Những cô gái hoang tưởng
Những câu chuyện này không quá phổ biến, nhưng đã rải rác trong cuộc sống những người trẻ. Chỉ có điều chính bản thân các nhân vật chính của các câu chuyện thường không ý thức được mình đang lạc loài, còn bạn bè có biết cũng bảo là “đồ hâm”, “chập mạch”…
Các vị phụ huynh thì không biết con cái mình có những triệu chứng hoang tưởng như vậy, cũng vì sự không để ý đúng mức này mà nhiều trường hợp đã thành bệnh lý…
Tôi đã chứng kiến một trường hợp là sinh viên kí túc xá. Cô rất kỳ lạ, người ta luôn cảm thấy chuyện cô kể ra thật sự không thể tin được.
Cô bạn ấy tên là Hoài. Cô không có nhan sắc, nhưng tốt tính, sống tình cảm, có hoài bão… nhưng không hiểu sao Hoài lãng mạn một cách ảo tưởng. Lạ lùng hơn, cô kể cho mọi người câu chuyện của mình và ép người ta tin theo những gì cô kể.
Hoài kể có nhiều anh nọ kia theo đuổi, anh nào cũng đẹp trai nhà giàu và học giỏi! Lúc đầu mọi người cũng tạm tin nhưng khi các cô bạn cùng phòng đều có bạn trai đến tấp nập thì Hoài gần như không có ai. Hoài chống chế những anh theo đuổi cô đều đang ở xa!
Còn câu chuyện thực sự ly kỳ là khi cô kể về anh người yêu của cô, chi tiết hơn cả tiểu thuyết, nhưng sống với cô mấy năm mà các bạn cùng phòng chưa được một lần tiếp kiến anh ta! Hoài dựng lên chân dung về chàng của mình: Cao to, đẹp trai, đang làm đại sứ ở nước ngoài, theo đuổi cô từ khi cô còn học cấp 2. Và nhiều thứ cổ tích khác...
Chuyện Hoài buôn điện thoại với người yêu cũng cười ra nước mắt. Cô thích buôn lúc nào là buôn, sáng, trưa, chiều, tối. Có hôm cô bạn cùng phòng vô ý nháy váo điện thoại của cô, trong khi cô đang tâm tình rủ rỉ với anh yêu, nhưng chuông đổ réo rắt, cô giật mình chữa cháy: Ôi điện thoại lỗi mạng!
Và bây giờ qua bạn bè, tôi biết Hoài vẫn mang theo anh người yêu ấy. Hoài thuyết phục mọi người tin và có khi chính cô quá tin câu chuyện cô kể đến mức thi thoảng có gì mới cũng bảo anh yêu tặng, gặp ai cũng bảo anh ấy hỏi thăm cậu, thi thoảng còn cả những chuyện cãi nhau, những ghen tuông… và vở kịch ấy chỉ có Hoài làm đạo diễn, diễn viên chính kiêm nhà sản xuất.
Cũng như Hoài nhưng Xuân lại hoang tưởng theo cách khác, suốt ngày cô dựng lên những bi kịch từ gia đình, tình yêu đến cuộc sống của cô, cốt sao cho cô hiện lên như một tấm gương vượt lên, một cuộc đời đầy nước mắt.
Xuân luôn xuất hiện ý nghĩ sẽ có ai đó viết tiểu thuyết về cô, và qua những gì cô kể người ta cũng đủ hình dung cô có khả năng trở thành tiểu thuyết gia đại tài.
Một lần bà mẹ sang trọng của cô vác cả cọc tiền lên cho Xuân, mọi người mới vỡ lẽ, việc "mẹ già ốm đau bệnh tật, ông bố tâm thần, hai em trai suốt ngày đau yếu" của Xuân chỉ có trong tiểu thuyết! Và những quần áo, xe cộ mà cô có không phải do cô bươn chải, làm thêm mà do bố mẹ chu cấp.
Chuyện như Xuân hiếm hoi, nhưng chuyện như của Minh lại khá phổ biến: Cô dựng lên hình ảnh công chúa lá ngọc cành vàng, lầu son gác tía, và Minh đích thị là cô công chúa ấy. Bố mẹ đều là giám đốc, cuộc sống xa hoa không thiếu thứ gì, và sang trọng, thượng lưu. Để thiên hạ không nghi ngờ lời mình, Minh ăn mặc sành điệu, đi xe đẹp, đang là sinh viên năm thứ ba nhưng túi xách cũng phải của Chanel, mỹ phẩm thì chỉ Max, Dior, Menard.
Và đây là sự thật: Bố mẹ Minh đã về hưu, bố Minh đã già nhưng vì còn nuôi Minh nên phải cật lưng làm thuê cho người ta, mẹ Minh là một bà mẹ quê hiền lành, quê kiểng chính cống! Và Minh, để có quần áo và xe cộ đắt tiền đã đi trộm cắp của bạn bè, cặp kè với một ông đáng tuổi bố, làm gái bao cho ông ta, và cô gái 21 tuổi này đang phải trả giá đắt cho những sĩ diện hão của những hoang tưởng viển vông mà cô áp cho cuộc sống của mình.
Không đặc biệt như những cô trên, Cẩm Hương lại có nét lãng mạn đến… làm trò cười cho bạn bè. Suốt ngày cô ngồi viết thư cho hoàng tử William, tập ký, và tự gọi mình là công nương…
Cẩm Hương, suốt ngày gọi Diana là mẹ, và cô nói tự tin tới mức làm hoang mang người đối thoại khi bảo: Lấy chữ ký không, sau này tôi sang Anh, không có nhiều cơ hội đâu!
Chuyện này thật khó tin, nhiều bạn bè Hương còn cho rằng cô đùa, cô nói cho vui nhưng một thời gian dài cô gái 24 tuổi này vẫn nói vậy, vẫn làm thơ, viết truyện, vẫn viết nhật ký cho chàng thì mọi người mới ngã ra là cô đang tin những gì cô nói, và cô bắt mọi người phải tin theo tất cả những chuyện ấy là sự thật 100%.
Nếu ai thẳng thắn nói Hương đừng mơ mộng hão huyền thì cô giận và bảo không có thành ý, không hiểu gì về cô. Bạn bè Cẩm Hương vẫn thì thào: "Đây là bệnh nhân tiềm năng của trại tâm thần đấy". Nói vậy cũng hơi quá, nhưng lãng mạn đến độ như Cẩm Hương, thì cũng chịu không biết định nghĩa là gì trong khi cô đã qua rất lâu tuổi teen - tuổi hâm mộ và thần tượng với nhiều mơ mộng lãng mạn?
Xung quanh những câu chuyện của miền hoang tưởng này, còn có cả những chuyện khá phổ biến như Linh, Nga, Nguyệt… suốt ngày tự kỷ ám thị mình là người nổi tiếng, “nhẹ” hơn thì trong tương lai mình cũng thành diễn viên, ca sỹ, người mẫu có hạng… Nếu họ tưởng thế mà học hành cho tốt, cho nên người, và lấy nổi tiếng làm mục đích phấn đấu thì còn có phúc phận, đằng này công việc hàng ngày của những nữ 8x, 9x này là tập ký cho đẹp (để cho người hâm mộ chữ ký!), tập tành trang điểm, và tập chảnh, tập vênh váo!
* Đưa những câu chuyện có thật xung quanh cuộc sống của tôi, chúng tôi đã tới gặp ông Nguyễn Tiến Đạt, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia HN, ông cho biết:
"Đây là những câu chuyện thú vị, thi thoảng chúng tôi cũng biết vài trường hợp. Sự lãng mạn, tưởng tượng cho cuộc sống thêm thi vị, phong phú. Những người lãng mạn rất dễ có những giây phút thăng hoa. Nhưng ranh giới giữa lãng mạn và ảo tưởng đôi khi khá mong manh.
Trường hợp của bạn Hoài, trong một thời gian dài với những cú điện thoại độc thoại, hay bạn Cẩm Hương với ảo tưởng như vậy thì có thể đã thành bệnh lý và cần được điều trị kịp thời bằng cách đến gặp các nhà tâm lý, đó là dấu hiệu của bệnh lý, điều này đòi hỏi gia đình, bạn bè và người xung quanh nên quan tâm và có những cách giúp đỡ thiết thực”.
Theo Trang Anh Tú
Vietnamnet