Những người trẻ làm giàu cho phố cổ
Những cậu bé, cô bé có tuổi thơ gắn với sông Hoài và phố Hội, bây giờ trở thành những ông chủ, bà chủ ở độ tuổi 30 nhờ biết khai thác thế mạnh của vùng đất mà mình đang sống. Giá trị sản nghiệp của họ không thể đo đếm bằng tiền.
Quỳnh “Yaly”
Cô thợ may Trương Diễm Quỳnh - nay là bà chủ của Công ty thời trang Yaly (Hội An) - mới 36 tuổi nhưng đã có gần 14 năm trong nghề may mặc thời trang cho khách du lịch.
Từ một shop vải và may mặc có diện tích chưa đầy 50m2 trong một góc của chợ Hội An vào năm 1993, đến nay Yaly đã là một thương hiệu lớn trong làng may mặc tại Hội An, với hai cơ sở vừa sản xuất vừa bán hàng tổng diện tích gần 1.000m2 tại trung tâm khu phố cổ. Mỗi ngày Yaly xuất xưởng hơn 100 sản phẩm thời trang các loại, giao cho du khách nước ngoài đến tham quan Hội An.
Yaly có rất nhiều khách hàng ruột, phần lớn là khách Úc và Pháp. Nhiều người trong số họ hằng năm đều quay trở lại Hội An và đặt may trang phục tại Yaly. Theo Quỳnh, tiêu chí đầu tiên của Yaly là “rẻ, đẹp và chất lượng”, “lấy ít lãi để kéo được nhiều khách”.
Quỳnh thường xuyên cập nhật các trang web thời trang thế giới để sưu tầm các mẫu trang phục mới nhất và tự thiết kế theo những mẫu mới để chào hàng. Nhiều hướng dẫn viên du lịch cho hay rất nhiều đoàn khách ở các nước Pháp, Mỹ, Úc... khi đến Hội An đều đòi đưa đến may áo quần ở Yaly.
Năm 2006, Yaly sẽ mở rộng cơ sở may mặc tại 47 Nguyễn Thái Học thông sang 72 Bạch Đằng lên hơn 1.000m2 với vốn đầu tư gần 3 tỉ đồng. Yaly cũng đang đầu tư hơn 5 tỉ đồng nâng cấp cơ sở dệt vải rộng 3.400m2của phường Sơn Phong và thu nhận 200 công nhân may để hình thành một trung tâm may mặc và kinh doanh thời trang xuất khẩu.
Quỳnh nói tự tin: “Trong năm nay sẽ có hai sản phẩm thời trang mang thương hiệu Yaly xuất khẩu với số lượng lớn”.
Sơn “Mỹ Sơn”
Sơn “Mỹ Sơn” giới thiệu tour với khách. |
Với nhiều hãng lữ hành trong và ngoài nước thường xuyên đưa khách đến Hội An, cái tên Sơn “Mỹ Sơn” đã quá quen thuộc. Đó là biệt danh của Nguyễn Hoàng Sơn (29 tuổi), giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Sơn Mỹ Sơn. Vì Sơn chỉ chuyên thiết kế và đưa khách đi tham quan khu di tích Mỹ Sơn từ cả chục năm rồi nên mọi người cứ gọi thế cho tiện, riết rồi thành thương hiệu.
Năm 1993, khi còn là học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quý Cáp, ngoài giờ học Sơn thường dùng chiếc xe Honda 79 của gia đình đưa khách Tây đi tham quan Mỹ Sơn.
Những hiểu biết về lịch sử của những ngọn tháp Chăm, các triều đại vua Champa của Sơn được tích lũy dần qua những chuyến đi ấy. Năm 1995, Sơn là người đầu tiên ở Hội An dám vay vốn mua một chiếc ôtô 16 chỗ ngồi làm dịch vụ vận chuyển khách du lịch. Ăn nên làm ra, từ chiếc xe máy cọc cạch ban đầu, bây giờ Sơn đã có một đội xe vận chuyển khách du lịch gồm năm chiếc và bốn văn phòng điều hành du lịch tại Hội An.
Ngoài các tour đưa khách đi hằng ngày cả sáng lẫn chiều đã có từ nhiều năm qua, từ tháng 2-2005 Sơn thiết kế tour “Mỹ Sơn sớm” từ 5 giờ sáng đến 10 giờ với giá chỉ 60.000 đồng/người.
Theo lịch trình, đúng 5 giờ sáng xe sẽ đến các khách sạn đón khách và đưa lên Mỹ Sơn để du khách được ngắm cảnh mặt trời mọc trong thung lũng cổ tháp. Phải mất gần ba tháng chịu lỗ để duy trì, đến nay tour “Mỹ Sơn sớm” ngày nào cũng chật khách. “Sang năm 2006 này, tôi sẽ đầu tư vốn mua thêm hai xe du lịch loại 16 và 45 chỗ ngồi để đưa khách đi tour sớm”, Sơn cho biết.
Từ một thị xã lặng lẽ, đìu hiu, một “thành phố dưỡng già”, Hội An đã trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Cùng với sự chuyển mình của phố cổ, một lớp doanh nhân trẻ ra đời mà sự năng động của họ đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của Hội An.
Theo Kim Em
Tuổi Trẻ