Những người bạn thân trong đời
(Dân trí) - Là những người bạn cùng tôi sinh ra, lớn lên trong suốt năm tháng tuổi thơ mà có thể chỉ là bạn thời sinh viên, … cùng tôi trải qua những vui buồn, thăng trầm của cuộc sống, những kỉ niệm ngọt ngào đó sẽ theo tôi đến hết cuộc đời này…
Buổi chiều gió nhẹ, dạo bộ chơi một mình, lòng bỗng thấy bình yên lạ. Trong đầu miên man những suy nghĩ về cuộc sống, công việc, chợt bắt gặp 2 em bé khoảng chừng 3 - 4 tuổi đang vừa khóc vừa giành đồ chơi của nhau.
Tự dưng đứng ngây người ra, tuổi thơ tươi đẹp hiện về, nhớ đến những trò chơi dân gian, nhớ người bạn thân, …. Tất cả vẫn nguyên vẹn trong trái tim bé nhỏ của tôi.
Khi xưa ta bé…
Sin bằng tuổi tôi, chỉ khác Sin là cậu bé ít nói. Còn tôi là cô bé rất lắm lời, hay nói hay cười, có lẽ vì vậy mà chúng tôi bù trừ cho nhau. Xét về mối quan hệ thì chúng tôi là anh em họ hàng, vì Sin là con chú ruột của tôi. Nhưng vì bằng tuổi lại cùng học, cùng chơi, nên chị em tôi coi nhau như bạn bè, nói chính xác là bạn thân, rất … rất thân.
Hồi đó thật nghèo, chúng tôi thậm chí không có nổi một món đồ chơi nào. Đến nỗi, những thứ chúng tôi có thể dùng để chơi hơi mất vệ sinh, chỉ được cái là không phải kiếm ở đâu xa thôi.
Chúng tôi hay chơi trò bán hàng, lá ổi, lá mít, lá chanh, … rất nhiều loại lá dùng thay cho tiền, cũng có đủ các mệnh giá, tờ mệnh giá cao nhất là lá mít, còn những lá nhỏ hơn thì mệnh giá thấp hơn, tuỳ theo người bán và người mua quy định. Đấy là tiền.
Còn hàng hoá thì phong phú và đa dạng về chủng loại, toàn những thứ đồ bỏ đi, chúng tôi nhặt nhạnh trong gia đình, mang ra để trao đổi, giống như ở ngoài chợ thật vậy. Trong xóm rất nhiều bạn cùng lứa, có cả các anh chị hơn 1, hoặc 2 tuổi, và có cả các em nhỏ tuổi hơn nữa. Nhưng hai đứa chơi thân nhất, thỉnh thoảng rủ thêm mấy đứa cùng tuổi, chơi càng đông càng vui mà.
Chúng tôi nghĩ ra đủ trò, kể cả trang điểm. Sơn móng tay, móng chân thì lấy quả mồng tơi chín, màu tím ấy, cho vào cốc hoặc chén, bát, dằm nát ra, bỏ hạt. Rồi lấy nước màu tím bôi vào móng tay, thậm chí là cà móng chân nữa.
Làm như vậy, nếu giữ cẩn thận thì cũng được 2 đến 3 ngày. Nếu muốn được lâu hơn, màu đậm hơn thì lại dùng ruột bút bi màu đỏ mà thầy cô dùng để chấm bài cho HS, cắt đứt đôi ruột bút, rồi dùng miệng thổi phù phù để mực trong ruột chảy ra, bôi vào móng tay, lấy lông gà, lông vịt, hoặc bút lông quét đều, thế là xong. Với cách này có thể để được cả tuần, thì màu mới bị nhạt dần rồi mất hẳn.
Chúng tôi còn thích chơi cơm canh nữa. Chúng tôi kiếm những cành cây khô, hoặc những mẩu gỗ nhỏ dùng làm củi. Nồi niêu xoong chảo thì thay bằng bát (là bát đã bị sứt mẻ mà gia đình bỏ đi rồi ý), hoặc những hộp bằng nhôm, i-nox như hộp đựng sơn, sữa, … Cơm là đất sét, có thể lẫn với ít cát, rồi hoà với nước. Rau, canh được nấu từ các loại lá cây, cỏ dại.
Chúng tôi làm y như bố mẹ vẫn nấu ở nhà, chỉ khác, nấu ở đó thì không ăn được mà thôi. Sau khi rửa rau, thái rau rùi vo gạo xong, bắt đầu nhóm bếp bằng cách kê 2 hòn đá nhỡ hoặc 2 viên gạch chỉ, kê mấy khúc củi, mồi lửa vào giấy, đốt cháy rùi đặt nồi cơm lên. Cơm sôi rùi cạn nước. Đậy vung, khều than trong bếp ra thành một vòng tròn nhỏ đủ vừa với nồi, đặt nồi lên đó để giữ nhiệt. Sau đó xào rau, nấu canh. Thịt thì thay bằng chuối xanh, hoặc những loại quả khác.
Thỉnh thoảng chúng tôi chơi trò nuôi kiến. Trò này khá thú vị và vui. Đầu tiên bắt chuồn chuồn, loại nào cũng được. Sau đó tìm một tổ kiến (kiến đỏ) mà làm từ dưới lòng đất lên, cắt cánh con chuồn chuồn để nó không bay đi đâu được nữa, nhẹ nhàng đặt vào cửa hang (chúng tôi còn gọi là “Lâu đài của Kiến, vì đất đùn lên thành một cái mô” nhìn rất ngộ), rồi đọc thần chú nữa (nhưng là thần chú bằng tiếng dân tộc Tày của chúng tôi) cả lũ xúm lại, nhẹ nhàng, nín thở và hồi hộp quan sát.
Lũ kiến sẽ kéo nhau ra, bu đầy con chuồn chuồn, khi đủ quân rồi chúng khiêng con chuồn chuồn vào trong hang để mở tiệc. Có lúc bắt được con mối, con sâu, hoặc những con côn trùng nhỏ, chúng tôi cũng đem biếu kiến.
Tiếp đó, có một trò cũng thú vị không kém là trò xây nhà. Chúng tôi trộn đất, cát với nước, sao cho thật nhuyễn và dẻo. Nặn hoặc vo viên thành những hình khối nhất định, phù hợp với thiết kế ngôi nhà của mình. Rồi ghép những hình khối đó lại với nhau, xếp chồng chúng lên nhau, tạo thành ngôi nhà, có ban công, có cửa sổ, cửa ra vào, bàn ghế, giường tủ, … Nhà càng rộng thì càng chứa được nhiều đồ đạc.
Tường rào có thể làm bằng “gạch”, hoặc các cây dại, giống như rào bằng rặng dâm bụt hoặc cây cúc tần, cúc vàng, … Ai khéo tay thì xây được nhà 2 tầng, 3 tầng, biệt thự. Còn không thì chỉ xây nhà cấp 4. Nhưng phổ biến nhất vẫn là nhà 2 tầng. Vì hồi đó có ngôi nhà 2 tầng là oai lắm.
Vì chúng tôi ở quê, nên việc được nhìn thấy những chiếc xe tải chở hàng, thậm chí là xe máy là một điều không tưởng. Hồi đó, chỉ có xe đạp thui, đường xá chưa thông thương, vẫn là đường đất đỏ, dân thì nghèo, nên ít khi có xe máy, xe tải chạy vào trong xã.
Chỉ thỉnh thoảng đến mùa vụ thì người ta hay lái xe tải đến thu mua hàng hoá, lương thực, hoa màu mà thôi. Xe thường vào buổi trưa, đúng lúc chúng tôi đang “phải” ngủ trưa. Nhưng hôm nào mà nghe tiếng xe, thì dù đang ngủ hay làm gì, chúng tôi cũng nghĩ đủ mọi cách, trốn bố mẹ ra xem.
Giữa trưa, trời nắng gắt, mặc quần đùi, áo cộc tay, đầu trần, chân đất, chạy nhong nhong theo sau xe, dù rằng sau xe là làn khói đen và bụi dày đặc. Những bác tài tỏ ra quý mến chúng tôi, thỉnh thoảng đỗ lại bế chúng tôi lên ca-bin, lái xe đi một đoạn rồi thả chúng tôi xuống. Vui kinh khủng. Đây là điều làm chúng tôi cảm thấy thú vị nhất, khoái chí nhất.
Bởi những trò khác, chúng tôi có thể chơi bất cứ lúc nào, ở đâu. Nhưng riêng trò này thì rất hiếm khi chúng tôi được chơi, bởi không phải lúc nào người ta cũng đến mua, chở hàng.
Những kỉ niệm tuổi thơ trong sáng và hồn nhiên biết bao. Tôi và Sin, cũng như các bạn của tôi đã lớn lên như thế đó. Sau này, có nhiều xe tải vào chở hàng hơn, thường xuyên hơn, nhưng chúng tôi, chẳng ai còn trốn bố mẹ chạy theo sau những chiếc xe đầy khói bụi vào giờ trưa nữa. Không phải vì chúng tôi đã lớn, ý thức được nhiều điều, mà vì Sin.
Một buổi trưa, như những buổi trưa hè khác. Chiếc xe tải vào thu mua quả vải. Chúng tôi đến tận nơi, là gốc cây vải, ăn vải, rồi lại chạy theo xe. Vì xe phải đi thu mua vải ở nhiều nhà dân, tại những địa điểm khác nhau. Tôi nhớ, hôm đó, trời nắng gắt lạ thường. Không khí thật ngột ngạt, oi bức. Chúng tôi ai về nhà nấy, sau khi đã chạy mỏi chân, quần áo dính đầy bụi đất. Tôi đang chơi một mình thì nghe tiếng mấy cô chú hàng xóm gọi bố mẹ cùng sang nhà Sin.
Nghe nhắc Sin tôi cũng giãy lên đòi đi theo chơi cùng Sin. Nhưng bố mẹ không cho, và nghiêm mặt lại bảo tôi ở nhà, không được đi đâu, rồi khoá trái cửa lại. Hồi đó, tôi mới học lớp 2, nên cũng chưa biết gì nhiều. Bố mẹ về, bảo từ giờ tôi không được đi theo những chiếc xe tải nữa, nhất là buổi trưa...
Và một điều quan trọng hơn, tôi sẽ không bao giờ được gặp, chơi cùng Sin nữa, bố mẹ nói Sin đã đi theo những chiếc xe tải kia, đi rất xa rồi. Ở nơi đó Sin sẽ không quên tôi và các bạn trong xóm.
Sau này tôi lớn hơn một chút thì bố mẹ nói Sin trời nắng quá lại chạy đi chơi theo xe tải, nên bị cảm rồi mất. Nhưng đến khi tôi trưởng thành, tôi mới thực sự hiểu được sự ra đi đột ngột của bạn ấy. Sin bị bệnh hiểm nghèo, bệnh về não, lúc đó còn quá khó khăn, nên người lớn cũng chỉ chuẩn đoán là bị viêm não Nhật Bản B thôi.
Sin đã không còn bên tôi, không cùng chơi với tôi nữa. Nhưng với tôi, Sin luôn ở bên dù tôi vui hay buồn, thành công hay thất bại. Và những kỉ niệm ngọt ngào về tuổi thơ, về Sin sẽ còn mãi & lớn mãi trong trái tim, tâm hồn tôi…
(Dành tặng bạn & chính tôi)
Với việc ra mắt mục Phóng sự trẻ, đúng như tên gọi, chuyên mục mong muốn có được một sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có đam mê với công việc của người làm báo. Chúng tôi muốn gọi họ như những “người làm báo trẻ” kế cận để hòa với nhịp chuyển động của thông tin.
Phóng sự trẻ muốn đón nhận những tác phẩm qua lăng kính của các bạn trẻ về các mảng nội dung liên quan đến chân dung con người, sự việc, hiện tượng, tập quán… mà bạn có dịp khám phá, tìm hiểu.
Phóng sự trẻ - tiếng nói của giới trẻ, sân chơi của giới trẻ. Và vì thế, để chia sẻ “sắc trẻ” đó tới hàng triệu độc giả, hãy bắt đầu từ hôm nay để thử sức viết của mình trên chuyên mục.
Cùng với việc ra mắt thêm nhiều nội dung mới trên trang Văn hóa, Giải trí, Phóng sự trẻ ra mắt không nằm ngoài mục đích đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin và văn hóa đọc tới độc giả khắp mọi nơi, trong đó có giới trẻ.
Tham gia Phóng sự trẻ, những bài được chọn đăng của các bạn sẽ được trả nhuận bút hấp dẫn theo quy định của Tòa soạn.
Tin, bài, hình ảnh, video xin gửi về hòm thư: dantri@dantri.com.vn và xin đề mục cần gửi tới Phóng sự trẻ.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
|
Vi Ngọc Lập
(Pò Đồn – Tân Tri – Bắc Sơn – Lạng Sơn)