Những bạn trẻ mê làm việc thiện

(Dân trí) - Làm từ thiện thường được gắn với hình ảnh những chương trình tổ chức quy mô, các “Mạnh Thường Quân” là ông chủ doanh nghiệp lớn. Nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều bạn trẻ 8x, 9x nhiệt tình làm công việc này một cách tự nguyện và lặng lẽ.

Cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Thích trẻ con ngay từ khi còn bé, Bảo Châu đã chọn vào học ngành Bác sĩ chuyên khoa nhi, thay vì vào Đại học Kinh tế như bố mẹ khuyên bảo. Ra trường Châu được nhận về làm ở một bệnh viên nhi tại Hà Nội.

Thế nhưng, cuộc sống không như những gì cô tưởng tượng. Châu thường xuyên tiếp xúc với những đứa trẻ mới chào đời mà đã mắc phải những căn bệnh quái ác. Hằng ngày nghe những câu nói từ các em nhỏ “con muốn được đi học như các bạn”, “con thích thả diều, cô ơi” làm Châu không khỏi xót xa. Đôi mắt van lơn của những đứa trẻ khiến Châu như cảm thấy mình là người có lỗi. Sự tận tình chăm sóc, dỗ dành của Châu cũng không làm giảm bớt được những cơn đau bệnh tật hành hạ trên cơ thể các em. Điều mà Châu đau lòng nhất là hoàn cảnh của các bé vô cùng khó khăn. Bố mẹ các em quanh năm làm ruộng, chỉ biết ngày ngày đổ mồ hôi kiếm đủ bữa ăn cho gia đình, làm sao lo nổi tiền chữa bệnh cho con.

“Nhiều khi chỉ là những khoản tiền nhỏ ở những người có cuộc sống đầy đủ hay người giàu nhịn tiêu một bữa là có thể cứu sống được các em” - Bảo Châu tâm sự. Cũng chính từ suy nghĩ trên mà Châu nghĩ ra cách kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng. Mỗi cháu bé được Châu viết riêng một hồ sơ bệnh án cùng lý lịch hoàn cảnh gia đình rồi gửi đến những “tấm lòng nhân ái” khắp thành phố. Từ các giám đốc doanh nghiệp, chủ nhà hàng lớn hoặc những tờ báo trung ương đều được Châu tìm đến với mong muốn sẽ nhận được hỗ trợ, chia sẻ.
 
Những bạn trẻ mê làm việc thiện - 1
Những em bé đáng thương khiến Châu không khỏi suy nghĩ phải làm gì cho các em bớt khổ?

Tốt nghiệp đại học báo chí, cũng như nhiều bạn cũng lớp, Ngọc xin làm cộng tác viên ở một tờ báo địa phương. Trong khi bạn bè thích “nhảy” vào những đề tài phóng sự xã hội hấp dẫn để được nhiều người biết đến thì Ngọc lại âm thầm đi con đường riêng: viết về những con người cùng khổ.

Mỗi bài viết của Ngọc đăng trên báo là một mảnh đời, một số phận trớ trêu. Những người nghèo khổ, mang trong mình bệnh tật đau đớn và cả những ước mơ… đó là điều mà Ngọc muốn chia sẻ với cộng đồng. Sau những bài báo được đăng, Ngọc nhận luôn công việc nhận đóng góp từ các nhà hảo tâm gửi đến tận tay cho “nhân vật” của mình.

Không chỉ dừng lại ở đó, Ngọc còn vào bệnh viện làm công tác chăm nom y như người nhà bệnh nhân đối với những người neo đơn, không họ hàng thân thích. Đóng tiền viện phí, nộp tiền xét nghiệm máu, mua đơn thuốc… mọi công việc lo cho người bệnh Ngọc đều cáng đáng mà không hề đắn đo, suy nghĩ. “Nhiều khi về đến nhà mệt rã rời, nhưng cứ nghĩ đến những người còn đang nằm chờ chết thì chút sức lực của mình có thể giúp họ bớt đau đớn là mình lại gượng dậy được. Bạn bè ai cũng bảo mình “điên”, không dưng cứ “ôm” lấy việc của thiên hạ, nhưng mình thì thấy vui khi làm được một điều gì đó có ích, chỉ đơn giản vậy thôi” - Ngọc chia sẻ những suy nghĩ về những gì đang làm.

“Hiệp sĩ” bất đắc dĩ

Người thành phố hay có sở thích câu cá, nuôi chim cảnh, nhưng Đức Hoàng thì ngược lại. Anh thích được… giải thoát cho chúng. Không phải như những ông chủ, bà chủ lắm tiền thường lên chùa mua chim sẻ, chim sắt, chim én phóng sinh lấy đức, Hoàng thích thả chim cảnh. Chim cảnh là loại chim khá đắt tiền mà nhiều gia đình thành phố giàu có thích nuôi như họa mi, khướu, chích chòe, chào mào, đôi khi là cả diều hâu, đại bàng cũng góp mặt.

Chúng được các cửa hàng chim cảnh bày bán nhan nhản. Hàng tháng, Hoàng thường “đập om” lấy ra một số tiền lương dành dụm được để đi mua chim cảnh rồi về… thả. “Những con chim cảnh đều là chim rừng quý hiếm, nếu người thành phố ai cũng thích nuôi thì chả mấy chốc chim chóc sẽ bị tận diệt” - Hoàng lo lắng.
 
Những bạn trẻ mê làm việc thiện - 2
Chim chóc được bày bán trên phố Tăng Bạt Hổ

Một mình trên chiếc xe cũ, chủ nhật cuối tháng Hoàng đạp xe lên các cánh rừng để thả chim. “Nếu bạn bị nhốt trong nhà một tuần, thậm chí một tháng không ra khỏi cửa, bạn sẽ hiểu được thế nào là tự do của những chú chim khi bay ra khỏi lồng”, cậu mỉm cười khi nói đến cảnh thả chim vảo rừng.

Có lần, trông thấy một cửa hàng bày bán một con diều hâu mẹ bị thương ở cánh với một con diều hâu con mới lớn. Giá “tự do” cho 2 con chim lên tới vài triệu. Vậy là Hoàng lo lắng mất ăn mất ngủ lo cho đủ tiền mong chuộc kịp để phóng thích cho 2 mẹ con nhà chim.

Không chỉ thả chim, Hoàng còn thường đi thả cá ở sông. Khi còn nhỏ khi, mỗi lần ông bà nội ra các con sông lớn thả cá vào ngày rằm hay dắt cậu đi theo nên giờ cậu cũng “nhiễm” luôn thói quen này. Hoàng mua cá giống ở chợ hoặc ở các cửa hàng, lúc thì ra hồ Tây, hồ Gươm, lúc về tận sông Hồng để thả...

Sông Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm