Những chuyện "kỳ lạ" của Bùi Vũ Nguyệt Minh

Cái tên Bùi Vũ Nguyệt Minh không xa lạ với ai yêu thích piano. Cô gái giành vô số giải thưởng piano trong và ngoài nước này không chỉ đàn hay mà học tập, khả năng tiếng Anh cũng thuộc dạng "khủng".

Là nghệ sĩ trẻ, sống với nghệ thuật, những tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần III, Bùi Vũ Nguyệt Minh vinh dự góp mặt với tư cách là sinh viên ngành… Quản lý Công nghiệp, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM).

Nghệ sĩ piano là sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp

Là nghệ sĩ piano trẻ nổi tiếng bậc nhất tại Sài Gòn hiện nay, Nguyệt Minh bén duyên với piano từ lúc còn rất nhỏ. Năng khiếu cùng với đam mê giúp cô bạn nhanh chóng gặt hái rất nhiều thành công với nghệ thuật. Cô được Quỹ Bảo trợ tài năng trẻ TP. HCM bảo trợ trong suốt 6 năm, gặt hái vô số những giải thưởng piano trong và ngoài nước ở các lứa tuổi.

Tuy nhiên, điều thay đổi cô gái này nhiều nhất là chuyến đi Mỹ cách đây 5 năm và có cuộc gặp gỡ với nghệ sĩ Alexander Schimpf và Tiến sĩ Tom Zelle, nhạc trưởng người Đức đang giảng dạy tại trường ĐH North Park Chicago.

Cả hai đều theo đuổi trường phái âm nhạc cổ điển Đức, cũng là con đường mà Minh theo đuổi, trong khi tại Việt Nam đa phần theo đuổi trường phái Nga. Cuộc gặp đó đã giúp Minh được mời làm trợ lý cho Tom Zelle từ lúc 15 tuổi đến nay, trong các hoạt động về âm nhạc cộng đồng.

Những chuyện kỳ lạ của Bùi Vũ Nguyệt Minh - 1

Bùi Vũ Nguyệt Minh (giữa) cùng 2 giảng viên trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2020. 

Nguyệt Minh cũng là sinh viên quốc tế đầu tiên giành học bổng chương trình Piano MERIT - Music Academy of the West, Californis (Mỹ) năm 2015 và đậu vào bậc dự bị ĐH Indiana (Mỹ), tuyển thẳng vào Studio của nghệ sĩ nổi tiếng Menahem Pressler.

Năm 2017, Nguyệt Minh là gương mặt trẻ nhất trong những "Công dân trẻ tiêu biểu" TP. HCM, ở lĩnh vực Nghệ thuật. Trong năm đó, Nguyệt Minh cũng vinh dự tham gia trong buổi hòa nhạc chào mừng Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đến thăm TP. HCM. 

Cứ tưởng, với nền tảng âm nhạc "khủng" như vậy, Nguyệt Minh sẽ tiếp tục theo đuổi học tiếp về âm nhạc ở bậc Đại học tại Nhạc viện TP. HCM như đã từng học hệ Trung cấp.

Năm 2020, Nguyệt Minh quyết định thi vào ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) và trở thành sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp chương trình Chất lượng cao.  

Theo Minh, âm nhạc không có đúng sai, không ranh giới, không định nghĩa và không công thức: "Mình quyết định học ngành Quản lý Công nghiệp để sau này theo đuổi con trường quản trị âm nhạc.

Âm nhạc là một ngành công nghiệp. Có thể chúng ta không định nghĩa được âm nhạc nhưng có thể định lượng được các hoạt động xung quanh nó. Nếu các hoạt động này được tổ chức có hệ thống, logic, thì nghệ sĩ sẽ thăng hoa hơn".

Những môn học ở năm đầu tiên như Kinh tế vĩ mô, Marketing, Kế toán Tài chính, Quản trị Đại cương khiến cô hứng thú, cung cấp những kiến thức cho muc tiêu quản trị âm nhạc trong tương lai.

Hiện, Nguyện Minh cũng là Ủy viên BCH Hội Sinh viên TP. HCM, đại biểu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2018. Trước khi ra Hà Nội tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần III, cô gái cùng từng tham dự Chương trình Giao lưu "Sinh viên TP. HCM - NHững câu chuyện đẹp" và cùng các thầy tại trường ĐH Bách khoa tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp, chia sẻ về quyết định theo đuổi học vấn ở ngành học tưởng như chẳng liên quan gì đến âm nhạc.

Những chuyện kỳ lạ của Bùi Vũ Nguyệt Minh - 2

Nguyệt Minh tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng TP. HCM. 

 

Bỏ trường quốc tế, học trung tâm giáo dục thường xuyên

Lúc nhỏ, Nguyệt Minh được gia đình cho học trường quốc tế. Khi bắt đầu sự nghiệp piano, những buổi luyện tập và những chuyến biểu diễn đã ảnh hưởng khá nhiều đến lịch học.

Mặc dù kết quả học tập vẫn tốt nhưng để chuyên tâm với piano, Nguyệt Minh quyết định chuyển sang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 10. Quyết định khiến nhiều người ngỡ ngàng vì định kiến của không ít người về mô hình này giống như "bổ túc văn hóa", "đào tạo không tốt", "học sinh quậy phá"...

Bỏ mặc những ý kiến đó, Nguyệt Minh vẫn theo học nghiêm túc và linh động được thời gian cho những chuyến biểu diễn, luyện tập. 

"Mình biết khá nhiều ý kiến trái chiều và không sa vào những tranh cãi đó. Ai cũng có quan điểm và mình giữ quan điểm của mình. Ở trường, mình tiếp tập trung ghi nhớ bài giảng, về nhà mình ôn tập nghiêm túc và trúng tuyển vào đại học", Nguyệt Minh chia sẻ.

Bên cạnh piano là những quyển sách

Ngoài piano, Nguyệt Minh rất mê đọc sách và không bỏ lỡ cơ hội để sưu tầm những quyển sách hay, mà phải là sách gốc có bản quyền.

"Minh tin rằng, một trong những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập của cá nhân Minh chính là việc lựa chọn sách và học được cách dành sự tôn trọng với sách có bản quyền. Đây là một trong những thói quen học tập mà mình muốn chia sẻ với mọi người.

Thường những quyển sách gốc là những quyển sách luôn được cập nhật với những kiến thức mới nhất, mang tính thời đại nhất. Bắt đầu từ những quyển sách nhập môn, nơi các vấn đề vĩ mô được trình bày một cách hết sức giản đơn, tới những giáo trình cho học sinh phổ thông mà các học sinh Việt Nam chưa được tiếp xúc từ sớm. Đây là một thói quen được mình duy trì cho tới tận ngày hôm nay.

Khi học sinh tiếp xúc và tạo dựng nên thói quen sử dụng sách gốc, có bản quyền, điều này khiến khoảng cách văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta ngày càng gần hơn".

Minh cũng thích sưu tầm sách và một bộ sách được cô bạn tâm đắc, cũng là sự… "ghen tị" của rất nhiều người, ngay cả với nhiều người Đức, chính là bộ Từ điển Duden, ấn bản đầu tiên.

Một quyển sách khác mà cô rất trân trọng và tự hào sở hữu là hồi ký Đặng Thái Sơn, người được Chopin chọn, chỉ phát hành 100 bản vào năm 2008 và được bán trong buổi diễn của NSND Đặng Thái Sơn để quyên góp cho chương trình "Ước mơ của Thúy".

Mong ước một lần được gặp thần tượng, năm 2010, Nguyệt Minh đã thuyết phục ba mẹ dẫn ra tận Hà Nội để được gặp ông và may mắn sở hữu được cuốn sách  này, như lời cô bạn chia sẻ: "Đó là quyển sách đã truyền rất nhiều cảm hứng cho mình, với một tiêu đề đầy khiêm cung lại vô cùng triết học".

Theo Khoa Tư

Sinh viên Việt Nam