Những chàng sinh viên lãng du trong âm nhạc

Tận mắt chứng kiến những đôi tay đam mê lướt trên organ, mềm mại và dứt khoát khi gảy guitar hay dũng mãnh, cuồng nhiệt với bộ trống... mới thấy sự diệu kỳ của âm nhạc.

Trong khi một bộ phận giới trẻ mất phương hướng lao vào những vòng quay tội lỗi của “lắc” thì ở những sinh viên đam mê chơi nhạc, hát và sáng tác, âm nhạc mang lại cho họ không chỉ niềm vui mà cả sự bất ngờ…

Đam mê dẫn lối, chỉ đường…         

Do các thành viên đang vắt cổ ôn thi và chìm mình vì làm thêm nên phải mất 2 tuần hẹn lên, hẹn xuống, rốt cuộc một buổi tối tôi cũng được “mục sở thị” buổi tập của nhóm Major and Minor (đô trưởng và đô thứ) tại phòng tập hiếm hoi của đất Hà thành-CLB 756 đường Minh Khai.

Quả là một rock band thứ thiệt. Major and Minor (M&M) chào đón tôi bằng 1 loạt đoạn hòa tấu rock “Fade to black, The Unforgiven, Forever and one, Knock on the haven door” bốc lửa và cuồng nhiệt như phong cách, niềm đam mê âm nhạc của họ vậy.

Đinh Hùng Cường (K42 Công trình-ĐH GTVT) thường ngày mảnh mai, bẽn lẽn như cô gái mới lớn vậy mà khi hòa mình vào rock với bộ gõ, trông cậu thật dũng mãnh. Tay guitar lead Nguyễn Trần Linh (K46 Kiến trúc-ĐH Xây dựng) ngây thơ, chũm chĩm vì thân hình “ục ịch” của thường ngày bỗng trở nên trầm tĩnh với từng nốt nhạc…

Hứng khởi sau “phút dạo đầu”, Cường kể chặng đường đến với âm nhạc thật gian nan: “Ban đầu phải giấu gia đình vì bố mẹ tụi em sợ vì nhạc mà không chí thú học hành. Nhưng sau rồi thấy chơi nhạc không những không ảnh hưởng mà mang lại kết quả cao cho học tập thì họ mới ủng hộ đấy, nhưng chỉ về mặt tinh thần thôi”.

Thế là vấn đề khó khăn nhất: mua sắm nhạc cụ, trang bị tăng âm cho việc tập và biểu diễn phải tự lo lấy thôi. M&M được thành lập từ năm 1998, khi ấy cả 4 thành viên đều là học sinh lớp 10. Họ tham gia bất cứ buổi biểu diễn nào trong và ngoài trường, thậm chí cả sân khấu của trường đại học, các trung tâm văn hoá.

Cát-xê thu được chẳng dám phung phí, Trần Linh dành dụm mua guitar 300USD, Cường sắm bộ trống gần 700 USD, Trần Minh (K46 Toán tin-ĐH Bách khoa) chọn guitar accord trị giá gần 400USD.

Thuận tiện hơn vì có thể 1 mình độc diễn với keyboard, Nguyễn Đức Long (K39 Kế toán-Học viện Tài chính) tối tối lại vác chiếc organ phục vụ các sân nhạc khắp thành phố. Long vui vẻ kể: “Mỗi buổi cũng được trả 200.000đ, có tuần kiếm tới bạc triệu”. Chẳng thế mà nhìn chiếc organ của Long trị giá lên tới 1000 USD mà không ít SV thòm thèm.

Không chỉ chơi nhạc mà các SV còn sáng tác những ca khúc “để đời” trong giới SV. Long có những ca khúc viết về trường học của mình khá ấn tượng như Đôi cánh ước mơ, cuộc sống quanh ta, riêng Tình ca người thợ làm đường đã đoạt giải nhất cuộc thi an toàn giao thông do UBATGT tổ chức dành cho các trường khối kinh tế năm 2004.

Nguyễn Trọng Nghĩa-tay keyboard kiêm nhạc sĩ của M&M nổi đình, nổi đám với 20 sáng tác mang phong cách Beatles như: Save the world, Tuổi trẻ của chúng ta, Ánh trăng…

“Chiến lợi phẩm” từ âm nhạc

Âm nhạc đã thổi vào cuộc sống với nhiều sự diệu kỳ mà hơn ai hiểu hết là chính người trong cuộc. Trần Linh, tay “săn” học bổng của ĐH Xây dựng không phủ nhận nhờ âm nhạc mà sức học khá hơn, ham học hơn. Linh cho biết: “4 năm học qua, chưa kỳ nào em để mất học bổng”.

Đối với Trọng Nghĩa, việc học luôn song hành với sáng tác và chơi nhạc. Niềm đam mê ấy đã thôi thúc chàng SV này đăng ký thi và dành suất học bổng toàn phần tại Singapore. Ở nước bạn, Nghĩa vẫn thường sáng tác và gửi các ca khúc về cho nhóm biểu diễn.

Hùng Cường lại có “chiến lợi phẩm” khá đặc biệt tuy nhiên không phải là hiếm: “Em mến một bạn gái cùng học phổ thông nhưng mãi đến năm thứ 2 đại học, khi sáng tác và hát tặng nàng nhân ngày sinh nhật thì nàng mới nhận lời yêu đấy”

Lê Quang Hưng- cựu thành viên nhóm “Con dao phay” (K38-ĐH GTVT) cho rằng âm nhạc giải quyết được nhiều vấn đề tinh thần: Lúc trống vắng không có bạn gái, bị mắng oan mà chưa biết giãi bày cùng ai hay sau thời gian làm việc, học tập mệt mỏi…âm nhạc xốc lại sự tỉnh táo và lấy lại hứng khởi nhanh chóng.

Hưng đang rất thành công với công việc kinh doanh của mình, không giấu nổi niềm vui, Hưng nói “Tôi đam mê kinh doanh hơn nhưng lại chót thi và học 5 năm giao thông. Quả thực nếu không nhờ âm nhạc lấy lại thăng bằng thì tôi không dám chuyển nghề”.

Tuổi trẻ thời nay bắt đầu cuộc sống với sự tiện nghi nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn, cạm bẫy. Nhưng nhờ âm nhạc, đã nhiều bạn trẻ vững vàng hơn, “Nhiều lúc thấy trống vắng hay buồn bã chuyện gì đó, ôm đàn ca hát em lại thấy đời hay hay và có ý nghĩa biết bao”-Trần Minh, nhóm M&M tâm sự.

Điều này một lần nữa được Hà Panel-nhóm For you (khoa Tiếng Anh-ĐH Mở HN) thể hiện khi viết và hát ca khúc Hãy giữ lấy niềm tin: “Hãy giữ lấy niềm tin, thế kỷ 21 vẫy tay chào ta. Hãy giữ lấy niềm tin, dù đường phía trước còn nhiều gian nan…”

Theo Phương Hiếu
Tiền Phong