Những cử nhân thất nghiệp sống “lay lắt” ở Thủ đô
Rất nhiều trong số họ có mong muốn được trở về quê hương làm việc. Nhưng nhiều khi, cái mơ ước nhỏ nhoi ấy lại bị cản trở bởi cơ chế tuyển dụng theo hình thức “xin - cho” hoặc ưu tiên những thành phần “4C”.
Thế là họ phải dấn thân vào cuộc mưu sinh nơi đô hội đầy ngột ngạt...
Buổi sáng, khi các bạn ồn ào kéo nhau đi làm, V (quê Bắc Giang) ngồi lại một mình trong phòng buồn bã và chán nản. V nằm xuống định ngủ nhưng mắt cứ mở thao láo. V đã ngủ suốt từ chập tối hôm qua rồi còn gì! Với lại ai ngủ vào lúc sáng sớm thế này. V vơ lấy mấy tờ báo, mấy quyển sách cũ định đọc, nhưng chợt nhớ ra là mình đã đọc rồi nên cậu lại bỏ xuống. Muốn sang các phòng khác chơi thì không còn ai vì mọi người đều đi học, đi làm hết cả. Muốn ra ngoài quán “net” chat với bạn bè một tí nhưng không có tiền. Bực mình, V nằm vật ra. Được một lúc lại ngồi dậy vớ lấy bộ bài… bói xem hôm nay may hay rủi.
Tình trạng này đã kéo dài đối với V được 3 tuần rồi và ngày nào cái điệp khúc chán nản ấy cũng lại diễn ra. V đang thất nghiệp.
Tốt nghiệp một trường báo chí, V đi làm thuê cho một nhà hàng ở Hà Nội. Tôi hỏi V: “Sao không về quê xin vào một đài huyện nào đó mà làm có phải ổn hơn không?”. V bảo: “Em cũng muốn như thế lắm nhưng người ta bảo phải “chồng” đủ 40 triệu mới “vào” được. Năm ngoái, bán cả vườn vải đi với lại vay mượn thêm, mẹ em cũng đã góp được đủ số tiền mà họ yêu cầu. Nhưng rồi thấy người ta cứ thờ ơ, ừ ào cho qua chuyện mà không hứa hẹn gì nên em lại thôi. Về sau em mới hiểu là vì nhà mình không phải diện con ông cháu cha gì nên mới khó như thế!”.
Không may cho V, cái nhà hàng mà cậu vừa làm được mấy tháng với mức lương 800 nghìn chưa kể ăn uống ấy phải đóng cửa vì sập tiệm. Thế là V lại thất nghiệp. V đành về ở cùng cậu em trai (cũng đang làm phụ bếp cho một nhà hàng của người nước ngoài) tại khu vực Cầu Giấy. Trong thời gian chờ tìm việc khác, cậu em trai phải nuôi V ăn ở.
Sau mấy hôm nằm dài ở nhà, V mua báo để tìm việc. Nhưng qua mấy ngày, gọi hết bao nhiêu là tiền điện thoại và lang thang hết phố nọ đến phố kia V vẫn thất bại. V bảo: “Em cũng không muốn lay lắt sống ở đây làm gì, nhưng ở quê thì cũng chẳng có việc gì mà làm ngoài mấy sào ruộng. Với lại xung quanh làng xóm người ta cứ nói ra nói vào rằng học hành đến thế mà vẫn phải ăn bám vào bố mẹ, em thấy bức bối quá nên quyết tâm ra đi!”.
Khác với V, H (Thanh Hoá) còn có một “chiến tích lay lắt” lâu hơn.
H tốt nghiệp ĐH từ năm 2002. Nhưng cái ngành mà cô học chưa “thịnh” lắm nên H không thể sống nhờ nó. Thế là cô quyết định làm thêm một nghề tay trái nữa: cô tập viết báo và cộng tác cho một số tờ báo. Nhưng, do không phải là dân chuyên ngành nên những gì H viết chủ yếu là dựa trên những kinh nghiệm học mót. Vì vậy, tỉ lệ được đăng không nhiều. H lại không có phương tiện, không có thẻ nhà báo nên quá trình đi lấy tin lại càng gặp khó khăn.
Có lần, để khỏi ngượng với những người mà mình phỏng vấn, H đã phải đi xe bus hoặc gửi xe đạp ở một chỗ rồi đi bộ đến để người ta khỏi nhìn thấy. Mức thu nhập của H chỉ đủ để tồn tại và trả tiền nhà, thậm chí còn không đủ. Để tiếp tục “tồn tại” được ở đất Hà thành này, thỉnh thoảng H cũng làm thêm một số việc mà cô mày mò tìm được như: viết thuyết trình, dịch tài liệu hoặc cộng tác với một số trung tâm tư vấn hay đi gia sư. Tuy nhiên, những khoản thu nhập đó đều không cố định, khi có khi không.
Đã rất nhiều lần không đủ để trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn hay tiền điện thoại, H đã phải “lủi” để trốn bà chủ nhà trọ mỗi khi cuối tháng. Đến nay, tuy đã ra trường đã 3 năm rồi mà cô vẫn chưa có gì trong tay.
Cũng giống như V, sau khi ra trường H muốn về quê công tác. H đã “chồng” 20 triệu, đã chờ đợi hơn một năm trời, nhưng không thấy người ta nói gì, H đành phải đòi tiền về và quyết chí ra Thủ đô lập nghiệp. Và đến giờ, kết quả là trong tay cô vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.
Còn đây là T. Dù mới chỉ ra trường được 1 năm, nhưng T đã cảm nhận được những khốc liệt của công cuộc mưu sinh nơi đất Hà thành. Tốt nghiệp ngành xuất bản với tấm bằng loại khá, T xin ở lại tập sự tại một nhà xuất bản ở Hà Nội, nơi mà trước đó cô đã thực tập. T cũng đã quen được một số chú, một số bác “vai vế” ở nhà xuất bản này và được họ hứa hẹn là “sẽ có nhiều cơ hội” trong đợt thi công chức vào cơ quan sắp tới. Nghe vậy, cô tràn trề hi vọng và thể hiện lòng biết ơn của mình đối với các chú, các bác bằng sự tận tuỵ trong công việc. Nhưng hỡi ôi, đến khi thi, cô bị loại.
Thất bại, cô đành làm việc cho nhà xuất bản này với vị trí của một nhân viên làm thuê: nhận bản thảo về, làm và hưởng tiền công theo sản phẩm. Để đủ tiền trang trải cho cuộc sống đắt đỏ nơi đô thành, cô kiếm được một chân dạy thêm vào các buổi tối.
Cùng học một trường với T, nhưng D học khoa báo chí. Cạy cục mãi D mới xin được vào một tờ tạp chí cấp ngành. Buổi đầu tiên “ra mắt” cơ quan, D phải khao mọi người. Tất cả cùng kéo nhau ra một nhà hàng. Đến khi thanh toán, D cảm thấy tối tăm mặt mũi khi nhìn vào tờ hoá đơn hơn 1 triệu đồng. D bảo: “Em suýt ngất ! Em ở quê, lại mới ra trường, đây là một khoản tiền lớn đối với em”.
Tờ tạp chí này ra mỗi tháng 2 số. Bài D viết cứ để xếp xó, mãi chẳng thấy đăng. Và tất nhiên, không đăng thì D không có nhuận bút, không có thu nhập. Cuối cùng thì D cũng hiểu rằng người ta tuyển phóng viên vào đây chỉ là để làm quảng cáo chứ không ai cần nội dung. Sau một vài tháng lay lắt D không thể trụ nổi nên đã nói lời tạm biệt. Bây giờ không biết D đã đi đâu, về đâu?
Theo Thảo Hương
Tiền Phong