Những 9X có tầm ảnh hưởng thế giới

(Dân trí) - Những con người trẻ tuổi tài năng ở các lĩnh vực khác nhau: chính trị, y học, hạt nhân, máy móc... đã có các hoạt động, thành tựu ảnh hưởng tới cả thế giới, khiến mọi người phải thán phục.

Malala Yousafzai – người trẻ nhất nhận giải Nobel Hòa bình

 

Malala Yousafzai (SN 1997) vừa được trao giải Nobel Hòa bình 2014 vì “nỗ lực của họ nhằm chống lại sự chà đạp đối với trẻ em và những người trẻ tuổi, và vì quyền lợi được đến trường của tất cả các em nhỏ”.

 

Đầu năm 2009, lúc mới 12 tuổi, Malala viết blog cho BBC kể chi tiết cuộc sống của mình dưới chế độ Taliban và quan điểm về xúc tiến giáo dục cho nữ giới. Sau khi bị bắn vào đầu và cổ trong một vụ ám sát hụt của Taliban (t10/2012), Malala đã biến thành biểu tượng toàn cầu. Làn sóng cầu nguyện cho Malala lan nhanh từ Pakistan sang các nước Hồi giáo khác.
 
Những 9X có tầm ảnh hưởng thế giới

 

Chính phủ Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu... đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban. Trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook và các trang mạng khác, Malala được cư dân mạng cả thế giới tôn vinh là một anh hùng.

 

Năm 2013, Malala nhận giải thưởng Tự do tư tưởng Sakharov và giải thưởng Công dân toàn cầu Clinton. Cô cũng là một trong số những ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình 2013 bởi các hoạt động và cống hiến trước đó.

 

Malala đã cho ra mắt cuốn tự truyện “Tôi là Malala” cuối năm 2013 và trở thành hiện tượng xuất bản vì nói thay tâm trạng của nhiều người ở Pakistan. Hiện Malala đang học tại trường trung học Edgbaston, một ngôi trường tư ở Birmingham.

 

Taylor Wilson và cuộc cách mạng tạo ra năng lượng hạt nhân an toàn

 
Những 9X có tầm ảnh hưởng thế giới
 

Taylor Wilson, (SN 1994) chế tạo thành công Fusor – một thiết bị dùng để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân. Và sau đó là lò phản ứng có khả năng đốt cháy rác thải từ vũ khí nguyên tử cũ, tạo ra nguồn điện cung cấp cho hộ gia đình, nhà máy và các thiết bị hoạt động trong vũ trụ khi mới 14 tuổi.

 

Wilson đã chia sẻ sáng tạo tại Hội nghị Công nghệ, Thiết kế và Giải trí (TED với hy vọng thiết kế mới sẽ mang những gì "cũ kỹ" vào thế giới công nghệ hiện đại của thế kỷ 21 và góp phần làm thay đổi thế giới.

 

Lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ (rất dễ vận chuyển) của Wilson có khả năng sản xuất 50 – 100MW điện, đủ cung cấp nhu cầu điện năng cho khoảng 100.000 hộ gia đình.

 

Nó có hiệu quả cao hơn 15% so với lò phản ứng hiện nay, và tiếp nhiên liệu 30 năm một lần thay vì 18 tháng một lần. Không chỉ giúp người dân tiết kiệm, đồng thời hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, Wilson cho biết sáng tạo của mình còn hứa hẹn cung cấp nguồn điện năng đáng kể cho một thế giới đang ngày càng phát triển.

 

Jack Thomas Andraka và phương pháp mới chẩn đoán ung thư tuyến tụy

 
Những 9X có tầm ảnh hưởng thế giới
 

Jack (SN 1997, Mỹ) đã tìm ra một phương pháp mới nhằm phát hiện ra người bệnh bị ung thư tuyến tụy giai đoạn sớm. Đây được xem là phương pháp phát hiện, chẩn đoán ung thư nhanh hơn 28 lần, ít tốn kém gấp 2.600 lần và có độ nhạy cao hơn 100 lần so với phương pháp hiện nay.

 

Nó được thử nghiệm bằng test nhanh tương tự như thử tiểu đường để tìm ra chất mesothelin bất thường trong máu, cho kết quả chính xác 90% và ngay lập tức với chi phí chỉ có 3 cent.

 

Năm 2012, sau khi công bố và trình bày nghiên cứu của mình tại Hội chợ Khoa học kỹ thuật Quốc tế, Jack đã được nhận giải thưởng Gordon E. Moore trị giá 100.000USD và giải thưởng phát minh của Intel.

 

Jack bắt đầu tự mình thực hiện các nghiên cứu khi là học sinh cấp 2 và trở thành nhà phát minh, nhà khoa học và nghiên cứu về ung thư ở tuổi 16. Hành trình đó của Jack đến nay luôn một mình xoay sở, từ việc tìm kiếm các thông tin, liên hệ các phòng thí nghiệm, kêu gọi ngân sách tài trợ...

 

Marian Bechtel và phát minh ra thiết bị dò mìn

 
Những 9X có tầm ảnh hưởng thế giới
 

Marian Bechtel, 20 tuổi, đã phát minh ra thiết bị dò mìn sử dụng sóng siêu âm. Thiết bị với mức chi phí thấp này là một máy dò kim loại tiêu chuẩn được trang bị một máy rung địa chấn và micro.

 

Phát minh này đã giúp Marian giành giải cuộc thi Intel Talent Search 2012 và Top 10 phát minh trung học phổ thông năm 2012 của tạp chí Popular Science. Hiện tại Marian đang học ngành địa chất và vật lý của ĐH Bryn Mawr.

 

Shubham Banerjee và máy in chữ nổi giá rẻ cho người khiếm thị

 
Những 9X có tầm ảnh hưởng thế giới
 

Cậu bé người Mỹ gốc Ấn Shubham Banerjee 13 tuổi đã kết hợp 4 đam mê khoa học – công nghệ - kỹ thuật – toán học trong sản phẩm máy in chữ nổi Braigo. Cuối năm 2013, Shubham bắt đầu biết đến, quan tâm chữ nổi Braille và cách tiếp cận thông tin của người khiếm thị.

 

Vì máy in chữ Braille quá đắt (hơn 2.000 USD), Banerjee đã chế tạo thành công mô hình máy in chữ nổi giá rẻ (500 USD), có tên Braigo – từ các khối lắp ghép Lego.

 

Chiếc máy này được Trung tâm người mù nơi Banerjee  hào hứng đón nhận, sau đó đi khắp nước Mỹ. Tham gia Hội chợ sáng chế do Nhà Trắng tổ chức hè năm 2014, Banerjee trở thành doanh nhân công nghệ trẻ nhất được Intel Capital đầu tư vốn (T9/2014), đồng thời đề nghị cậu thử ứng dụng thêm bộ phận vi xử lý Edison của họ để tăng hiệu suất hoạt động cho máy.

 

Banerjee ấp ủ phát triển chiếc máy của mình trở nên hữu ích toàn diện cho người mù, khi định thiết kế khả năng truyền lời nói thành văn bản. Chiếc máy này được đánh giá là bước đột phá trong việc tiếp cận thông tin của người phải sống trong bóng tối.

 

Hoài Thư