Những cô nàng “dại trai”
Người ta nói “con gái bây giờ khôn lắm”. Nhưng cũng có không ít cô bị coi là “dại trai”. Phía sau sự vụng dại của những cô gái non nớt là sự xót xa, day dứt của những ông bố bà mẹ.
Hậu quả của tình yêu
Cả xóm đồn ầm Nhung có bầu, mặc dù cô đang học năm thứ ba đại học. Nhà trai mang lễ ăn hỏi lên, nhà gái đuổi về nhất định không nhận vì bạn trai của Nhung chưa có công ăn việc làm ổn định.
Là một sinh viên, tương lai của Nhung rất rộng mở. Gia đình Nhung khá giả, bố mẹ cô không thể chấp nhận chàng rể lông bông, nghề nghiệp lúc có lúc không, lại có tin đồn là bị nghiện hút. Nhưng Nhung nhất định giữ đứa trẻ để nuôi. Người ta bảo Nhung “dại trai”.
Nhung quen Bính trong một lần đi xe khách. Bính là anh chàng lơ xe dẻo mỏ, tán tỉnh các cô gái nhanh như chảo chớp. Nhung - một cô gái mới lớn và cả tin đem lòng yêu chàng lơ xe cởi mở. Chuyện tày đình cuối cùng cũng đến: Nhung có bầu. Và hậu quả là “trời không chịu đất, đất phải chịu trời”, bố mẹ Nhung đành làm đám cưới cho cô.
Mẹ cô thở dài nói: “Con dại cái mang. Thằng bất trị kia còn doạ rằng nếu không cưới hoặc bỏ đứa con đi thì nó sẽ giết. Thương con đứt ruột nhưng nó làm thì nó phải chịu. Sau này khổ cấm kêu!”
Nạn nhân ngây thơ
Khác với Nhung, Ly sắc sảo hơn. Cô sống cùng bạn trai và chịu trả tiền nhà trọ, tiền ăn cho chàng vì tình yêu mặc dù lương của chàng, một kỹ sư xây dựng cao ngất ngưởng so với lương công nhân của bố mẹ Ly.
Ly đang là sinh viên năm thứ hai, chưa làm ra tiền nên tất nhiên cô sử dụng tiền của bố mẹ để chu cấp cho bạn trai. Ly cưng chiều chàng như một ông vua, khen chàng hết mực trước mặt bạn bè. Đức tính đầu tiên mà Ly thấy nể phục là sự hy sinh cho các em. Bố mẹ Hưng (tên chàng) mất sớm nên mọi công việc của gia đình đổ lên đầu anh. Cô em gái út là do anh nuôi dạy.
Ly luôn giành chi phần tài chính vì “anh ấy còn phải đóng tiền học cho em gái, lấy đâu ra tiền”. Ly ra sức nghĩ thêm những khoản chi tiêu “hợp lý” để xin thêm tiền chu cấp cho Hưng. Bố mẹ Ly rất tin vào cô con gái ngoan ngoãn, hiền lành của mình nên cô xin bao nhiêu cho bấy nhiêu, không bao giờ tính toán.
Sau hai năm chung sống, cô em gái của Hưng ra trường, Hưng cũng chia tay luôn với Ly. Ly đau đớn khi biết rằng cô em quý báu của người yêu thực ra không có chút máu mủ ruột rà gì với anh cả. Tiền bạc của cha mẹ vậy là “đem thóc đãi gà rừng”.
Những cô nàng được xem là “dại trai” đều là những nạn nhân bị lừa gạt. Họ thường phải một mình gánh chịu hậu quả.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, tùy từng trường hợp, tùy tính cách của con mình mà các bậc cha mẹ có cách can thiệp hợp lý. Dù là con “dại”, cha mẹ cũng không thể can thiệp theo kiểu cấm đoán, áp đặt... vì điều này sẽ đẩy con cái đi xa hơn. Cách tốt nhất là trở thành người bạn của con, gần gũi với con thường xuyên.
Khi thấy con sai lầm thì ngăn chặn ngay từ đầu bằng cách trò chuyện, phân tích để con thấy cái “dại” của mình. Còn khi đã không làm được như vậy mà để hậu quả đã xảy ra (có thai, đau khổ vì nhận ra bộ mặt thật chàng “đào mỏ”...), cha mẹ cần bình tĩnh, làm chỗ chỗ dựa cho con, từ đó động viên và vạch ra cho con cách giải quyết hợp lý.
Theo Khoa học và Đời sống