Những người “ghi âm” sách

(Dân trí) - Từ tháng 7 đến nay, đều đặn các ngày trong tuần, phòng thu của trường Nguyễn Đình Chiểu lại lặng im nghe giọng đọc “ghi âm” sách dành cho các em khiếm thị của những sinh viên tình nguyện. Sinh viên từ khắp các trường ĐH ở Hà Nội lúc nào hồ hởi với công việc mới mẻ này.

Được “đọc sách” bằng âm thanh, các bạn khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu thường thấy dễ hiểu, dễ nhớ bài học hơn. Việc “ghi âm sách” đã được nhà trường làm từ năm 2000, các thầy cô giáo nhận một số sách môn chính để thu băng. Nhưng ngày càng có nhiều sách tham khảo rất cần các bạn sinh viên giúp đỡ để ghi âm. Cùng một quyển sách, nếu bằng chữ nổi sẽ dài gấp 4 lần chữ thường và làm trên chất liệu giấy đắt.

Các bạn sinh viên tình nguyện đến trường Nguyễn Đình Chiểu “ghi âm sách” rất nhiệt tình. Có những người ở ngoại thành, sáng nào cũng bắt xe buýt từ 7giờ đến trường. Mùa hè nắng chang chang, nhiều bạn đạp xe, rát hết cả người. Những ngày đầu đông, gió rét lùa buốt tai, các bạn cũng không nản.

Lê Nga (ĐH Bách Khoa) cho biết: “Mình đã rủ gần hai mươi bạn học ở các trường Bách Khoa, Ngoại Ngữ, Kinh Tế, Xây Dựng, Ngoại Thương… lập thành một nhóm rồi liên hệ với thầy, cô đưa sách cho chúng mình ghi âm. Nhóm nhận những cuốn sách tham khảo môn Văn, sách dạy xoa bóp bấm huyệt. Các bạn khiếm thị có thể học nghề này để tự lập”.

Các bạn sinh viên có thể ghi âm ở trường hoặc tại nhà. Cứ hai tuần các bạn họp nhóm một lần để báo cáo và thúc đẩy nhau làm việc. Cứ một nhóm ba người chịu trách nhiệm một quyển sách, một tuần sáu buổi thì có sáu quyển được đọc. Khi sách được ghi âm xong, thầy giáo sẽ nghe lại, nếu cần sửa, người đọc phần nào sẽ sửa phần đấy trước khi in ra đĩa, chủ yếu đọc sách tham khảo như Ngữ văn lớp 9, Tiếng Anh cơ bản, Tiếng Anh cấp tốc, Nghệ thuật xoa bóp, Những vần thơ chữ nổi… Còn những tác phẩm văn học, chỉ cần tìm file ghi âm có sẵn trên mạng để tải về cho các bạn khiếm thị cùng nghe.

Lê Nga còn tiết lộ kinh nghiệm: “Mình hướng dẫn kỹ thuật để các bạn tự sửa. Người nào đọc không tốt lắm thì họ sẽ đọc ít hơn. Và để tiết kiệm thời gian đi lại, một người thu âm vào máy tính của trường, người ngồi cạnh sẽ nghe lại file đó bằng tai nghe và sửa luôn trong máy tính cá nhân”.

Có nhiều khi mất điện, các bạn đọc được mấy trang sách rồi mà quên “save”, thế là công cốc. Khi biên tập, phải tập trung cao độ nghe lại file và kè kè quyển sách dày để đối chiếu, nên khá căng thẳng.

Đặc biệt, các sách xoa bóp thường có nhiều bảng biểu, mũi tên, nhìn thì hiểu chứ khó diễn đạt bằng lời. Sách có rất nhiều huyệt đạo “kì cục”. Có hôm, phải đọc lại ba lần, vì cứ đến chỗ các huyệt là lại ngồi sững một lúc rồi không nhịn được cười. Sách xoa bóp thường cũ, chữ rất mờ, có bạn đã đoán luôn huyệt “khắc tì khởi” thành “chắc tàu thuỷ”. Nhưng cũng cuốn sách đọc xong chỉ trong bốn tiếng đồng hồ buổi sáng.

Minh Thu (ĐH Ngoại Thương) tâm sự: “Bất kỳ bạn sinh viên nào cũng có thể đến trường Nguyễn Đình Chiểu để ghi âm sách. Đôi lúc công việc có thể làm bạn cảm thấy mệt, vì bạn cần phải đọc và thậm chí là đọc rất nhiều đấy.

Niềm vui lớn nhất với các bạn sinh viên tình nguyện ở đây nhìn nét mặt rạng rỡ của các em khiếm thị khi được đến lấy sách, truyện. Các em ríu rít, yêu quý các anh chị sinh viên lắm, cứ liên tục cảm ơn thôi”.

Cô Nguyệt Hằng - phụ trách thư viện trường Nguyễn Đình Chiểu và quản lý việc làm sách tiếng cho biết: “Việc ghi âm sách tham khảo, truyện rất có ích, giúp các em khiếm thị tiếp cận với nhiều tri thức. Các em sinh viên thu sách tiếng ở đây đều có giọng đọc rất khá, lại nhiệt tình và có trách nhiệm”.

Hoàng Kim