Ấn Độ:
Những cô bé tuổi teen không muốn làm cô dâu “nhí”
(Dân trí) - Sống ở một làng quê nghèo khó tại Ấn Độ, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm đạm bạc và chưa từng được xem bộ phim nào, cô bé Ahalya Kumar 14 tuổi vẫn kiên quyết đứng lên chống lại cuộc hôn nhân sắp đặt hồi tháng 6 vừa qua.
Ahalya là một trong bốn đứa con trong một gia đình kiếm sống nhờ “sản xuất” những điếu thuốc lá rẻ tiền. Chính chị gái của Ahalya đã bị gả chồng từ lúc còn nhỏ và buộc phải sinh con trước năm 18 tuổi - độ tuổi kết hôn hợp pháp tại Ấn Độ.
Nhưng khi đến lượt mình, Ahalya đã thẳng thắn nói “Không” sau khi nghe kể về câu chuyện của một cô bé 13 tuổi ở trong vùng đã làm mọi cách ngăn chặn cuộc hôn nhân của mình.
“Em muốn được học hành trước đã và sống lành mạnh. Chuyện kết hôn có thể chờ đến năm em 19 tuổi”, Ahalya cho biết.
Ở ngôi làng Oldih thuộc Purulia, một trong những vùng nghèo nhất ở phía đông bang West Bengal (cách thủ phủ Kolkata phồn thịnh khoảng 300 km), cô gái nhỏ Ahalya đã phải chống lại cái đói và áp lực của cha mẹ để giữ vững lập trường của mình.
Người truyền cảm hứng cho Ahalaya là cô bé Rekha Kalindi, 13 tuổi. Mặc dù Kalindi vẫn sống trong một túp lều rách nát ở Purulia nhưng cô bé đã trở nên nổi tiếng khi kiên quyết chống lại tục tảo hôn và được đích danh bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ khen ngợi lòng dũng cảm mà cô có được.
Prosenjit Kundu, một quan chức Chính phủ đồng hành cùng các bé gái ở Purulia đến cuộc hội nghị tại Thủ đô Ấn Độ, cho biết: “Tổng thống rất vui mừng khi biết các cô bé đang phẫn nộ và phản kháng lại hủ tục này và bà đã khích lệ các em rất nhiều. Bà nói rằng những em gái này chính là thông điệp về sự thay đổi.”
Kalindi đã chọn con đường không trở thành một trong những cô dâu trẻ con bị định đoạt hôn nhân từ rất sớm tại đất nước có 1,1 tỷ dân này.
Theo khảo sát sức khỏe toàn quốc mới nhất ở Ấn Độ, gần một nửa phụ nữ trong độ tuổi 20-24 tuổi đã kết hôn trước khi bước qua tuổi 18 và hơn 1/5 kết hôn trước năm 16 tuổi. Khoảng 3% kết hôn trước khi các em tròn 13 tuổi. Đôi khi, các bậc cha mẹ cũng dùng đến vũ lực để buộc con gái họ phải cưới chồng và chuyện trở thành bà mẹ trẻ là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, những cô dâu trẻ con thường không sử dụng các biện pháp tránh thai và đang đối mặt với tỷ lệ mang thai cao, việc có bầu ngoài mong muốn và nạn phá thai.
Cùng với những tấm gương chống lại nạn tảo hôn như Ahalya và Kalindi, giờ đây tình trạng hôn nhân sớm ở Ấn Độ đang dần dần thay đổi. Được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo, chính phủ nước này đang dựng lên những ngôi trường dành cho lao động trẻ em, giúp các em nhận thức về quyền phá vỡ một hủ tục phổ biến dù trái pháp luật.
Anil Gulati - phát ngôn viên cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hiện làm việc với chính quyền địa phương để chống lại hủ tục trên - khẳng định các em gái Ấn Độ đang dần nói “không” với tục tảo hôn. Theo Gulati, giờ đây các em gái đã trở nên dũng cảm hơn bằng cách động viên lẫn nhau và nhờ báo chí hỗ trợ. “Đây là một phong trào đang phát triển từ từ và sẽ mất thêm thời gian nữa nhưng nó sẽ rất có giá trị”, Gulati kết luận.
Mới đây, hôn lễ của một bé gái tên là Babloo ở vùng Jodhpur đã được các nhân viên xã hội ngăn chặn sau khi họ thuyết phục được cha mẹ của em.
Câu chuyện may mắn của Babloo có thể báo hiệu một xu hướng mới nổi lên khắp Ấn Độ khi số vụ lấy chồng sớm đang giảm dần.
Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Ấn Độ, trong giai đoạn 1992-1993, 54,2% phụ nữ trong độ tuổi 20-24 đã kết hôn trước tuổi quy định. Tỷ lệ này trong giai đoạn 2005-2006 đã giảm xuống còn 44,5%.
“Tôi nghĩ đây sẽ là một phản ứng tích cực”, Kundu nói về quan điểm của xã hội Ấn Độ đối với những bé gái đứng lên chống lại nạn tảo hôn.
“Nếu các bé gái ở những vùng khác biết được rằng bạn bè đồng trang lứa và cùng có xuất thân nghèo khó như họ đang nói không với hủ tục tảo hôn, họ cũng sẽ đứng lên và nói ra suy nghĩ của mình”.