thích việc "chuồn" học của mình là do có nhiều môn học chán quá, không tiếp thu nổi. Lê Nga (SV khoa Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Huế) cho rằng: "Có nhiều môn thà cứ ở nhà làm cái gì đó còn hơn là lên lớp ngồi chờ hết giờ".

 

Một điều đáng lo ngại là hầu hết những môn nằm trong danh sách "bị chán" thuộc về những môn cơ sở. N.V.B (SV ĐH Sư phạm Huế) vừa cười vừa "khoe" thành tích: "Mình học hơn nửa học kỳ rồi mà chẳng biết mặt mũi thầy dạy triết là như thế nào".

 

Thực trạng này cũng có một phần trách nhiệm của một số giáo viên. Khi dạy những môn học được coi là "vừa khó, vừa khô, vừa khổ" như thế này thì cần một phương pháp truyền đạt mềm mại hơn, linh động hơn để SV dễ tiếp thu.

 

Thế nhưng, nhiều thầy cô chỉ chú trọng đến việc đọc cho SV chép những luận điểm, thuyết giảng về những vấn đề vốn khô khan và trừu tượng, trong khi SV lại còn nặng về cách tiếp thu thụ động, một chiều. Do vậy mà giữa người dạy và người học chưa tìm được sự đồng cảm cần thiết.

 

Theo Lê Hương Giang

Thanh Niên