Những 8X dám phiêu lưu

Là con gái duy nhất trong gia đình khá giả, hoạt bát và giao tiếp giỏi, có công ty tuyển Mẫn Nhi làm việc với mức lương trên 300 USD/tháng, nhưng cô từ chối. Chọn mặt hàng kinh doanh chính là jeans và thun, Nhi vay tiền của mẹ và ra thuê sạp ở chợ An Đông.

Ra chợ, tại sao không? 

 

20 tuổi, một mình Nhi sang tận Trung Quốc, Hồng Kông lần mò vào tận các chợ, cửa hàng... đặt quan hệ và bắt mối làm ăn. Từ Việt Nam, mỗi tuần Nhi giao dịch, đặt hàng từ nước ngoài qua e-mail, chi trả trước 30% trị giá lô hàng qua tài khoản ngân hàng và trả nốt phần còn lại khi hàng về đến nơi.

 

Nhi bỏ sỉ cho các chủ shop, mối ở tỉnh với mức lãi chỉ vài ngàn đồng/quần jeans, khách thanh toán trả tiền cho Nhi bằng tài khoản ở ngân hàng. Lượng hàng Nhi bán đã lên hàng ngàn chiếc mỗi tháng.

 

Cũng vì muốn đi theo nghề kinh doanh, Ngọc Trâm 23 tuổi sẵn sàng rời bỏ vị trí nhân viên văn phòng ở một công ty du lịch (đã làm hơn một năm) để ra chợ làm người phụ việc. Hàng ngày nép mình trong góc sạp vài mét vuông, giữa đống áo, váy, quần chất cao ngất, Ngọc Trâm làm quen với việc kiểm hàng, ghi “toa” và chỉ ra bán khi có khách cần nói tiếng Anh. Cô nói: “Ngày xưa người ta cho rằng người bán hàng ở chợ thường kém học là sai. Chợ bây giờ người trẻ đông hơn, có trình độ và kinh doanh bạo tay lắm!”.

 

Bích Trâm vừa tròn 24 tuổi nhưng cũng đã có 3 năm làm chủ sạp chợ. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, Trâm liều mình vay vốn ngân hàng để ra một sạp bán sỉ quần áo trẻ em và chọn cách đi riêng: chỉ bán các loại quần áo bé trai phong cách hip hop lạ mắt. Ít ai có thể ngờ cô gái thích gu bụi này giao dịch hàng chục ngàn bộ quần áo mỗi tháng với doanh số lên đến hàng tỉ đồng.

 

Tự tin, bản lĩnh

 

Mẫn Nhi tâm sự: “Nghề buôn bán cho mình cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhưng cũng rủi ro nhiều”. Nhi tự lên mạng tìm kiếm thông tin, tự thiết kế ra các kiểu quần áo cho khác với các sạp chung quanh rồi gửi đặt sản xuất ở nước ngoài. Lô hàng ít nhất 200 sản phẩm, nhiều khi lên đến cả ngàn chiếc, Nhi luôn phải tính toán thật kỹ để mua về là bán cho hết.

 

Có lô hàng đặt mang về “ôm” cả tháng khách không mua, Nhi khóc lặng người. Nhưng có lô hàng vừa mang về đã bán hết nhẵn. Nhi hiểu ra, buôn bán có lỗ, có lời, hơn nhau là cách xử lý trong từng trường hợp. Bây giờ hễ thấy hàng chậm một tháng là Nhi tìm cách “đẩy” ngay, bán lỗ một chút để vớt lại phần nào vốn liếng và giải phóng mặt bằng nhập hàng mới.

 

Bích Trâm kể: “Bán hàng sỉ hơn nhau ở “gu” riêng và am hiểu thị hiếu. Ngày nào mình cũng phải đọc báo, xem các tạp chí, phim hoạt hình, vào mạng xem màu sắc nào, dòng nhạc nào đang là thời thượng... để chọn mẫu và đặt mua hàng”.

 

Bích Trâm đã trả được 40% vốn vay ngân hàng và 3 năm kinh doanh vừa qua chưa hề bị lỗ nên Trâm tin chắc mình có khả năng mua được sạp trị giá cả trăm cây vàng. Không chỉ thế, bà chủ sạp trẻ luôn tin giới tiểu thương sẽ ngày càng có trình độ hơn. Hàng hoá ở chợ rồi sẽ có gu riêng theo từng tên tuổi của chủ sạp.

 

Khát vọng tương lai

 

“Mình coi những ngày chọn hàng, lựa mẫu đặt hàng bán cho khách là khoá học về kinh nghiệm thời trang để sau này có thể tự mình kinh doanh tốt hơn”, Ngọc Trâm tâm sự. Mục tiêu gia nhập thị trường kinh doanh của cô đã có bước đầu suôn sẻ, hiện Trâm đang học các khoá chuyên về kinh doanh như tiếp thị, quảng cáo... song song với những buổi tự học về màu sắc, chất liệu vải, thị hiếu thời trang.

 

Mẫn Nhi tin chắc: “Tôi sẽ trở thành nhà kinh doanh phân phối hàng may mặc lớn trong tương lai. Hiện tại tôi còn trẻ, còn thời gian để tích luỹ vốn, kinh nghiệm và mở rộng các mối quan hệ làm ăn cho mình”.

 

Riêng Bích Trâm muốn người bán hàng ở chợ phải có trình độ hơn, hiểu về thị trường tường tận như một chuyên gia. Cô hy vọng: quy mô kinh doanh của một sạp như mình sẽ không hề thua kém một công ty thương mại”.

 

Theo Bích Nga
Sài Gòn Tiếp Thị