Những người xoay chuyển triết lí “sáu bát cơm”
(Dân trí) - Hiến máu nhân đạo vẫn được xem là nghĩa cử cao đẹp nhưng không ít người cho rằng chỉ là “hô khẩu hiệu”. Vượt qua sự thờ ơ đó, Hội thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo TP Hà Nội vẫn say sưa đi tìm những niềm vui còn ẩn dấu. Trên các diễn đàn, blog vẫn đầy ắp tiếng cười sau mỗi lần “cho đi một túi máu”.
Khi người ta lãnh đạm...
Nhiều hội viên tham gia vận động hiến máu nhân đạo tâm sự rằng, họ không ngờ lại có những người lãnh đạm đến như vậy. Người thì nhăn nhó như đang chịu “cực hình” nếu chẳng may phải ngồi nghe tình nguyện viên hướng dẫn. Người thì đã nghe nhiều lần rồi nhưng vẫn “không thông” nên cứ nhác thấy bóng dáng thanh niên áo đỏ là “trốn biệt”, cố tình bận rộn hoặc sẽ ngồi nghe một cách thờ ơ theo kiểu “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
“Để tạo niềm tin cho mọi người, bọn mình luôn mặc áo đồng phục màu đỏ, có dấu của Viện huyết học truyền máu trung ương, đeo thẻ hội viên và cố gắng thuyết phục nhưng không phải ai cũng muốn nghe mình nói” - Thu, ĐH Y Hà Nội cho biết.
Ngay các bạn hoạt động trong Hội TNTN vận động hiến máu nhân đạo TP Hà Nội nhiều khi cũng không thuyết phục được chính những người trong gia đình mình. Tâm lý “giọt máu bằng sáu bát cơm” khiến các bậc phụ huynh lo lắng cứ hiến máu là ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa kể đến việc lo sợ con mình sẽ bị phân tâm trong việc học hành. Không ít bạn phải giấu bố mẹ để đi.
Liên (ĐH Dược Hà Nội) kể rằng: “Em đã tham gia hiến máu 5 lần nhưng bố mẹ không biết. Nếu biết chắc chắn họ sẽ không đồng ý”. Thậm chí nhiều phụ huynh khuyến khích con mình tham gia các phong trào thanh niên nhưng khi nghe hoạt động hiến máu nhân đạo thì lại nghĩ ra đủ lý do để bắt con đứng ngoài cuộc.
Gần 15 năm hoạt động, Hội TNTN vận động hiến máu nhân đạo TP Hà Nội vẫn “khó khăn nối tiếp khó khăn”. Theo anh Nguyễn Đức Thuận - chủ tịch hội: “Cái khó lớn nhất là sự hiểu biết, sự chia sẻ của các vị lãnh đạo cộng đồng cũng như của chính các thầy cô giáo trong trường ĐH”. Hơn ai hết, họ là những người quyết định trong việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và cả cán bộ công nhân viên của mình tham gia hiến máu.
Quan điểm của các vị là ngại tổ chức hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình. Mỗi năm chỉ tổ chức 1-2 lần “cho có phong trào” mà thôi. Nhiều trường ĐH có hàng nghìn sinh viên, nhiều doanh nghiệp hàng trăm cán bộ nhưng mỗi lần hiến máu chỉ vài chục người tham gia, vì có đông hơn cũng không đủ cơ hội. Vài chục đơn vị máu thu được mỗi đợt không đủ đáp ứng nhu cầu thiếu máu trầm trọng hiện nay.
... và những niềm vui vô hình
Nhóm "tình nguyện viên áo đỏ" tham gia công tác vận động, tuyên truyền hiến máu. |
Trong khi, không ít người lãnh đạm với việc hiến máu cứu người thì đó đây, trên các diễn đàn, blog vẫn xuất hiện những dòng tâm sự đầy ắp niềm vui sau mỗi lần “cho đi một túi máu”.
Manhquan8X - thành viên của Hienmau.net đã ghi lại những cảm xúc của mình sau buổi đầu đi hiến máu: “Chắc mẹ sẽ không đồng ý, mẹ biết mẹ sẽ mắng. Nhưng mình rất vui... Tuổi trẻ mà! sợ gì nhỉ? Mình biết mình làm đúng và mình tin mẹ sẽ hiểu!”.
Không ít người “bật cười” cho rằng những dòng này có vẻ “lãng mạn vớ vỉn” hay nghe “sách vở quá”. Chỉ những ai ít nhất một lần hiến máu mới hiểu được những niềm vui thực sự, không hề xa lạ đó.
Hàng tuần, tại các điểm hiến máu: ĐH Giao thông, ĐH Thủy lợi... các thành viên của Hội vẫn tất bật hướng dẫn những người đi hiến máu tình nguyện. Một số cẩn thận ghi lại họ tên để sau này gửi lại kết quả xét nghiệm máu cho họ, một số khác vui vẻ chỉ đường, trò chuyện với họ để những người tình nguyện này thấy thoải mái trong khi các bác sĩ, y tá lấy máu..
Hiện nay, có khoảng 1.000 sinh viên các trường ĐH tham gia hoạt động hội. Cũng như những sinh viên khác, họ không được sự đãi ngộ nào. Nhưng trong một môi trường năng động, đoàn kết họ sẽ học được khả năng thuyết trình, tự tin khi giao tiếp, kỹ năng quan hệ công chúng... Và những niềm vui nho nhỏ, những hồi ức đẹp đẽ hay cái vẫy tay của ai đó sẽ tạo cho họ những niềm vui “vô hình”.
“Còn gì vui hơn khi ra đường có người gọi tên mình, nhớ đến mình vì đã từng tuyên truyền, vận đông họ tham gia hiến máu”. Tuân (ĐH Thương mại Hà Nội) tâm sự: Có lần “vò đầu bứt tai” mãi mà vẫn không nhận ra cô bé đang vẫy mình là ai. Nhưng khi cô bé nói “anh đã từng vào tuyên truyền hiến máu nhân đạo ở lớp em”, Tuân thực sự ngớ ngàng và “cảm thấy vui lắm”.
Là sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội - trường kỹ thuật có tiếng là “học nặng” nhưng Tân vẫn tìm cách sắp xếp thời gian để học hành không bị “đuối” mà vẫn thực hiện được nguyện vọng của mình. “Có lần, mình nhìn thấy trên tivi hình ảnh một gia đình ở Huế từ cha mẹ, con cái đến con dâu, rể đều tham gia hiến máu. Mình đã nghĩ sau này lớn lên mình sẽ làm điều đó”.
Đối với Thành (ĐH Bách khoa Hà Nội), hình ảnh người em gái cần tiếp máu trong ca phẫu thuật cách đây 5 năm vẫn còn đậm nét. “Nếu như không đủ lượng máu, ca phẫu thuật không thể thành công. Mình tham gia Hội TNTN này là muốn kể cho mọi người câu chuyện đó”.
Quỳnh Hoa