Những người trẻ “chán sống”

(Dân trí) - Buồn vì cuộc sống bế tắc, thất bại trong công việc, tình yêu, hoang mang tâm lý... đó là tâm trạng chung của những người trẻ “không thích sống” kể lại trong nước mắt khi vừa tuột khỏi bàn tay tử thần, nay đang nằm điều trị tại bệnh viện.

Chuyện trên giường hồi sức

 

Trên giường, cô bé L gầy xọp, mặt mũi xanh ngắt như tàu lá đang được bác sĩ chăm sóc. L được người bạn gái đưa vào bệnh viện từ đêm hôm trước trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, nhiều giờ đấu tranh với tử thần em đã được các bác sỹ ở Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cứu sống. Trong gang tấc giữa sự sống và cái chết khiến cho cô bé học trò trường Q.T (Hà Nội) 17 tuổi này nhận ra giá trị quý giá của sự sống và ân hận về việc quyên sinh của mình.

 

Nỗi buồn dồn nén trong tâm hồn ngây thơ của cô nữ sinh lớp 11 được bộc bạch: “Nhiều ngày qua, em luôn trong tình trạng chán chường, không thiết bất cứ điều gì hết. Em chỉ muốn chết quách đi cho xong. Mọi người trong gia đình, ai nấy đều kỳ vọng vào việc học tập của em, áp lực từ việc học luôn khiến em mệt mỏi nhưng cha mẹ chẳng ai hiểu em cả. Ai cũng đều cho rằng em là trẻ con, ngay cả...”. Chưa dứt lời, L đã hu hu khóc như một đứa trẻ lên ba oan ức vì bị chia phần quà ít hơn vậy.

 

Hỏi thì em cho biết, bạn trai “không thèm” quan tâm đến mình nữa mà quay sang thích người bạn gái khác cùng lớp. Chuyện cứ thế lớn dần lên và muốn nổ tung trong đầu cô bé. Buồn, em đã đến hiệu thuốc mua thuốc ngủ uống, chỉ mong sao được ngủ một giấc thật sâu, thật lâu, thật dài để quên đi mọi chuyện trên đời và không phải suy nghĩ đến những chuyện buồn đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại. Người bán hàng cũng không hỏi han, tư vấn gì cho đứa trẻ mua thuốc ngủ và hậu quả là em phải cấp cứu tại bệnh viện.

 

Giường bên, N đang phải truyền nước từ đêm qua. Em nhập viện trong tình trạng hôn mê vì uống quá nhiều các loại thuốc Tây. Sau khi được các bác sĩ cứu sống, không nói gì mà lặng lẽ để mặc cho những giọt nước mắt lăn dài trên má.

 

Theo lời kể lại của em thì thời gian qua biết bao chuyện buồn cứ ngự trị trong đầu em, N cảm thấy áp lực cuộc sống quá lớn. Đã thế, người yêu lại không chia sẻ được gì nên uất ức và chạy trốn bằng cách vào tủ thuốc gia đình uống tất cả số thuốc có trong tủ.

 

Không nơi chia sẻ, tự tìm “lối thoát”…

 

Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân có những hoàn cảnh éo le, họ tìm đến cái chết để giải thoát. Đặc biệt là các em học sinh, sinh viên bị sức ép quá nặng nề từ việc học tập và tình yêu trắc trở dẫn đến buồn chán tìm đến cái chết”.

 

Nhiều cô bé học sinh, sinh viên nhẹ dạ cả tin để cho tên họ Sở dỗ ngon, dỗ ngọt mà hồi kết cho câu chuyện ly kỳ đầy lãng mạn ấy là những giọt nước mắt ân hận và lối thoát chính là việc tìm đến với thuốc độc.

 

Kinh doanh và lợi nhuận nên cha mẹ ít có thời gian tâm sự trò chuyện cùng con cái. Họ quen việc cho con tiền rồi dặn dò dăm câu qua quýt mà quên mất rằng con mình đã bắt đầu lớn và đang ở tuổi dậy thì. Có nhiều chuyện mà con gái rất cần tâm sự, hỏi ý kiến về những điều mà con trẻ đang tò mò. Khi các em không tìm thấy sự chia sẻ, đồng cảm ở những người thân, các em sẽ cho rằng không ai hiểu mình và lâm vào những cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng quyết liệt.

 

Danh sách bệnh nhân của Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai có những cái tên như Lê Thị H, Trịnh Thị H, Trịnh Ngọc D, N... tuổi mười sáu, đôi mươi đầy sức sống.

 

Ngoài hành lang, người nhà của L đang làm thủ tục để em ra viện, ngày mai em trở lại trường học tiếp lớp 12 và chuẩn bị cho kỳ thi đại học năm tới. Có lẽ đây sẽ là bài học đắt giá đầu đời cho những cô gái trẻ như cô bé này.  

Huy Thủy